Giảm sinh và giảm sinh con thứ 3 là nhiệm vụ của ngành Dân số Nghệ An nhằm tiến tới đạt mức sinh thay thế. Tuy vậy, trong thời điểm hiện nay, đây là một nhiệm vụ hết sức khó khăn. ​

Trong khi cả nước đã đạt mức sinh thay thế và liên tục giữ vững tổng tỷ suất sinh (số con trung bình của một phụ nữ trong độ tuổi sinh đẻ) ở mức dưới 2,1 con hơn 10 năm qua thì tại Nghệ An việc đạt mức sinh thay thế vẫn còn khá gian nan. Hiện dân số của Nghệ An trên 3,3 triệu người, đứng thứ 4 cả nước. Quy mô lớn cộng với mức sinh vẫn còn cao khiến cho hàng năm việc giảm sinh vẫn là một thách thức.

Nan giải bài toán đạt mức sinh thay thế ở Nghệ An
Nghệ An là một trong những tỉnh có mức sinh cao nhất cả nước. Việc sinh quá nhiều con tạo nên nhiều áp lực cho ngành Giáo dục, Y tế và nhiều lĩnh vực khác. Ảnh: Đức Anh

Cuộc tổng điều tra dân số của cả tỉnh trong năm 2019 cũng cho thấy mức sinh của Nghệ An nhiều thay đổi hơn một thập kỷ qua và đang ở mức cao so với bình quân chung của cả nước và trên mức sinh thay thế. Trong đó, ước lượng Tổng tỷ suất sinh (TFR) 6 từ kết quả Tổng điều tra năm 2019 là 2,75 con/ phụ nữ, trên mức sinh thay thế. Ngoài ra, tổng tỷ suất sinh vẫn tiếp tục tăng từ 2,55 con/phụ nữ năm 2009, tỷ lệ 2,75 con/phụ nữ năm 2019.

Thậm chí năm 2017 đạt 2,87 con/phụ nữ và là mức sinh đạt cao nhất trong thời kỳ 2009 - 2019 với nguyên nhân có thể do tâm lý thích sinh con vào năm đẹp. Dân số Nghệ An đang ở mức hơn 3,3 triệu người với tỷ suất sinh thô cao (20,8 trẻ sinh ra sống/1.000 dân) là con số báo động về tình trạng mức sinh cao nhất so với các tỉnh trong khu vực Bắc Trung Bộ, Duyên hải miền Trung và cao hơn mức sinh bình quân chung của cả nước (cả nước: 16,3 trẻ sinh ra sống/1.000 dân).

Về mức sinh ở Nghệ An cũng có nhiều điều cần suy ngẫm vì mức sinh ở khu vực nông thôn tăng khá nhanh trong khi mức sinh ở khu vực thành thị giảm. Trong những năm qua, tổng tỷ suất sinh ở khu vực nông thôn và thành thị có sự thay đổi, cụ thể giai đoạn 2015 - 2019, nếu ở khu vực nông thôn tăng khá nhanh từ 2,54 con/phụ nữ năm 2015 lên 2,82 con/phụ nữ năm 2019, thì ở khu vực thành thị lại giảm xuống từ 3,43 con/phụ nữ năm 2015 xuống 2,32 con/phụ nữ năm 2019.

Nan giải bài toán đạt mức sinh thay thế ở Nghệ An
Tư vấn cho người dân huyện Diễn Châu về việc giảm sinh. Ảnh: MH

Qua phân tích cũng cho thấy, tỷ suất sinh đặc trưng theo tuổi của khu vực thành thị không những thấp hơn mà còn có độ “trễ” so với khu vực nông thôn, nghĩa là phụ nữ thành thị sinh muộn và sinh ít con hơn phụ nữ nông thôn. Một điểm khác biệt nữa là nhóm tuổi vị thành niên (15-19 tuổi) ở khu vực nông thôn có tỷ suất sinh đặc trưng theo tuổi cao hơn gấp 1,5 lần so với nhóm tuổi này ở khu vực thành thị.

Hiện, trên toàn tỉnh, phụ nữ chưa thành niên sinh con chiếm tỷ trọng 2,2‰, trong đó cao nhất ở vùng núi cao (9,8‰), cao hơn 12 lần so với vùng đồng bằng (0,8‰). Vùng núi thấp là vùng có tỷ lệ phụ nữ từ 10-17 tuổi sinh con cao thứ hai (1,6‰). Lý giải về sự khác biệt này là do điều kiện sống khó khăn, công tác tuyên truyền nâng cao nhận thức về sức khỏe bà mẹ, trẻ em, sức khỏe sinh sản, ảnh hưởng của kết hôn và sinh con sớm tới sức khỏe bà mẹ, trẻ em còn hạn chế. Một nguyên nhân khác là do phong tục tập quán của đồng bào dân tộc thiểu số về việc lấy chồng và sinh con sớm. Tỷ lệ phụ nữ từ 10-17 tuổi sinh con ở khu vực nông thôn là 2,4‰, cao hơn 3 lần so với khu vực thành thị (2,6‰).

Trước tình trạng mức sinh vẫn còn cao, Nghệ An phấn đấu trong giai đoạn 2020 - 2025 đạt mục tiêu tăng dân số tự nhiên không quá 1%/năm, giảm tỷ lệ sinh con thứ 3 trở lên 0,3%/năm một cách bền vững nhằm tiến tới đạt mức sinh thay thế vào năm 2030.

Tuy nhiên, để đạt được mục tiêu này vẫn còn rất khó khăn bởi hiện nay việc phát triển dân số của tỉnh đang bộc lộ nhiều bất cập cả về quy mô, cơ cấu, chất lượng và phân bố dân cư. Cụ thể, Nghệ An vẫn là tỉnh có quy mô dân số lớn, đứng thứ 4 cả nước, mật độ dân số cao (202 người/km2) và tỉnh có mức sinh cao thứ 2 cả nước (sau tỉnh Hà Tĩnh). Bên cạnh đó, tỷ lệ sinh con thứ 3 chưa giảm, tỷ lệ mất cân bằng giới tính khi sinh đang ở mức báo động (114 bé trai/100 bé gái). Chất lượng dân số tuy đã được nâng lên song vẫn còn thấp, nhất là ở vùng xa, vùng nông thôn, ven biển.

Nan giải bài toán đạt mức sinh thay thế ở Nghệ An
Người dân thị xã Thái Hòa tìm hiểu về chính sách dân số. Ảnh: MH

Một trong những rào cản khiến cho việc giảm sinh gặp nhiều khó khăn đó là tình trạng sinh con thứ 3 trở lên của tỉnh vẫn còn rất cao, chiếm trên 28%, thậm chí nhiều địa phương trên 30%. Trước đó, từ năm 2009 đến năm 2019, trong vòng 10 năm, tỷ lệ sinh con thứ 3 trong toàn tỉnh tăng 6,92%.

Trải qua 1 thập kỷ, tỷ lệ phụ nữ sinh con thứ 3 trở lên ở nông thôn cao hơn 1,4 lần so với ở thành thị, tỷ lệ này có xu hướng ở nông thôn mức giảm nhiều hơn ở thành thị. Điều này cũng lý giải vì sao hiện nay xu hướng sinh con thứ 3 trở lên lại tập trung chính ở những gia đình khá giả, có điều kiện kinh tế và khu vực thành thị.

Trong khi đó, việc tuyên truyền giảm sinh vẫn gặp nhiều khó khăn khi hiện nay các cơ chế để xử phạt các trường hợp vi phạm đang nới lỏng. Tại một số địa phương trên địa bàn tỉnh, công tác tham mưu cho cấp ủy, chính quyền trong lãnh đạo, chỉ đạo và đầu tư nguồn lực cho công tác dân số chưa được quan tâm đúng mức; chưa có sự phối hợp, lồng ghép các mục tiêu, chỉ tiêu của công tác dân số với chương trình, kế hoạch tại địa phương, đơn vị. Một nguyên nhân khách quan khác là số phụ nữ bước vào độ tuổi sinh đẻ của tỉnh tăng cao, đặc biệt nhóm tuổi có mức sinh cao từ 22 - 29 tuổi đang khiến mức sinh tăng.

Nan giải bài toán đạt mức sinh thay thế ở Nghệ An
Người dân huyện Thanh Chương đăng ký dịch vụ khám sức khỏe sinh sản. Ảnh: MH

Để thực hiện chiến lược dân số Việt Nam, giai đoạn 2020 - 2025, có tính đến năm 2030, thực hiện mục tiêu đạt mức sinh thay thế, Nghệ An cũng đã ban hành nhiều chính sách và chương trình hành động, trong đó có Kế hoạch 456/KH-UBND ban hành vào cuối tháng 8/2020. Qua đó, mục đích chính nhằm triển khai thực hiện đồng bộ, kịp thời, hiệu quả các mục tiêu, nhiệm vụ và giải pháp đề ra trong Chiến lược Dân số Việt Nam đến năm 2030.

Đồng thời, tạo sự chuyển biến mạnh mẽ về nhận thức, hành động của các cấp ủy đảng, chính quyền các cấp, của hệ thống chính trị và nhân dân đối với công tác dân số trong tình hình mới. Đặc biệt, phải xác định rõ các nội dung, nhiệm vụ chủ yếu để các sở, ngành, địa phương xây dựng chương trình, kế hoạch tổ chức triển khai thực hiện, kiểm tra, giám sát, đánh giá việc thực hiện Chiến lược Dân số.

Người đứng đầu ngành Dân số tỉnh cũng cho rằng, trong bối cảnh hiện nay để thực hiện tốt công tác dân số thì cần phải tiếp tục soát, hoàn thiện và bổ sung cơ chế chính sách về dân số. Chú trọng đến các chính sách hỗ trợ, khuyến khích hiện hành như khuyến khích các cặp vợ chồng, gia đình, tập thể, cộng đồng không có người sinh con thứ 3 trở lên; hỗ trợ người dân thực hiện dịch vụ kế hoạch hóa gia đình, bao gồm phương tiện tránh thai; bồi dưỡng, hỗ trợ người thực hiện nhiệm vụ cung cấp dịch vụ, người vận động thực hiện kế hoạch hóa gia đình... Đồng thời, cần phát triển mạng lưới và nâng cao chất lượng dịch vụ về dân số và bảo đảm nguồn lực để ngành Dân số hoạt động, thực hiện các mục tiêu đã đề ra.