Lãnh đạo Anh và Mỹ đều đồng ý, để quốc tế có thể công nhận tổ chức Taliban, cần phải có sự phối hợp và dựa trên điều kiện về tôn trọng nhân quyền - thông tin được người phát ngôn của Thủ tướng Anh Boris Johnson công bố sau hội đàm giữa hai nguyên thủ tại thủ đô Washington, Hoa Kỳ ngày 22/9.
Cũng trong thông báo, Thủ tướng Anh Boris Johnson và Tổng thống Mỹ Joe Biden nhất trí rằng tiếp cận ngoại giao sẽ là cách tốt nhất để ngăn chặn khủng hoảng nhân đạo tại Afghanistan.
Đồng thời, đó cũng là cách làm hợp lý nhất để tôn vinh và tưởng nhớ những người đã hy sinh tính mạng vì hoà bình, ổn định tại nước này.
Trước tuyên bố trên 1 ngày, phát ngôn viên Liên hợp quốc Stephane Dujarric cho biết, phía Taliban đã gửi thư lên Tổng thư ký Antonio Guterres yêu cầu tham gia phiên họp cấp cao của Đại hội đồng Liên hợp quốc (ĐHĐ LHQ).
Trong thư, ông Amir Khan Muttaqi tự xưng là Bộ trưởng ngoại giao Afghanistan và tuyên bố ông Ghulam Isaczai không còn là đại diện của Afghanistan tại LHQ.
Vị Bộ trưởng lâm thời đề cử phát ngôn viên của Taliban ở Qatar là Suhail Shaheen làm đại diện thường trực của Afghanistan tại LHQ.
Ngoài ra, ông Muttaqi không cho biết rõ cách thức phát biểu sẽ là trực tiếp hay gửi thông điệp qua video như một số lãnh đạo thế giới trong phiên họp năm nay.
Trong khi đó, ông Ghulam Isaczai vốn là Đại sứ tại LHQ của chính quyền Afghanistan vừa bị Taliban lật đổ vào tháng trước, cũng gửi thư riêng tới Tổng thư ký Guterres, trong đó nêu danh sách phái đoàn tham dự phiên họp và chỉ rõ mình là đại diện thường trực của Afghanistan.
Để phân định trong trường hợp này, ban thư ký đã gửi cả hai bức thư cho các thành viên ủy ban chứng nhận khóa họp thứ 76 của Đại hội đồng. Ủy ban chứng nhận gồm 9 thành viên là Nga, Trung Quốc, Mỹ, Thụy Điển, Nam Phi, Sierra Leone, Chile, Bhutan và Bahamas.
Hiện tại, chưa có quốc gia nào trên thế giới công nhận chính phủ lâm thời Taliban.