Đại hội đồng Liên hợp quốc (LHQ) vừa thông qua nghị quyết nhằm giải quyết tình hình bất ổn tại Myanmar kể từ khi quân đội đảo chính hồi tháng 2.
Myanmar bất ổn sâu rộng, LHQ kêu gọi dừng chuyển vũ khí cho quân đội
Chính quyền quân quản Myanmar điều động binh sĩ tham gia đẩy lui các cuộc biểu tình

Sáng 19/6, theo hãng tin Reuters, Đại hội đồng Liên hợp quốc vừa thông qua một nghị quyết với sự ủng hộ của 119 quốc gia.

Trong đó, LHQ kêu gọi dừng ngay việc vận chuyển vũ khí cho Myanmar đồng thời hối thúc quân đội Myanmar tôn trọng kết quả bầu cử diễn ra tháng 11 vừa qua, thả các chính trị gia bị bắt từ hồi tháng 2 trong đó có lãnh đạo đảng Liên minh quốc gia vì Dân chủ (NLD) Aung San Suu Kyi.

Phát biểu sau cuộc bỏ phiếu, Đặc phái viên Liên hợp quốc tại Myanmar Christine Schraner Burgener khẳng định: “Nguy cơ nội chiến tại Myanmar trên quy mô lớn là có thật. Thời gian rất quan trọng. Cơ hội để lật ngược hành động chiếm quyền của quân đội Myanmar đang dần hẹp lại”.

Đại sứ Liên minh Châu Âu tại Liên hợp quốc Olof Skoog cho biết, nghị quyết của Liên hợp quốc đã gửi đi thông điệp mạnh mẽ rằng: "Tổ chức này không công nhận hội đồng hành chính do quân đội Myanmar điều hành, lên án hành vi lạm dụng, bạo lực chống lại người dân và chứng minh sự độc lập của tổ chức trong mắt thế giới".

Bên cạnh đó, Tổng thư ký Liên hợp quốc Antonio Guterres khẳng định: “Chúng ta không thể sống trong thế giới mà các cuộc đảo chính quân sự trở thành một quy tắc. Đây là điều hoàn toàn không thể chấp nhận được”.

Song, một số nước vắng mặt cho rằng khủng hoảng lần này là vấn đề nội bộ của Myanmar; Một số khác nghi ngờ hiệu quả của nghị quyết; Nhiều nước phàn nàn động thái này chưa đủ để giải quyết nỗi khổ của người Rohingya theo đạo Hồi sau 4 năm kể từ khi quân đội đàn áp buộc hàng triệu người phải bỏ Myanmar.

Myanmar rơi vào bất ổn, biểu tình liên miên, leo thang xung đột từ khi quân đội Myanmar bắt giữ các lãnh đạo đảng cầm quyền NLD vì cáo buộc gian lận bầu cử và lên nắm quyền.

Chính quyền quân quản Myanmar đã điều động cả lực lượng cảnh sát và quân đội tham gia đàn áp đẩy lui các cuộc biểu tình. Theo Hiệp hội Tù nhân Chính trị, đến nay có 860 người thiệt mạng trong các cuộc biểu tình tại Myanmar.