Sau 1 tuần tiêm filler vùng ngực, người phụ nữ 32 tuổi bị suy hô hấp, ho ra máu ồ ạt… dẫn tới tử vong.
Ngày 2/3, BS CK2 Hoàng Ngọc Ánh, Phó Trưởng Khoa Hồi sức tích cực Chống độc, Bệnh viện Thống Nhất (TP.HCM) cho biết, bệnh viện tiếp nhận một nữ bệnh nhân (32 tuổi, ngụ TP.HCM) gặp biến chứng sau khi tiêm filler vùng ngực.
Chiều 26/2, bệnh nhân nhập Khoa Cấp cứu do thấy mệt, khó thở, sốt.
Hình ảnh chụp X-quang và CT cho thấy phổi đông đặc, xuất huyết nhiều
Người này cho biết, cách đây 1 năm có tiêm filler làm đầy ngực. Tuy nhiên, sau một thời gian, vùng ngực không còn như ý nên cách đây 1 tuần, chị đi tiêm filler nâng ngực tiếp tại một spa. Sau 3-4 ngày, chị cảm thấy mệt, khó thở nên đến khám tại Bệnh viện Thống Nhất (TP.HCM).
Tại đây, qua thăm khám và chụp phim phổi, bác sĩ phát hiện có tổn thương nên chẩn đoán viêm phổi cộng đồng.
Bệnh nhân được chuyển đến Khoa Hô hấp và thực hiện các xét nghiệm cần thiết, trong đó có xét nghiệm nCoV, kết quả âm tính.
Tuy nhiên, qua ngày 27/2, bệnh nhân có diễn tiến suy hô hấp, ho ra máu ồ ạt nên được đặt nội khí quản và chuyển xuống Khoa Hồi sức tích cực Chống độc.
Tại đây, bệnh nhân rơi vào tình trạng thiếu máu nặng, rối loạn đông máu. Bên cạnh đó, phổi bệnh nhân đầy máu, chẩn đoán hội chứng chảy máu phổi (xuất huyết phế nang lan tỏa).
Bệnh nhân tiếp tục chụp CT nhưng kết quả không ghi nhận tắc động mạch phổi hay não. Bệnh nhân tử vong vào ngày 28/2 với chẩn đoán sốc mất máu do chảy máu trong phổi.
Theo bác sĩ Ánh, hội chứng xuất huyết phế nang lan tỏa có thể gặp trong nhiều bệnh lý như rối loạn miễn dịch, nhiễm trùng, nhiễm độc. Hiện, chưa kết luận được nguyên nhân tử vong của bệnh nhân do liên quan đến chất làm đầy hay không.
Bác sĩ Ánh cũng khuyến cáo, thông thường để làm đầy ngực thường đặt túi ngực. Việc tiêm chất làm đầy vùng ngực có thể gây ra nhiều biến chứng như tắc động mạch, tĩnh mạch lớn dẫn đến tử vong. Dùng lượng lớn chất làm đầy có nguy cơ chèn ép, thiếu máu nuôi dưỡng vùng da.
“Làm đẹp là nhu cầu chính đáng nhưng tiêm chất làm đầy hay đặt túi ngực nên đến những cơ sở thẩm mỹ có uy tín được cấp phép để hạn chế những biến chứng nguy hiểm khó lường”, bác sĩ Ánh nhấn mạnh.
Một trường hợp khác liên quan đến việc phẫu thuật làm đẹp nhưng bệnh nhân lại bị tai biến sau khi nâng ngực ở một spa (Q.7, TP.HCM), các bác sĩ phát hiện một miếng gạc bỏ quên trong ngực bên phải.
Miếng gạc lấy ra từ ngực bệnh nhận
Tối 1.3, TS-BS Nguyễn Phan Tú Dung, Giám đốc Bệnh viện thẩm mỹ JW (TP.HCM), cho biết ông vừa tiếp nhận nữ bệnh nhân trong tình trạng ngực lở loét, có lỗ thủng ở ngực phải, kèm miếng gạc bị bỏ quên trong ngực. Nạn nhân là chị T.T.N (43 tuổi, ngụ Kiên Giang) đi nâng ngực tại một spa ở Q.7 (TP.HCM).
Chị N. chia sẻ, sau khi sinh 3 người con, ngực bị chảy xệ nên chị tìm đến một spa ở Q.7 nâng ngực với quảng cáo “nâng cấp vòng 1 bằng túi ngực Nano Chip chính hãng, giá chỉ với 50 triệu đồng và chiết khấu 20%". Chi phí nâng ngực là hơn 40 triệu đồng.
Chỉ 1 ngày sau phẫu thuật nâng ngực, chị có cảm giác ngực đau nhức âm ỉ liên tục, lan rộng khắp cả bầu ngực, hai vai. Quá lo lắng, chị đã liên hệ ngay với spa để nhờ giải quyết nhưng chủ spa chỉ trấn an là “do mới phẫu thuật nên triệu chứng đó là bình thường".
Đau không chịu được nên chị đến spa để thăm khám lại và được truyền kháng sinh liên tục mỗi ngày trong suốt 1 tháng để giảm đau. Nhưng cứ hết thuốc lại đau đớn gấp bội, kèm dịch chảy ra. Đại diện spa giải thích do “túi ngực chưa tương thích với cơ thể, do sức khỏe chị yếu, dịch đây chỉ là mô mỡ chảy ra, vài bữa khô sẽ hết…".
Vừa bị đau, vừa bị dịch mủ liên tục trào ra từ lỗ thủng trên thành ngực bên phải đang lở loét ngày càng rộng nên chị quyết định đến Bệnh viện thẩm mỹ JW để kiểm tra.
Kết quả siêu âm cho thấy ngực bên phải chị N. bị ứ dịch, viêm tụ mủ, kèm thủng lỗ sâu. Vùng da rách toạc với lỗ thủng to có diện tích 5 cm2, dịch mủ vàng, hôi, tuông trào cả chén khi chạm vào. Các bác sĩ quyết định mổ khẩn cấp.
Quá trình mổ, bác sĩ khi phát hiện miếng băng gạc bị “bỏ quên” trong khoang ngực phải của bệnh nhân. Đây chính là nguyên nhân gây nhiễm trùng ngực và tích tụ ổ áp xe dịch mủ khổng lồ trong ngực bệnh nhân. Bác sĩ nhanh chóng tháo túi ngực cũ, kiểm tra kỹ lưỡng khoang ngực, đồng thời bơm rửa, cắt lọc mô hoại tử, khâu tạo hình khép lỗ thủng trên ngực phải cho bệnh nhân để vừa đảm bảo an toàn và thẩm mỹ.
Ngoài ra, các bác sĩ còn phát hiện dòng túi ngực bệnh nhân sử dụng là túi ngực xốp Polytech có tính chất bám dính cao vào các mô cơ bên trong ngực nên dễ gây ra tình trạng nhiễm trùng. Đây là loại túi ngực từ lâu được khuyến cáo không nên dùng.
Hiện tại sức khỏe của bệnh nhân sau xử lý nâng ngực đã ổn định và dự kiến sẽ truyền kháng sinh trong 1 tuần để ngăn ngừa nhiễm trùng. Theo TS-BS Nguyễn Phan Tú Dung, cần ít nhất 6 tháng để vết thương ổn định thì mới có thể tiếp tục tạo hình thẩm mỹ dáng ngực cho bệnh nhân.
Các bác sĩ khuyến cáo chị em muốn nâng ngực làm đẹp thì nên tìm đến những bệnh viện có uy tín, có giấy phép hoạt động, bác sĩ có chứng chỉ hành nghề phẫu thuật thẩm mỹ thực hiện, nhằm hạn chế nguy cơ tai biến như trên.!