Trong khi Mỹ đang cố gắng nới lỏng các hạn chế để đưa cuộc sống trở lại bình thường thì ở phía bên kia bờ Đại Tây Dương, Anh và Liên minh châu Âu lại viết nên câu chuyện hoàn toàn khác biệt.

Mặc dù mức độ lây nhiễm giảm dần và chương trình tiêm ngừa vaccine ngày càng được mở rộng, nhiều khu vực của châu Âu vẫn duy trì hạn chế đối với việc tụ tập đông người, tái áp đặt hạn chế đi lại và cân nhắc biện pháp phong tỏa theo từng địa phương.

Mỹ cố khép lại bức rèm u tối của đại dịch Covid-19, châu Âu thận trọng trước biến thể mới
Mỹ loại bỏ quy định bắt buộc đeo khẩu trang. Ảnh minh họa: VOX

Mỹ đã sẵn sàng mở cửa trở lại

Cuối tuần qua, 135.000 người đã tham dự giải đua xe Indianapolis 500 được tổ chức tại bang Indiana, Mỹ. Các nhà hàng tại nhiều bang của nước này cũng chật cứng người khi quy định bắt buộc đeo khẩu trang bị loại bỏ. Khẩu hiệu, nhận được sự ủng hộ của chính quyền Tổng thống Biden, rất ngắn gọn: Nếu bạn đã tiêm phòng đầy đủ, bạn có thể làm bất cứ điều gì khiến bạn hài lòng.

Nhiều bang của Mỹ bắt đầu nới lỏng đáng kể các hạn chế sau khi tiêm phòng cho tất cả những người trưởng thành có đủ điều kiện tiêm vaccine – dù chưa rõ mức độ hiệu quả của vaccine có cao như mong muốn hay không. Nền kinh tế đã mở cửa trở lại, và với số lượng người được tiêm chủng đầy đủ có thể phòng tránh tốt hơn biến thể virus SARS-CoV-2 mới có tên gọi Delta, được phát hiện lần đầu tiên ở Ấn Độ, Mỹ dường như đang ở một vị trí vững chắc để hạn chế sự lây lan của biến thể này.

Tuy nhiên, các nhà khoa học lo ngại, biến chủng mới có thể sớm lây nhiễm cho những người chưa được tiêm phòng tại Mỹ, dễ gây biến chứng nặng và gây nguy cơ tử vong cao. Chính quyền Tổng thống Biden vẫn đang tìm cách giúp người dân vượt qua tâm lý e ngại tiêm vaccine.

Chiến dịch tiêm chủng tại châu Âu dù diễn ra tương đối chậm nhưng đã làm hạn chế đáng kể số ca bệnh, tương tự như Mỹ. Tuy vậy, với câu hỏi cơ bản là làm thế nào để chấm dứt các hạn chế nhằm kiểm soát dịch bệnh, Mỹ và châu Âu dường như có câu trả lời hoàn toàn khác biệt.

Anh dè dặt trước biến thể Delta

Tại Anh, sự xâm nhập của biến thể Delta, đã làm xáo trộn mọi tính toán trước khi nước này thực hiện kế hoạch đưa cuộc sống trở lại bình thường như thời điểm trước khi đại dịch xảy ra. Nhiều khu vực ở Anh đã quyết định kéo dài lệnh phong tỏa. Tuần trước, chính phủ đã thắt chặt quy định đi lại đối với tất cả công dân, trong đó có những người đã được tiêm phòng vaccine đầy đủ, bằng cách loại bỏ Bồ Đào Nha – điểm du lịch nổi tiếng ở châu Âu, ra khỏi danh sách những nơi người Anh được đi đến mà không cần kiểm dịch nghiêm ngặt.

Mỹ cố khép lại bức rèm u tối của đại dịch Covid-19, châu Âu thận trọng trước biến thể mới
Anh dè dặt trước biến thể Delta. Ảnh: BBC

Các nhà khoa học tại Anh đang tranh luận sôi nổi về việc nước này có nên tiếp tục mở cửa trở lại vào ngày 21/6 hay không. Một số người cho rằng, việc trì hoãn mở cửa sẽ không gây thiệt hại nhiều bằng việc để cho biến thể Delta từ Ấn Độ có cơ hội lây lan rộng rãi hơn.

Chuyên gia Sanderson, nhà nghiên cứu tại Viện Wellcome Sanger của Anh, cho biết: “Chúng tôi đang xem xét một biến thể mà chúng tôi có rất ít hiểu biết về các đặc tính của nó. Điều này đồng nghĩa với việc, chúng tôi không biết chắc về những gì sẽ xảy ra trong tương lai”.

Anh từng được coi là “phòng thí nghiệm sống tinh vi nhất thế giới” nghiên cứu quá trình tiến hóa của virus. Với việc phân tích 60% số ca mắc thông qua giải trình tự gen, nước này đã phát hiện ra những dấu hiệu sớm nhất của các biến thể nguy hiểm. Và như vậy, Anh đã trở thành “người báo trước” những thách thức mà ngay cả những quốc gia đã tiêm chủng cho phần lớn dân số sẽ phải đối mặt, khi ngày càng có nhiều biến thể mới xuất hiện.

Tim Spector, giáo sư dịch tễ học di truyền tại Đại học King’s College London, cho biết: “Anh đang lo lắng hơn bất kỳ quốc gia nào khác. Chúng tôi dường như dễ chứng kiến kịch bản ngày tận thế hơn so với ở Mỹ".

Kể từ khi biến thể Delta xâm nhập vào Anh hồi tháng 3/2021, nó đã nhanh chóng vượt trội các biến thể khác của virus SARS-CoV-2, trong đó có cả biến thể dễ lây lan lần đầu tiên được xác định ở Anh từng gây ra làn sóng Covid-19 dữ dội trên khắp thế giới vào mùa Đông vừa qua. Một cố vấn khoa học hàng đầu của chính phủ Anh ước tính, biến thể Delta có khả năng lây nhiễm cao hơn 60% so với những biến thể khác từng xuất hiện tại Anh. Giới chức y tế cảnh báo, các trường hợp nhiễm biến thể Delta có nguy cơ nhập viện cao hơn.

Ở Anh, dù đã có trên 90% số người trên 65 tuổi được tiêm phòng đầy đủ, nhiều quan chức y tế nước này vẫn phản đối việc sớm mở cửa trở lại, trong khi thúc đẩy chiến dịch tiêm chủng ở các khu vực có các hộ gia đình thu nhập thấp và có đông người da màu. Ông James Naismith, giám đốc của Viện nghiên cứu y tế Rosalind Franklin của Anh cho biết: “Virus chủ yếu tấn công các cộng đồng nghèo hơn và những cộng đồng da màu”.

EU tỏ ra thận trọng

Tại Liên minh châu Âu – nơi có tỷ lệ tiêm chủng thấp hơn so với Mỹ và Anh, giới chức khu vực vẫn đang tỏ ra thận trọng. Đức, Pháp và Áo đã cấm nhập cảnh đối với hầu hết du khách đến từ Anh. Trước đó, EU đã bị ảnh hưởng bởi sự gia tăng của biến chủng Covid-19 có nguồn gốc từ Anh vào mùa Đông vừa qua, khiến khu vực này trở thành một trong những nơi có tỷ lệ tử vong cao nhất thế giới. Chính phủ nhiều nước EU đã bị chỉ trích vì thất bại trong việc duy trì những tiến bộ đạt được vào mùa Hè năm 2020, khi họ tiến hành dỡ bỏ một loạt lệnh phong tỏa.

Trung tâm Phòng ngừa và Kiểm soát Dịch bệnh Châu Âu cho biết, đã có 47% dân số trưởng thành được tiêm liều vaccine đầu tiên và số ca mắc đã giảm khoảng 80% kể từ giữa tháng 4. Tuy vậy, các nhà lãnh đạo châu Âu vẫn nhấn mạnh sự cần thiết phải đề cao cảnh giác.

Hans Kluge, Giám đốc Tổ chức Y tế Thế giới tại Châu Âu cảnh báo: “Những tiến bộ đạt được rất mong manh. Chúng ta đừng nên phạm phải những sai lầm tương tự như thời điểm này năm 2020”.

Hiện nay tình trạng ách tắc nguồn cung vaccine đã được giảm bớt, các quan chức châu Âu tin tưởng rằng 70% người trưởng thành sẽ được tiêm chủng đầy đủ vào tháng 7/2021.

Một số nhà khoa học cảnh báo, khó khăn mà châu Âu phải đối mặt là tìm ra cách thức đối phó với biến thể Delta khi nó tiếp tục phát triển và lan rộng. Chừng nào virus còn lan rộng, chừng đó những biến chủng mới hơn vẫn còn cơ hội để phát triển và điều này buộc các quốc gia phải quyết định có nên tái áp đặt các biện pháp hạn chế, hay chấp nhận nguy cơ virus sẽ lây lan trong những nhóm người không được vaccine bảo vệ.

Với châu Âu là vậy, còn với những quốc gia nghèo hơn, khó khăn lại gia tăng bội phần. Nếu biện pháp phong tỏa không đủ chống lại biến thể mới, những quốc gia đó có thể phải lựa chọn giữa việc áp dụng những biện pháp khắc nghiệt hơn có thể gây thiệt hại nghiêm trọng cho nền kinh tế hoặc chấp nhận đứng nhìn dịch bệnh bùng phát dữ dội. Trước đó, biến thể Delta đã gây ra thiệt hại kinh hoàng ở Nam Á.

Jeremy Kamil, nhà virus học tại Đại học Y tế Shreveport, bang Louisiana, cho biết: “Trên toàn cầu, biến chủng này là một cơn ác mộng, bởi vì hầu hết thế giới vẫn chưa được tiêm chủng. Điều đó đã làm gia tăng các nguy cơ rủi ro”./.