Dịch bùng mạnh ở Nga từ tháng 9 và số ca nhiễm cùng số người chết liên tục tăng báo động mỗi ngày. Kỷ lục, Nga ghi nhận tới hơn 1.000 ca tử vong cùng hơn 34.000 ca nhiễm trong ngày 20-10 - mức cao nhất kể từ khi dịch COVID-19 bùng phát tại quốc gia này.
Diễn biến này buộc nhà chức trách Nga phải hành động quyết liệt. Ngày 20-10, phát biểu tại phiên họp chính phủ được phát sóng trực tiếp trên truyền hình, Tổng thống Vladimir Putin cho biết ông đã thông qua đề xuất cho người lao động nước này nghỉ làm một tuần có hưởng lương từ ngày 30-10 đến 7-11 nhằm chặn đà lây COVID-19.
50,7
triệu USD là số tiền trung bình chính quyền Nga phải chi mỗi ngày cho chiến dịch đẩy lùi dịch COVID-19 trong nước, Bộ trưởng Tài chính Nga Anton Siluanov cho biết ngày 19-10. Đáng chú ý, con số trước ngày 18-10 chỉ dừng ở khoảng 28 triệu USD nhưng do số ca nhiễm, tử vong tăng nhanh khiến chính quyền Moscow phải chi mạnh tay thêm để giảm tải hệ thống y tế, theo hãng tin Sputnik.
Tại sao dịch ở Nga bùng đáng sợ?
Theo tờ The New York Times, dịch bùng mạnh tại Nga đã khiến nhiều chuyên gia bất ngờ vì Nga là một trong những nước đầu tiên sản xuất thành công vaccine ngừa COVID-19, cụ thể là loại Sputnik V và đã triển khai tiêm cho toàn dân từ rất sớm.
Song theo nhiều nhà phân tích, điều này có nguyên do. Trước tiên, chiến dịch tuyên truyền về đại dịch COVID-19 tại Nga cũng bị cho là có nhiều điểm hạn chế. Theo ông Denis Volkov, Giám đốc tổ chức thăm dò dư luận Levada (Nga), thái độ quá bình tĩnh trước đại dịch vào lúc đầu của chính quyền ông Putin đã tạo ra tâm lý xem nhẹ COVID-19 trong dân chúng. Điện Kremlin từng nhiều lần tuyên bố công khai là đã kiểm soát thành công đại dịch, khiến nhiều người cho rằng dịch COVID-19 chỉ nguy hiểm ở nước ngoài chứ không thể sống sót với điều kiện môi trường của Nga. “Ngay từ đầu, chúng ta đã không đưa ra thông điệp xuyên suốt và thống nhất rằng COVID-19 rất nguy hiểm và người dân nên cảnh giác. Động lực đã bị mất từ đó và giờ rất khó để lấy lại” - ông Volkov đánh giá.
Điều này và cả sự nghi ngại vaccine phần nào là yếu tố dẫn tới việc người dân không mặn mà với việc đi tiêm chủng. Nga cho đến nay mới chỉ tiêm chủng đủ hai liều cho chưa tới 1/3 dân số (32%), tức chỉ khoảng 42 triệu trên tổng số 146 triệu người, dù nguồn vaccine miễn phí rất dồi dào. Độ bao phủ vaccine lúc này tại Nga kém xa so với Mỹ hay các nước thuộc Liên minh châu Âu (EU).
Ông Volkov cho biết một cuộc khảo sát gần đây của Levada cho thấy có tới 53% người được hỏi không có ý định tiêm vaccine. Khi được hỏi lý do thì họ cho biết không tin tưởng vào độ hiệu quả và an toàn của vaccine. Một cuộc thăm dò khác của Công ty tư vấn thị trường Ipsos (Pháp) tiến hành hồi cuối tháng 9 tại 15 quốc gia cũng cho thấy Nga bị xếp hạng thấp nhất khi đánh giá mức độ sẵn sàng đi tiêm chủng của người dân, tiếp sau là Mỹ. Cụ thể, chỉ có 41% người được hỏi tại nước này có kế hoạch đi tiêm vaccine, còn tại Mỹ là 46%.
Phản ứng của giới chức Nga
Trước tình hình này, Tổng thống Putin kêu gọi người dân đi tiêm chủng: “Tôi muốn nhấn mạnh là vaccine giảm đáng kể các nguy cơ: lây nhiễm, có biến chứng nghiêm trọng và tử vong. Tôi kêu gọi chính quyền khu vực phải hết sức chú ý về tính cấp thiết của việc đẩy mạnh tiêm vaccine trong dân. Và đương nhiên, tôi cũng kêu gọi toàn bộ người dân đủ điều kiện hãy đi tiêm ngừa ngay lập tức”.
Ông Putin cũng yêu cầu các nghị sĩ chung tay vận động người dân tiêm chủng với lưu ý “người dân sẽ tin tưởng và lắng nghe khuyến nghị của giới nghị sĩ”. Tuy nhiên, Phó Chủ tịch Hạ viện Nga Pyotr O. Tolstoy nêu quan điểm rằng kiểu tiếp cận “chúng tôi nói, bạn làm theo” đã không còn hiệu quả.
“Thật không may, chúng ta đã triển khai một chiến dịch truyền thông, thông tin về COVID-19 không đúng, thất bại hoàn toàn. Người dân không có niềm tin và vì thế họ không đi tiêm chủng. Đó là thực tế” - ông Tolstoy nhấn mạnh.
Đến thời điểm hiện tại, chính quyền ông Putin vẫn kiên định với quyết định không áp đặt lệnh phong tỏa nghiêm ngặt trên cả nước, theo tờ The Moscow Times. Thay vào đó, Moscow sẽ ủy quyền cho các chính quyền khu vực tự lên kế hoạch phòng chống dịch COVID-19 phù hợp với điều kiện địa phương.
Hiện đã có 38 khu vực ban hành bổ sung các quy định bắt buộc tiêm chủng ở các cấp độ khác nhau với công dân thuộc nhóm đối tượng nhất định, như nhân viên làm việc trong một số ngành nghề bán lẻ, lưu trú - khách sạn và vận tải. Ít nhất 85 khu vực áp dụng nhiều quy định phòng dịch, như hạn chế người tham dự các sự kiện lớn, giới hạn lượng người vào nhà hát, nhà hàng và các địa điểm khác….
Thủ đô Moscow - một trong những vùng có số ca nhiễm, tử vong tăng mạnh nhất nhiều ngày qua - có nhiều động thái siết chặt phòng chống dịch hơn cả. Chính quyền Moscow vừa thông báo yêu cầu những người trên 60 tuổi chưa tiêm vaccine phải ở nhà trong bốn tháng tới, tờ Kommersant đưa tin. Moscow dự kiến cũng sẽ buộc các trung tâm thương mại kết nối camera an ninh với hệ thống nhận diện khuôn mặt trung tâm, cho phép giới chức điều hành quản lý việc đeo khẩu trang bắt buộc ở nơi công cộng. Những đơn vị nào không tuân thủ có thể sẽ bị buộc đóng cửa.
Ngoài ra, 60%-80% người làm trong các ngành dịch vụ ở Moscow bắt buộc phải tiêm đủ liều vaccine mới được làm việc tiếp, trong khi công ty tư nhân được yêu cầu phải đảm bảo ít nhất 30% nhân sự làm việc từ xa.
Nga ghi nhận nhiều ca nhiễm biến thể Delta Plus
Hãng thông tấn Nga RIA ngày 21-10 dẫn lời nhà nghiên cứu cấp cao của Cơ quan giám sát tiêu dùng quốc gia Nga Kamil Khafizov cho biết giới chức nước này vừa phát hiện một số ca nhiễm biến thể Delta Plus - một biến thể phụ sinh ra từ biến thể Delta. Ông cho biết các chuyên gia vẫn đang điều tra để xác định độ nguy hiểm của biến thể này, song khẳng định nhiều khả năng Delta Plus sẽ lây lan rộng và khiến số ca nhiễm, tử vong mới ở Nga tăng cao hơn nữa.
Trước đó, vào ngày 19-10, phát ngôn viên của Thủ tướng Anh Boris Johnson cũng cho biết chính quyền Anh đang theo dõi biến thể Delta Plus vì biến thể này đang có dấu hiệu gia tăng trong các ca nhiễm mới COVID-19 ở nước này, theo đài BBC./ .