Ưu tiên thu hồi tài sản, giảm xử lý hình sự
Tại Hội nghị tổng kết 10 năm công tác phòng chống tham nhũng, tiêu cực (giai đoạn 2012 - 2022), Viện trưởng Viện KSND tối cao Lê Minh Trí kiến nghị Tổng bí thư, Bộ Chính trị, Trung ương Đảng cho chủ trương giao Ban Nội chính trung ương hoặc Viện Viện KSND tối cao nghiên cứu đề xuất cách làm theo hướng tăng phòng ngừa, giảm xử lý hình sự mà thay thế bằng khởi kiện dân sự và tạo điều kiện cho chủ thể sai phạm khắc phục hậu quả.
Theo ông Trí, làm như vậy sẽ thu hồi tài sản nhà nước bị tham nhũng, thất thoát và việc khắc phục hậu quả sẽ tốt hơn nhiều do chủ thể vi phạm sẽ chủ động khắc phục để họ không bị xử lý hình sự nữa.
Ông Trí cho rằng cách làm này vừa hiệu quả trong phòng chống tham nhũng, tiêu cực.
Khắc phục hậu quả có thay được trách nhiệm hình sự?
PV Dân Việt đã ghi nhận nhiều ý kiến xung quanh vấn đề này.
Luật sư Trương Quốc Hòe (Đoàn luật sư TP Hà Nội) cho biết, việc đề xuất để cán bộ sai phạm khắc phục hậu quả để xem xét không khởi tố là hợp lý.
Bởi, Bộ luật hình sự năm 2015 đã thể hiện rõ quan điểm "chú trọng tới các chế tài phạt tiền nhằm tăng khả năng thu hồi tài sản tham nhũng" được nêu tại Nghị quyết Trung ương 3 (khóa X).
Theo đó, Điều 29 của Bộ luật này quy định người phạm tội có thể được miễn trách nhiệm hình sự nếu trước khi hành vi phạm tội bị phát giác, người phạm tội tự thú, khai rõ sự việc, góp phần có hiệu quả vào việc phát hiện và điều tra tội phạm, cố gắng hạn chế mức thấp nhất hậu quả của tội phạm và lập công lớn hoặc có cống hiến đặc biệt, được Nhà nước và xã hội thừa nhận.
Thêm vào đó, Luật Phòng chống tham nhũng năm 2018 quy định, người có hành vi tham nhũng đã chủ động khai báo trước khi bị phát giác, tích cực hợp tác với cơ quan có thẩm quyền, góp phần hạn chế thiệt hại, tự giác nộp lại tài sản tham nhũng, khắc phục hậu quả của hành vi tham nhũng thì được xem xét giảm hình thức kỷ luật, giảm nhẹ trách nhiệm hình sự, miễn hình phạt hoặc miễn trách nhiệm hình sự theo quy định của pháp luật" (khoản 4, Điều 92).
Theo ông Hòe, nếu có thể thực hiện được đề xuất trên, kết quả đạt được là chúng ta có thể thu hồi được tài sản thất thoát của Nhà nước một cách nhanh nhất, không gây lãng phí thời gian và tiền bạc của các cơ quan tiến hành tố tụng, hơn hết còn thể hiện được sự nhân văn rất cao.
Tuy nhiên, để thực hiện được điều đó, hệ thống pháp luật của chúng ta cần chặt chẽ, hoàn thiện hơn để tránh những sự lợi dụng vào việc "khắc phục hậu quả" để trốn tránh trách nhiệm.
Như vậy, có thể thấy rõ mục tiêu của Đảng, Nhà nước hướng đến là việc các cán bộ có vi phạm tự nhận ra những sai phạm của bản thân và tích cực khắc phục hậu quả, đây là tinh thần nhân đạo rất lớn của Đảng.
Những văn bản chỉ đạo nói trên thể hiện quyết tâm chính trị, quá trình hoàn thiện thể chế pháp luật về thu hồi tài sản tham nhũng ở nước ta những năm qua, từ đó cho thấy sự tôn nghiêm của pháp luật, nhưng cũng rất nhân đạo, khoan hồng của Đảng, Nhà nước đối với người phạm tội biết ăn năn hối lỗi, trả lại tài sản tham nhũng.
Trong khi đó, Tiến sĩ luật Đặng Văn Cường cho rằng, nếu chỉ thu hồi tài sản và "hành chính hóa", "dân sự hóa" hành vi tham nhũng sẽ không đảm bảo hiệu quả mà cần phải tiếp tục phát hiện kịp thời, xử lý nghiêm minh với mọi hành vi tham nhũng dù là tham nhũng vặt hay tham nhũng lớn.
Theo ông Cường, phần lớn các hành vi tham nhũng ở Việt Nam được xác định là tội phạm, được quy định trong bộ luật hình sự.
Người thực hiện hành vi tham nhũng phải chịu trách nhiệm trước pháp luật, phải bị áp dụng chế tài hình sự trong đó có nhiều tội danh quy định mức hình phạt cao nhất là tử hình.
Về mặt lý luận thì tội phạm là hành vi nguy hiểm cho xã hội, được quy định trong Bộ luật hình sự do người có năng lực trách nhiệm hình sự thực hiện một cách cố ý hoặc vô ý xâm phạm đến khách thể mà pháp luật hình sự bảo vệ. Hành vi cấu thành tội phạm kể từ thời điểm thực hiện các hành vi theo điều luật mô tả.
Pháp luật quy định, không xét xử oan sai, cũng không bỏ lọt tội phạm. Không truy cứu trách nhiệm hình sự người có tội là hành vi xâm phạm hoạt động tư pháp. Kết án oan người vô tội cũng là hành vi vi phạm pháp luật.
Bởi vậy, việc xử lý tội phạm hay không xử lý tội phạm không thể tùy tiện mà phải căn cứ vào quy định pháp luật. Khi hành vi tham nhũng đã thỏa mãn các dấu hiệu cấu thành tội phạm, phải xử lý.
Nếu không đề cao nhiệm vụ phát hiện kịp thời, xử lý nghiêm minh mà chỉ chú trọng đến việc thu hồi tài sản, có thể còn làm tăng nguy cơ tham nhũng.
Vì nếu những người có chức vụ quyền hạn tham nhũng mà bị phát hiện, chỉ phải nộp lại tài sản, không bị xử lý hình sự, họ sẽ không sợ và có thể càng cũng cố quyết tâm thực hiện hành vi tham nhũng đến cùng.
"Để phòng chống tham nhũng hiệu quả thì phải hướng đến những mục tiêu làm sao cho người có chức vụ quyền hạn không cần tham nhũng, không muốn tham nhũng, không thể tham nhũng và không dám tham nhũng" – ông Cường nhấn mạnh.
Ông này cũng cho rằng, việc học tập kinh nghiệm phòng chống tham nhũng ở các quốc gia trên thế giới, đặc biệt là các nước trong khu vực châu Á và Đông Nam Á là rất quan trọng và cần thiết.
Tuy nhiên, vẫn phải trên cơ sở các nguyên tắc cơ bản của pháp luật Việt Nam, trong đó có nguyên tắc là mọi hành vi vi phạm pháp luật đều phải chịu trách nhiệm pháp lý.
Hành vi thỏa mãn dấu hiệu cấu thành tội phạm, phải xử lý hình sự, không để oan sai và không bỏ lọt tội phạm. Nên hướng đến mục tiêu là không nên hình sự hóa quan hệ dân sự kinh tế cũng không nên hành chính hóa, dân sự hóa quan hệ hình sự.
Từ những lý lẽ trên, ông Cường nhấn mạnh, người có chức vụ quyền hạn thực hiện hành vi vi phạm pháp luật đến mức phải xử lý hình sự thì phải xử lý hình sự chứ không thể thỏa thuận với họ về việc nộp tài sản là được miễn truy cứu trách nhiệm hình sự. Như vậy luật pháp sẽ không còn nghiêm minh./.