Lời phản biện, sự góp ý luôn cần thiết trong mọi lĩnh vực chứ không riêng bóng đá. Nhưng ai phản biện? Sự phản biện diễn ra vào lúc nào? Tại sao phải phản biện? Đó là những câu hỏi thiết thực chứ không phải qua 1 sự việc thì mổ xẻ, phê phán, quy chụp để nói là phản biện cho tốt lên.
Với HLV Park Hang Seo, ai sẽ phản biện ông? Đó là Hội đồng HLV quốc gia! Đây là nơi được quyền phản biện và hỗ trợ cho HLV Park Hang Seo làm tốt công việc ở tuyển Việt Nam.
Hội đồng HLV quốc gia phản biện với ông Park Hang Seo diễn ra vào lúc nào? Sự phản biện, mổ xẻ và góp ý xảy ra sau mỗi giải đấu chứ không phải nói trong thời điểm ĐTQG đang thi đấu.
Tại sao phải phản biện với HLV trưởng ĐTQG? Điều đó là chung tay giúp cho ĐTQG tốt lên khi Hội đồng HLV quốc gia góp ý để HLV trưởng rút kinh nghiệm sau một giải đấu.
Tất nhiên, Hội đồng HLV quốc gia liệu làm tốt công việc, hay có góp ý đúng cho ông Park hay không thì phụ thuộc vào năng lực của những thành viên được chọn. Vì từng xảy ra chuyện HLV Hữu Thắng nói thẳng là hai năm làm ở tuyển Việt Nam chẳng có ai góp ý, còn thất bại thì mổ xẻ và quy chụp trách nhiệm.
Trở lại với trường hợp của bầu Hiển và HLV Park Hang Seo. Lời phản biện của ông chủ CLB Hà Nội xuất hiện ngay sau trận thua Trung Quốc, một trận đấu mà tuyển Việt Nam cần có sự động viên hơn là sự phê phán, bởi ngay sau trận thua là toàn đội phải sang Oman để đấu với đội chủ nhà. Do đó, phát biểu của bầu Hiển dễ bị hiểu nhầm là “mượn” trận thua Trung Quốc để công kích ông Park.
Hãy đặt vào một kịch bản là có thêm ý kiến của bầu Đức, bầu Thắng hay nhiều lãnh đạo CLB, chuyên gia bóng đá phê phán với lý do phản biện để nâng tầm tuyển Việt Nam. Liệu ông Park có chịu đựng nỗi “lời vàng ngọc” theo kiểu phản biện sau một trận thua?
Hơn hết, những lời phê phán của bầu Hiển chẳng khác nào lời sáo rỗng dành cho ông Park: Cần làm mới tuyển Việt Nam, cần linh hoạt về chiến thuật và con người, đội tuyển đứng im là nguy hiểm...
Nói như bầu Hiển thì ai cũng nói được! Nhưng điều cần thiết của tuyển Việt Nam là giải pháp để nâng tầm chứ không phải nói sáo rỗng là ông Park hãy thay đổi đi, hãy linh hoạt về chiến thuật. Nên nhớ, ngay cả khi thay đổi thì cũng không ai dám chắc chắn tốt hơn. Vì làm phải có sai và cái sai trong bóng đá đôi khi làm hỏng hoặc lãng phí cả một thế hệ cầu thủ giỏi.
ĐTQG chỉ tốt lên khi chân đế vững vàng từ công tác đào tạo trẻ bài bản, giải vô địch quốc gia phát triển và chuyên nghiệp, cùng nhiều vấn đề khác như y tế, dinh dưỡng thể thao... Vì một đội tuyển mạnh thì phải có nhiều cầu thủ giỏi, sau đó mới nói đến chuyện có HLV phù hợp để dẫn dắt.
Thái Lan chia tay HLV Kiatisak là bài học lớn cho bóng đá Việt Nam. Họ từ đỉnh cao với một thế hệ vàng ở độ tuổi rất đẹp nhưng muốn làm mới, thay đổi với suy nghĩ có thể dự World Cup. Hậu quả là tuyển Thái Lan sa sút thảm hại và chưa có lối thoát từ năm 2018 đến nay.
Và sự phản biện của bầu Hiển, các chuyên gia mà nâng tầm được tuyển Việt Nam thì ông Park đã cảm ơn và không phải phản ứng mạnh mẽ. ĐTQG cũng đã sớm hoàn thành giấc mơ dự World Cup./.