Theo Nikkei, IBM hôm 27/7 công bố máy tính lượng tử đầu tiên của Nhật Bản IBM Quantum System One dành cho các ứng dụng thương mại. Đây là dự án đánh dấu bước tiến mới cho sự hợp tác giữa Nhật Bản và Mỹ trong một lĩnh vực cạnh tranh khốc liệt, vốn đã bị cuốn vào cuộc chiến giành ưu thế công nghệ với Trung Quốc.
Hệ thống máy tính lượng tử này là hệ thống thứ hai IBM xây dựng bên ngoài Mỹ, sau một hệ thống được công bố ở Đức hồi tháng trước. Đại học Tokyo sẽ quản lý quyền truy cập vào máy tính lượng tử. Tổ chức Sáng kiến đổi mới lượng tử, với các thành viên bao gồm Đại học Keio và Toyota Motor, là đơn vị được quyền sử dụng. Điện toán lượng tử là một trong những lĩnh vực hợp tác được Thủ tướng Nhật Bản Yoshihide Suga và Tổng thống Mỹ Joe Biden thảo luận tại hội nghị thượng đỉnh vào tháng 4/2021.
“Các quốc gia đã đầu tư rất lớn vào nghiên cứu và phát triển quy mô máy tính lượng tử để cạnh tranh vị trí thống trị trong tương lai. Điều quan trọng là phải mở rộng hợp tác quốc tế, và hợp tác giữa Nhật Bản với Mỹ được xem như là kim chỉ nam”, Bộ trưởng Khoa học và Công nghệ Nhật Bản Koichi Hagiuda nói.
Các tổ chức của Trung Quốc, bao gồm Đại học Khoa học và Công nghệ Trung Quốc, thời gian gần đây đã vươn lên vị trí dẫn đầu trong lĩnh vực lượng tử, đe dọa đến thế thượng phong của những gã khổng lồ công nghệ Mỹ như IBM và Google. Để không tụt hậu trong lĩnh vực công nghệ quan trọng này, Nhật Bản, Mỹ và các nền kinh tế tiên tiến phương Tây buộc phải tăng tốc, đặc biệt về mặt ứng dụng thực tế.
Với việc tính toán lượng tử dự kiến sẽ có sẵn cho một số ứng dụng thương mại trong vòng ba đến năm năm nữa, các công ty đang cạnh tranh để tận dụng lợi thế công nghệ lượng tử trong các lĩnh vực của riêng họ. Mitsubishi Chemical có khả năng sẽ sử dụng công nghệ lượng tử trong phát triển đi-ốt phát quang và pin mặt trời. JSR Corp sẽ ứng dụng vào quang học, bao gồm vật liệu nhạy cảm với ánh sáng được sử dụng để tạo mạch trên chất bán dẫn, và vật liệu màn hình tinh thể lỏng.
Ngoài Nhật Bản, 10 công ty của Đức gồm Volkswagen, Bosch và Siemens đã thành lập một tập đoàn để đưa công nghệ lượng tử vào sử dụng thực tế. Goldman Sachs là một trong những tổ chức của Mỹ đang tìm cách sớm ứng dụng công nghệ lượng tử vào lĩnh vực tài chính. Theo ước tính của công ty tư vấn quản lý Boston Consulting Group, điện toán lượng tử có thể tạo ra giá trị hằng năm lên tới 850 tỉ USD vào năm 2040, và cuộc chiến để tạo đòn bẩy cho thị trường khổng lồ trong tương lai đã bắt đầu./.