Nếu một trong số ba nữ ứng viên trở thành Tổng Thư ký NATO thì đây sẽ là lần đầu tiên một phụ nữ lãnh đạo khối quân sự hùng mạnh này và xuất thân của họ là "một tín hiệu quan trọng dành cho Moscow".

Cuộc đua quyết liệt

Jens Stoltenberg, cựu Thủ tướng Na Uy, đã đảm nhiệm chức vụ Tổng Thư ký của Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) từ tháng 10/2014, sẽ mãn nhiệm vào tháng 9/2022. Các cuộc thảo luận chính thức mới bắt đầu và người kế nhiệm ông Stoltenberg dự kiến sẽ được giới thiệu tại Hội nghị Thượng đỉnh của các nhà lãnh đạo NATO ở Madrid vào cuối mùa xuân hoặc đầu mùa hè năm sau.

Trên các phương tiện truyền thông, vấn đề này cũng được bàn luận sôi nổi. Sau cựu Tổng Thư ký De Hoop Scheffer (cựu Ngoại trưởng Hà Lan), cựu Thủ tướng Đan Mạch Anders Fogh Rasmussen, cựu Thủ tướng Na Uy Stoltenberg, một số người trong NATO cho rằng, rất khó để tưởng tượng các đồng minh NATO lựa chọn một người không đứng đầu nhà nước hoặc chính phủ vào vị trí cao nhất này.

NATO sẽ có nữ Tổng Thư ký xuất thân từ Đông Âu?
NATO đang khởi động chiến dịch tìm Tổng Thư ký mới. Nguồn: topwar.ru

Sự ưa chuộng đối với một cựu lãnh đạo quốc gia đã dẫn đến những đồn đoán gần đây về việc cựu Thủ tướng Anh Theresa May là một ứng cử viên tiềm năng. Mark Sedwill, người từng là thư ký nội các và cố vấn an ninh quốc gia dưới thời bà May và một thời gian ngắn dưới thời Thủ tướng Boris Johnson, cũng được cho là ứng cử viên tiềm năng của Anh cho cương vị Tổng Thư ký NATO.

Một cựu đại sứ có ảnh hưởng tại NATO nhận định Anh sẽ thúc đẩy mạnh mẽ vị trí Tổng Thư ký như một cách thể hiện ảnh hưởng của nước này ở châu Âu hậu Brexit. Nhưng các nhà ngoại giao nhấn mạnh, bằng cấp sẽ được coi là quan trọng hơn nhiều so với quốc tịch, đặc biệt là các kỹ năng lãnh đạo, quản lý và giao tiếp. Điều đó có thể loại trừ bà May, người có kỹ năng quản lý và giao tiếp trong quá trình Brexit đã bị chỉ trích ở ngay quê nhà. Và Sedwill chưa bao giờ làm Ngoại trưởng hoặc Bộ trưởng Quốc phòng - hai chức vụ được coi là yêu cầu tối thiểu đối với bất kỳ người đứng đầu NATO nào.

Mỹ, Đức, Pháp và Anh theo truyền thống được coi là những đồng minh có ảnh hưởng nhất trong quá trình lựa chọn Tổng Thư ký. Nhưng với việc các nước EU chiếm đa số các đồng minh NATO - 21 trong số 30 thành viên - và một số nước khác được coi là ứng cử viên cho tư cách thành viên EU, nước Anh hậu Brexit có thể gặp khó khăn trong việc có được sự ủng hộ cho một vai trò nổi bật như vậy.

Một số nước EU, đặc biệt là Italy, tin rằng họ phù hợp với vị trí hàng đầu của NATO. Federica Mogherini, cựu Ngoại trưởng Italy và cựu Giám đốc chính sách đối ngoại của EU, trước đây đã bày tỏ sự quan tâm, nhưng các nhà ngoại giao nói rằng bà sẽ không nhận được sự ủng hộ của Washington và Enrico Letta, người từng giữ chức Thủ tướng Italy từ tháng 4/2013-2/2014, là một ứng cử viên người Italy khả thi hơn.

Một cựu quan chức cấp cao của NATO cho biết: “Vương quốc Anh mong muốn có một chỗ đứng vững chắc ở Brussels. “Người Italy sẽ nói rằng đến lượt họ - họ luôn nói như vậy. Và những người Đông Âu cũng vậy”.

Các quan chức Tây Âu khác có khả năng tham gia vào cuộc đua này bao gồm Thủ tướng Hà Lan Mark Rutte, người hiện đang làm việc để thành lập một liên minh chính phủ mới và Bộ trưởng Ngoại giao Bỉ Sophie Wilmès, người trước đây từng là quyền thủ tướng.

"Một tín hiệu quan trọng dành cho Moscow"?

Những đồn đoán ở Brussels cũng như các nước đồng minh đã tràn lan, với một số quan chức, nhà ngoại giao và nhà phân tích cho rằng sau 72 năm, đã đến lúc liên minh bổ nhiệm người phụ nữ đầu tiên của mình vào vị trí này. Theo Politico, có 3 phụ nữ đến từ các nước Đông Âu đang cạnh tranh vị trí tổng thư ký NATO và hầu hết các quốc gia đều sẵn sàng ủng hộ một trong những ứng cử viên. Đó là cựu Tổng thống Litva Dalia Grybauskaite, Tổng thống đương nhiệm Estonia Kersti Kaljulaid và cựu Tổng thống Croatia Kolinda Grabar-Kitarovic.

Chắc chắn một trong số ba phụ nữ này xứng đáng với vị trí tổng thư ký NATO và nếu thay thế ông Stoltengberg thì sẽ là lần đầu tiên trong lịch sử, NATO do một phụ nữ đứng đầu. Một số người theo dõi NATO cho rằng việc chọn một tổng thư ký từ Baltic, đặc biệt là Grybauskaite của Litva, có thể được coi là quá thù địch với Moscow, vào thời điểm Tổng thống Mỹ Biden đang cố gắng ổn định quan hệ giữa Nga và phương Tây.

NATO sẽ có nữ Tổng Thư ký xuất thân từ Đông Âu?
Ba nữ ứng viên tiềm năng cho chức Tổng Thư ký NATO (Grabar-Kitarović (trái), Grybauskaitė (giữa) và Kaljulaid); Nguồn: topwar.ru

Ông Mark Sedwill có thể có nhiều khả năng trở thành phó tổng thư ký - điều sẽ mang lại sự thành công cho Anh mà không cần phải giành vị trí cao nhất. Các yếu tố khác ảnh hưởng đến quyết định là liệu nước nhà của một ứng cử viên tổng thư ký cụ thể có hoàn thành mục tiêu của NATO là chi 2% GDP cho quốc phòng hay không - một dấu hiệu mang tính biểu tượng nhưng quan trọng có thể thúc đẩy cơ hội của bà Kaljulaid, Tổng thống hiện tại của Estonia.

Bà Kaljulaid gần đây đã không thành công khi chạy đua trở thành tổng thư ký của Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế, một vị trí có vẻ phù hợp hơn nhiều với lý lịch của bà. Trước khi trở thành Tổng thống vào tháng 10/2016, bà đã có 12 năm làm đại diện của Estonia tại Tòa án Kiểm toán Liên minh Châu Âu. Romania là một thành viên đạt ngưỡng 2%, có khả năng giúp Tổng thống Klaus Iohannis được bổ nhiệm vào vị trí tổng thư lý, mặc dù Romania có thể bị coi là hơi quá hiếu chiến đối với Nga.

Theo Politico, quan điểm chống Nga của bà Grybauskaite làm giảm đáng kể cơ hội đảm nhận vị trí này, vì không ai cần một cuộc đối đầu quá mức giữa NATO và Nga. Kaljulaid có nhiều cơ hội, nhưng ít kinh nghiệm chính trị hơn - điều khá đủ đối với Grabar-Kitarovic. Bà Grabar-Kitarovic, người từng là nữ Tổng thống đầu tiên của Croatia từ năm 2015-2020, có lợi thế là đã từng làm việc tại trụ sở NATO, với tư cách là trợ lý tổng thư ký về ngoại giao công chúng từ năm 201-2014, là phụ nữ đầu tiên đảm nhận vị trí này.

Grabar-Kitarović sở hữu một trong những bản lý lịch ấn tượng nhất trong số các thủ lĩnh tiềm năng của NATO trong tương lai - từng là Bộ trưởng phụ trách các vấn đề Châu Âu và Bộ trưởng Ngoại giao Croatia. Bà đã đóng một vai trò quan trọng trong việc Croatia gia nhập EU và NATO và cũng từng là Đại sứ của quốc gia này tại Mỹ từ năm 2008-2011, với những mối quan hệ bền chặt ở Washington, nơi sẽ có tiếng nói quan trọng trong quyết định của NATO.

Những người trong NATO cho biết, Pháp sẽ không chọn tổng thư ký nhưng sẽ sử dụng quyền phủ quyết trên thực tế, điều này có thể “giết chết” bất kỳ cơ hội nào mà Thổ Nhĩ Kỳ có thể có để tuyên bố một chức vụ rất cao cấp. Tổng thống Pháp Emmanuel Macron gần đây đã thúc đẩy NATO thể hiện sự gắn kết chính trị hơn nữa, một mục tiêu mà Stoltenberg đã tán thành như một phần của quá trình "phản ánh" gần đây về tương lai của liên minh.

Giới quan sát cho rằng trong bối cảnh đối đầu căng thẳng với Nga, việc bổ nhiệm vào vị trí tổng thư ký một trong những đại diện của các nước cộng hòa Baltic, những người có thái độ tiêu cực với Nga, sẽ là một "tín hiệu quan trọng đối với Moscow”. Tuy nhiên, trong việc bổ nhiệm các ứng viên từ các quốc gia vùng Baltic không phải mọi thứ đều đơn giản. Dù các nước thành viên NATO bỏ phiếu như thế nào thì Mỹ cũng sẽ là người có lời sau cùng./.