Rospotrebnadzor (Cơ quan Liên bang Giám sát việc bảo vệ người tiêu dùng và sức khỏe con người của Nga) ngày 31/5 đã đưa ra lời khuyên cho người Nga về việc chủng ngừa Covid-19 về khả năng tương thích của vaccine với các hóa chất khác.
Theo Rospotrebnadzor, các chuyên gia không khuyến nghị kết hợp tiêm vaccine Epivaccorona, một trong ba loại thuốc tiêm chủng nội địa được đăng ký của Nga, với các quy trình thẩm mỹ có sử dụng độc tố Botox (Botulinum).
Khoảng cách giữa liều thứ hai của vaccine Epivaccorona và các lần tiêm Botox (chủ yếu để làm đẹp) tiếp theo phải kéo dài là ít nhất một tháng.
Rospotrebnadzor giải thích rằng sau khi tiêm Epivakkorona, vào ngày thứ 42 sau lần tiêm chủng thứ hai, một "phản ứng miễn dịch căng thẳng" được hình thành trong cơ thể người tiêm.
Hơn nữa, chỉ từ 1-5% trường hợp sử dụng độc tố Botulinum, các kháng thể có thể được tạo ra ở các bệnh nhân.
"Do đó cần phải tách các thủ tục (tiêm vaccine và sử dụng Botox) này ra" - thông báo của Rospotrebnadzor nhấn mạnh.
Botox hay Botulinum là một protein và là một độc tố thần kinh do vi khuẩn Clostridium botulinum tạo ra. Nó có công thức phân tử là C₆₇₆₀ H₁₀₄₄₇N₁₇₄₃O₂₀₁₀S₃₂. Botox là chất độc gây chết người mạnh nhất từng được biết, với liều gây chết trung bình ở người khoảng 1,3-2,1 ng/kg tiêm tĩnh mạch hoặc tiêm bắp và 10-13 ng/kg khi hít vào.
Tuy nhiên, ở liều lượng nhỏ, Botox có thể được sử dụng để loại bỏ nếp nhăn an toàn. Botox được biết đến như một loại thuốc chuyên dụng có thể giúp giảm nếp nhăn, vết chân chim ở khu vực quanh mắt hay ở trán.
Botox hoạt động dựa trên cơ chế khóa các tín hiệu thần kinh ở vùng cơ, nơi được tiêm thuốc. Khi các tín hiệu thần kinh này bị gián đoạn, vùng cơ bị ảnh hưởng sẽ tạm thời bị bất hoạt hay tê liệt. Không có sự chuyển động của các cơ này trên mặt, một số nếp nhăn nhất định sẽ mờ dần và từ từ bị loại bỏ hoàn toàn.