Tuyên bố chung được đưa ra tại Washington và Berlin trong tuần trước cho thấy Mỹ và Đức đã đạt được thỏa thuận về Dự án Dòng chảy phương Bắc 2 gây tranh cãi.
Cả Mỹ và Đức đều mong muốn làm dịu những bất đồng liên quan tới dự án này. Đối với Tổng thống Mỹ Joe Biden, bất đồng với Đức cản trở mục tiêu hồi sinh quan hệ đối tác xuyên Đại Tây Dương, trong khi đối với Thủ tướng Đức Angela Merkel, dự án này là di sản đáng tự hào sau 16 năm cầm quyền của bà.
Tuy nhiên, có một bên thứ ba trong thỏa thuận này: Tổng thống Nga Vladimir Putin, được cho là đóng vai trò “người bảo lãnh”.
Thỏa thuận tương hỗ [giữa Mỹ và Đức] được công bố vào tối 21/7 khi bà Merkel có cuộc điện đàm với ông Putin để làm rõ những điều bà còn e ngại. Điện Kremlin cho biết, trong cuộc điện đàm, Tổng thống Putin “ghi nhận cam kết nhất quán của Đức trong việc thực hiện dự án Dòng chảy phương Bắc 2, đây hoàn toàn là một liên doanh thương mại và được thiết kế để tăng cường an ninh năng lượng của Đức và phần còn lại của EU”.
Sự nhượng bộ đem lại chiến thắng lớn cho chính Nga
Ông Putin cũng cam kết, Nga sẽ “nghiêm túc” trong việc coi Dòng chảy phương Bắc 2 là một liên doanh thương mại các bên cùng có lợi. Điều này dường như khiến bà Merkel tự tin hơn về cuộc hội đàm giữa bà và Tổng thống Mỹ Biden tại Nhà Trắng trước đó.
Nga không muốn Dòng chảy phương Bắc 2 tác động tới thỏa thuận giữa Moscow và Kiev về việc tiếp tục sử dụng lãnh thổ Ukraine để vận chuyển khí đốt đến châu Âu thông qua các đường ống từ thời Liên Xô. Thông báo của Điện Kremlin cũng thừa nhận rằng ông Putin đã thảo luận với bà Merkel về cơ hội gia hạn thỏa thuận với Kiev sau khi thỏa thuận này hết hạn vào năm 2024.
Có thể nói chắc chắn rằng, đây là điểm mấu chốt cho thỏa thuận giữa Mỹ và Đức. Tuyên bố của Điện Kremlin được đưa ra với những câu chữ rất cẩn trọng, ám chỉ về cách tiếp cận mang tính xây dựng của Nga phù hợp với cam kết giữa bà Merkel với ông Biden rằng Ukraine sẽ tiếp tục là được hưởng nguồn cung cấp khí đốt và phí vận chuyển khí đốt của Nga sau năm 2024.
Tổng thống Nga Putin đã đặt ra nền tảng cần thiết cho thỏa thuận giữa 2 nhà lãnh đạo Đức và Mỹ. Đây cũng là một kỳ tích lớn của ngoại giao Nga. Đổi lại, Nga đạt được những lợi ích đáng kể.
Thứ nhất, việc ông Putin sẵn sàng gia hạn thỏa thuận với Ukraine sau năm 2024 là một động thái đáng ghi nhận với cá nhân bà Merkel vì đã chấm dứt tranh cãi về Dòng chảy phương Bắc 2 khi bà vẫn là Thủ tướng Đức. Ông Putin cũng nhận thức được tình thế khó khăn của Đức đối với Ukraine, vì Berlin là bên có ảnh hưởng lớn nhất đối với Kiev trong việc duy trì các Thỏa thuận Minsk.
Thứ hai, sự đảm bảo ở mức cao nhất của Nga liên quan đến cuộc đàm phán sắp tới giữa Gazprom của Nga và Naftogaz của Ukraine trở thành một biện pháp xây dựng lòng tin trong khu vực, bởi việc củng cố vị thế và uy tín trong vai trò là nguồn cung năng lượng đáng tin cậy là lợi ích chiến lược của Nga.
Trên thực tế, một cơ hội đã mở ra để Nga tiếp tục cung cấp khí đốt cho Ba Lan, khi Đan Mạch quyết định rút giấy phép đối với đoạn đường ống dẫn khí Baltic Pipe từ Ba Lan đến Na Uy qua nước này, dự án mà Ba Lan hy vọng sẽ giúp giảm sự phụ thuộc vào khí đốt của Nga.
Tương tự, cách tiếp cận mang tính xây dựng của Nga trong việc “giúp đỡ” Ukraine cũng nâng cao hình ảnh của Moscow trong mắt của người châu Âu.
Điều này đem lại nhiều thuận lợi cho Nga, không chỉ cho các cuộc đàm phán hợp đồng khí đốt trong tương lai với châu Âu mà còn đối với kế hoạch đầy tham vọng xây dựng một cầu nối năng lượng, kết nối bất kỳ hoạt động sản xuất hạt nhân nào trong tương lai ở vùng Kaliningrad của Nga với thị trường điện EU.
Thứ ba, nguồn cung cấp khí đốt từ Nga và phí vận chuyển mà Kiev kiếm được hàng năm từ Gazprom là rất quan trọng đối với nền kinh tế Ukraine. Về mặt chính trị, ông Putin có quan điểm rằng, Ukraine cuối cùng sẽ thấy được giá trị của quan hệ đối tác hữu nghị với Nga, dựa trên thực tế địa lý và lịch sử. Và trong số các công cụ của Nga, năng lượng là tài sản quý giá để phát triển quan hệ với Ukraine.
Mỹ chấp nhận thực tế khi Dòng chảy phương Bắc 2 đã hoàn thành
Theo thỏa thuận về Dự án Dòng chảy phương Bắc 2 giữa Mỹ và Đức, Berlin cam kết sẽ trừng phạt Nga nếu Moscow tìm cách sử dụng nguồn cung cấp năng lượng để đạt được đòn bẩy địa chính trị. Tuy nhiên, đó chỉ là một kịch bản giả định.
Đức cũng đã đồng ý đầu tư vào lĩnh vực năng lượng của Ukraine và đảm bảo rằng Moscow và Kiev sẽ gia hạn thỏa thuận vận chuyển khí đốt.
Ngoài ra, Đức sẽ đầu tư 1 tỷ USD (850 triệu euro) vào “Quỹ xanh” để thúc đẩy cơ sở hạ tầng công nghệ xanh của Ukraine, bao gồm năng lượng tái tạo và các ngành liên quan, với mục tiêu cải thiện sự độc lập về năng lượng của Ukraine.
Trong khi đó, chính quyền Biden cũng nhận thức rõ ràng rằng, những bất đồng trong quan hệ của Mỹ với Đức vì một dự án đã hoàn thành sẽ không đem lại lợi ích gì.
Ngay cả sau cuộc bầu cử sắp tới ở Đức, việc phản đối Dự án Dòng chảy phương Bắc 2 là chỉ là quan điểm của thiểu số, và sẽ không có chính phủ tương lai nào ở Berlin quay trở lại vấn đề này.
Mặt khác, Mỹ cũng thu được một số chiến thắng bằng cách khiến Đức tuân theo sự đồng thuận của Liên minh châu Âu về an ninh năng lượng và trong tương lai sẽ không rời khỏi định hướng của châu Âu về quan hệ năng lượng với Nga. Nhưng điều này là tương lai, và thực tế, Đức là một cường quốc ngày càng lớn mạnh và cũng quyết đoán hơn trong các quyết sách của mình.
Các dự án đường ống có lịch sử sắp xếp lại các mối quan hệ chiến lược. Thủ tướng [Đức] Willy Brandt cũng từng chống lại sức ép của Mỹ để thực hiện với dự án đường ống dẫn năng lượng từ Liên Xô năm 1973.
Dòng chảy phương Bắc 2 cũng vậy, chắc chắn sẽ làm thay đổi mối quan hệ Đức-Nga và Mỹ sẽ phải học cách chấp nhận với điều đó. Việc Mỹ không tìm cách “khai tử” Dòng chảy phương Bắc khiến người ta chú ý đến ảnh hưởng đang suy yếu của Washington đối với Berlin. Việc củng cố quan hệ đối tác Đức-Nga dựa trên các mối liên kết dày đặc về năng lượng cũng sẽ khiến Mỹ gặp nhiều bất lợi hơn.
Quan chức Bộ Ngoại giao Mỹ đã thông báo ngắn gọn với giới truyền thông rằng: “Tuyên bố chung của chúng tôi [ngày 21/7] gửi một thông điệp rõ ràng rằng Mỹ và Đức sẽ không chấp nhận việc Nga sử dụng năng lượng làm vũ khí địa chính trị ở châu Âu hoặc leo thang gây hấn với Ukraine. Chúng tôi cam kết hợp tác với các đồng minh và đối tác để buộc Nga phải trả cái giá đáng kể, bao gồm cả các biện pháp trừng phạt nếu Moscow có các hành động như vậy”.
Bất chấp thỏa thuận ngày 21/7, vẫn có sự phản đối mạnh mẽ của lưỡng đảng đối với Dòng chảy phương Bắc 2 tại Quốc hội Mỹ, cũng như ở Ukraine và Ba Lan. Mỹ sẽ theo dõi chặt chẽ mối quan hệ Đức-Nga và sẽ tìm cách đảm bảo mối quan hệ này không phát triển quá mức.
Dòng chảy Phương Bắc 2 sẽ còn phủ bóng mối quan hệ Mỹ-Đức trong nhiều năm tới. Sự vắng mặt của bà Merkel sau tháng 9/2021, khi bà nghỉ hưu, sẽ được cảm nhận rõ ràng ở Moscow. Bà Merkel luôn đóng vai trò then chốt trong quan hệ xuyên Đại Tây Dương giữa châu Âu và Mỹ. Bà cũng là người đối thoại chính của phương Tây với Điện Kremlin - và với cá nhân Tổng thống Nga Vladimir Putin./.