Đau đầu bài toán cân đối chi phí
Trong bối cảnh giá xăng tăng mạnh, nhiều DN đã tính đến chuyện tăng giá bán sản phẩm. Tuy nhiên, tăng giá vào thời điểm dịch bệnh khó khăn cũng là câu chuyện mà DN đang đau đầu tính toán. “Cầu không lớn, khách hàng khó khăn, nếu tăng giá, khách có thể không sử dụng sản phẩm, dịch vụ của mình nữa. Mà không tăng giá sản phẩm thì DN không biết cân đối chi phí như thế nào”- một DN cho hay.
Đại diện Công ty TNHH Dịch vụ và Vận tải Dũng Minh cho hay, từ đầu năm 2020 đến nay, chi phí xăng dầu đã tăng 50% (riêng từ đầu năm 2021 đến nay là khoảng 30%). Từ đầu tháng 10, hãng xe Dũng Minh bắt đầu chạy lại tuyến Hà Tĩnh - Hà Nội và ngược lại sau nhiều tháng đắp chiếu. Trước việc giá xăng tăng cao kỷ lục, đại diện hãng không khỏi lo lắng, vì chi phí này chiếm tới 40 - 50% giá cước vận tải, và doanh nghiệp đang phải bù lỗ vì lượng khách rất ít.
“Hiện nay, nhu cầu đi lại của người dân chưa cao, trong khi đó, nguyên liệu đầu vào là giá xăng tăng mạnh nếu công ty vẫn duy trì mức giá cũ là 230.000 đồng/người/chiều thì sẽ lỗ nặng. Tuy nhiên, doanh nghiệp chưa tính phương án điều chỉnh giá vé, mà nếu không điều chỉnh, doanh nghiệp rất khó khăn. Chúng tôi xem xét tăng giá vé vào thời điểm thích hợp chứ chưa thể tăng ngay”, vị đại diện nói.
Theo đánh giá của Tổng cục Thống kê, chi phí xăng dầu chiếm khoảng 3,52% trong tổng chi phí sản xuất của toàn nền kinh tế, tác động mạnh vào giá thành sản phẩm sản xuất và ảnh hưởng đến thu nhập, chi tiêu của người dân. Giá xăng dầu tăng 10% làm cho GDP giảm 0,5 điểm phần trăm và chỉ số CPI tăng 0,36 điểm phần trăm.
Ông Hoàng Văn Cường - Phó Hiệu trưởng trường Đại học Kinh tế Quốc dân cho rằng, nền kinh tế đang rất khó khăn, trong khi giá xăng là đầu vào của các hoạt động kinh tế xã hội. Giá xăng tăng cao sẽ đẩy chi phí nhiều lĩnh vực khác, gây thêm khó khăn trong quá trình phục hồi kinh tế.
Xem xét giảm thuế bảo vệ môi trường
Đại biểu Quốc hội Trần Hoàng Ngân (TP Hồ Chí Minh) cho rằng, giá xăng dầu đang tăng rất nhanh, trong khi đó hiện nay Chính phủ vẫn còn công cụ để kiềm chế. Ông lấy ví dụ giá xăng chịu nhiều loại thuế phí như thuế nhập khẩu, thuế tiêu thụ đặc biệt, thuế VAT, phí bảo vệ môi trường… Đại biểu Ngân cho rằng, các công cụ trên cần được sử dụng khi giá dầu thế giới có xu hướng vẫn còn tăng lên.
Hiện nay, cơ cấu giá xăng được cộng 8 khoản, gồm: giá CIF tính thuế (giá xăng nhập cộng chi phí vận chuyển), thuế nhập khẩu (10%), thuế giá trị gia tăng (10%), thuế tiêu thụ đặc biệt (10% với xăng RON95 và 8% với xăng E5), thuế bảo vệ môi trường (3.800 đồng với E5, 4.000 đồng với RON 95).
Ngoài ra, còn có chi phí định mức kinh doanh (1.050 đồng/lít với xăng RON95 và 1.250 đồng/lít với xăng E5), lợi nhuận định mức (300 đồng) và trích quỹ bình ổn (300 đồng, nhưng biến động theo thực tế mỗi kỳ điều hành).
Có thể thấy, trong 4 loại thuế đánh vào xăng dầu, thuế bảo vệ môi trường chiếm tỷ lệ cao nhất. Dù giá xăng giảm sâu hay tăng mạnh, chi phí thuế bảo vệ môi trường cho mỗi lít xăng dầu là không đổi.
Theo đánh giá của chuyên gia Ngô Trí Long, hiện nay thuế nhập khẩu xăng dầu không thể giảm được nữa. Còn thuế VAT, tại Nghị quyết 406 về việc giảm thuế VAT cho một số hàng hóa, dịch vụ, không đề cập đến giảm thuế VAT cho mặt hàng xăng dầu. Như vậy, hiện nay còn mỗi thuế tiêu thụ đặc biệt và thuế bảo vệ môi trường. “Có thể xem xét giảm thuế bảo vệ môi trường”- ông Ngô Trí Long nhấn mạnh.
Theo tính toán, giá dầu thế giới hiện chỉ bằng 75% mức đỉnh năm 2014, nhưng giá bán lẻ gần bằng thời điểm đó, do thuế môi trường, tỷ giá chênh lệnh cao. Thuế môi trường như hiện nay là quá cao, không thay đổi theo giá thị trường. Vì vậy, cần giảm thuế này để giảm giá thành sản phẩm./.