Hải quân Mỹ vừa thực hiện 3 vụ nổ, tương đương động đất 3,9 độ richter, gây chấn động lớn ngay cạnh siêu tàu sân bay USS Gerald R. Ford.

Ngày 12/8, chia sẻ trên tờ Bưu điện Hoa Nam (SCMP), nhà bình luận quân sự Trung Quốc Song Zhongping cho rằng, lý do Mỹ thực hiện vụ thử xung chấn với tàu sân bay, lần đầu tiên sau 34 năm, không chỉ để thu thập dữ liệu.

Còn lý do khác là đánh tiếng tới Trung Quốc và Nga về sức chịu đựng cực kỳ tốt của tàu sân bay. Sức mạnh 18 tấn thuốc nổ vừa gây chấn động cạnh tàu USS Gerald R. Ford lớn hơn nhiều so với tất cả đầu đạn hạt nhân của tên lửa thông thường hay ngư lôi.

Vụ nổ thử sức chịu xung chấn với tàu sân bay Mỹ được thực hiện ngày 8/8, ngoài khơi bờ biển Florida của Mỹ. Đây là đợt thử nghiệm thứ ba và cũng là cuối cùng dạng này trước khi siêu tàu sân bay có thể ra khơi. Hải quân Mỹ đã sử dụng thiết bị nổ có trọng lượng 18 tấn, đặt ngay gần thân tàu.

Theo Đại tá Paul Lanzilotta, sĩ quan chỉ huy hàng không mẫu hạm USS Gerald R. Ford, cuộc thử nghiệm diễn ra thành công. Tàu không ghi nhận tổn thất, xảy ra cháy nổ hay bị tràn nước. Chỉ trong vài phút sau vụ nổ, trực thăng đã đáp lên tàu và hoạt động trên tàu diễn ra bình thường.

Mỹ thử vụ nổ chấn động với tàu sân bay để phô trương trước Nga-Trung Quốc?
Cận cảnh vụ thử nghiệm xung chấn ngay cạnh tàu sân bay USS Gerald R. Ford

Ông Song cho rằng, vụ thử nghiệm đã chứng minh, tàu sân bay USS Gerald R. Ford của Mỹ thừa sức chịu đựng trước xung chấn từ thuỷ lôi hoặc tên lửa tấn công gần đó nhưng chưa cho thấy sức chịu đựng của chiến hạm nếu bị tấn công trực tiếp.

"Thực tế, các tên lửa đạn đạo và tên lửa siêu thanh có thể mang bom xung điện từ tấn công ở tầm cao gây tổn thất lớn cho tàu sân bay, thậm chí “hạ đo ván” hoàn toàn phương tiện”, ông Song nói.

Hiện tại, Trung Quốc đã phát triển các tên lửa đạn đạo chống hạm được mệnh danh là “sát thủ hàng không mẫu hạm” như 21D và DF-26.

Các phương tiện này vừa tham gia nhiều cuộc thử nghiệm, trong đó đã đánh trúng mục tiêu đang di chuyển cách xa hàng nghìn km trong 1 vụ thử trên Biển Đông tháng 8 năm ngoái.

Nga cũng đang thử tên lửa hành trình chống hạm siêu thanh, Zircon, có thể đạt vận tốc tối đa 9 Mach (đơn vị đo tốc độ dựa trên tốc độ âm thanh). Zircon đã đánh trúng mục tiêu trên mặt đất trong sự kiện vào tháng trước.

Theo SCMP, vài năm gần đây, Hải quân Mỹ luôn nhấn mạnh phải duy trì uy thế trong cuộc cạnh tranh đóng tàu với Hải quân Trung Quốc.

Tính đến năm 2020, Hải quân Trung Quốc có 360 tàu chiến còn Hải quân Mỹ chỉ có 297 tàu. Song Mỹ sở hữu nhiều phương tiện lớn với 11 tàu sân bay còn Trung Quốc chỉ có 2; Washington sở hữu 92 tàu khu trục, tàu tuần dương trong khi đối phương chỉ có 33. Ngoài ra, tàu Mỹ có hoả lực mạnh hơn.

Một văn bản của chính quyền Mỹ, được công bố tháng 6 cho thấy, Washington dự định tăng đội tàu lên 321 hoặc 371 phương tiện có người vận hành.