Ngay cả khi Tổng thống Putin xác nhận rằng Nga không có ý định triển khai quân đội đến Afghanistan, nguy cơ cực đoan hóa và bạo lực xung quanh biên giới của nước này đang khiến Moscow phải gách trách nhiệm lớn hơn vào thời điểm nhiều thách thức nổi lên trong nước.
Tuy vậy, vẫn không thể phủ nhận rằng, việc Mỹ rút khỏi khu vực trung tâm Á-Âu, đã giúp Nga có cơ hội để củng cố vai trò của nước này như một nhà trung gian đầy quyền lực ở bên trong và xung quanh Afghanistan, nâng cao tầm nhìn kết nối khu vực nhằm thúc đẩy lợi ích của mình và củng cố ảnh hưởng chính trị-quân sự tại các nước láng giềng. Những bước đi này sẽ đòi giới lãnh đạo Nga phải đầu tư nhiều nguồn lực hơn và rủi ro cũng lớn hơn so với mức mà Nga sẵn sàng chấp nhận.
Nguy cơ khủng bố xâm nhập vào Trung Á
Mối quan tâm của Nga với Afghanistan chủ yếu xoay quanh tác động của cuộc khủng hoảng tại quốc gia này đối với các nước láng giềng Trung Á. Kể từ khi Liên Xô tan rã, Moscow đã coi Trung Á như một vùng đệm chiến lược nhằm đối phó với tình hình bất ổn tại vùng cực nam. Nga vẫn giữ vai trò lớn trong việc đảm bảo an ninh cho Trung Á, bất chấp sự tăng trưởng về thương mại và đầu tư mà Trung Quốc tạo ra ở khu vực này trong những năm gần đây.
Theo giới quan sát, tình hình tại các nước Trung Á hiện nay nhìn chung ổn định hơn so với những năm 1990 và đây là một trong những lý do khiến Moscow tỏ ra ít lo lắng hơn khi Taliban nắm quyền trở lại. Nhưng giới tinh hoa Trung Á vẫn coi Nga là nhân tố đảm bảo an ninh chính cho khu vực và muốn tìm kiếm sự hỗ trợ từ Moscow khi tương lai của Afghanistan vẫn còn mờ mịt.
Nga từ lâu đã yêu cầu công nhận các “lợi ích đặc quyền” của nước này tại khu vực Trung Á thời kỳ hậu Liên Xô. Hiện giờ khi Mỹ rút hết quân ở Afghanistan, vẫn còn phải xem xét liệu Moscow có thực sự đóng một vai trò mà họ mong muốn từ lâu, đảm bảo an ninh cho chính mình và cho các nước láng giềng, đồng thời quản lý những tác động nảy sinh từ cuộc cạnh tranh rộng lớn giữa nước này với Mỹ.
Chủ tịch Hội đồng An ninh Quốc gia Nga Nikolay Patrushev cho biết, nước này tập trung vào việc "đảm bảo kiểm soát các luồng di cư", đặc biệt là “bảo vệ khu vực khỏi những kẻ khủng bố vượt qua biên giới dưới vỏ bọc người tị nạn”. Moscow cũng tìm cách ngăn chặn "sự truyền bá của hệ tư tưởng cực đoan, buôn bán vũ khí bất hợp pháp và tội phạm ma túy”.
Do Nga duy trì chế độ miễn thị thực với hầu hết các nước láng giềng Trung Á, nên Moscow lo ngại những kẻ khủng bố hoặc buôn lậu từ Afghanistan có thể dễ dàng xâm nhập vào lãnh thổ nước này. Điều đáng lưu tâm hơn cả là người tị nạn tràn vào Trung Á sẽ gây bất ổn cho các nước trong khu vực và buộc Nga phải can thiệp sâu hơn.
Giới chức Nga cũng lo lắng về tình hình mất trật tự an ninh, đặc biệt là ở miền Bắc Afghanistan, nơi có dân tộc Tajik và Uzbek sinh sống.
Người Tajik và người Uzbek từng là bộ phận nòng cốt của Liên minh phương Bắc chống lại Taliban vào những năm 1990. Sau khi Taliban giành quyền kiểm soát Afghanistan, ông Ahmad Massoud, thủ lĩnh hiện tại của Liên minh phương Bắc và cựu Phó Tổng thống Afghanistan Amrullah Saleh đã tập hợp lực lượng chống Taliban ở Thung lũng Panjshir, nằm ở phía bắc Afghanistan. Dù Taliban tuyên bố đã giành quyền kiểm soát thung lũng này nhưng vẫn có khả năng giao tranh sẽ tiếp tục diễn ra.
Trong khi đó, Abdul Rashid Dostum, cựu phó tổng thống Afghanistan – người đang dẫn đầu một lực lượng dân quân Uzbek, hiện đang đàm phán với Taliban và nhân vật này nhiều khả năng sẽ đóng một vai trò quan trọng trong nền chính trị tương lai của Afghanistan. Cả Moscow và các chính phủ Trung Á từ lâu đã duy trì quan hệ với người Tajik và người Uzbek ở miền bắc Afghanistan cùng những nhân vật như Dostum.
Trong bối cảnh không có một nền tảng thống nhất, giới chức Nga lo ngại các chiến binh chống Taliban ở phía Bắc Afghanistan có thể trở thành những nhóm cực đoan như al-Qaida, hay tổ chức Nhà nước Hồi giáo tỉnh Khorasan (IS-K) – nhóm khủng bố tự nhận đã gây ra vụ đánh bom đẫm máu ở bên ngoài sân bay Kabul hôm 26/8. Trong hàng ngũ của các nhóm thánh chiến, có thể xuất hiện nhiều người Nga và người Trung Á nói tiếng Nga từng đến Syria để gia nhập tổ chức khủng bố IS.
Học giả người Nga Andrey Kazantsev lưu ý, ngay cả khi Taliban cam kết không để Afghanistan trở thành bàn đạp để các nhóm khủng bố xuyên quốc gia tấn công những nước khác, thì lực lượng này có xu hướng không ra đòn quyết định tại khu vực phía Bắc bởi nhận thấy các đối thủ ở đó có thể tạo ra mối đe dọa lớn hơn.
Nga và các chính phủ Trung Á lo ngại những chiến binh thánh chiến ở miền Bắc Afghanistan có thể thực hiện các cuộc tấn công xuyên biên giới, như cuộc tấn công do Phong trào Hồi giáo Uzbekistan (IMU) tiến hành vào cuối những năm 1990. Bên cạnh đó, các nhóm này có thể khiến số lượng người tị nạn gia tăng và lan truyền tư tưởng thánh chiến cho những những thành phần bất mãn ở Trung Á.
Nếu các mối lo ngại về sự mất an ninh, trật tự khiến Nga và các nước Trung Á xích lại gần nhau hơn, thì việc Mỹ rút quân khỏi Afghanistan đã mang lại cho Moscow cơ hội tăng cường sự hiện diện an ninh và củng cố các tổ chức trong khu vực, đặc biệt là Tổ chức Hiệp ước An ninh Tập thể (CSTO). Để thực hiện điều này đòi hỏi Nga phải gánh thêm những trách nhiệm mà nước này có thể chưa sẵn sàng đảm nhận.
Nga là quốc gia dẫn đầu CSTO – một tổ chức được thành lập với mục tiêu huy động nỗ lực về quân sự và an ninh để bảo vệ môi trường kinh tế và lãnh thổ của các nước thành viên khỏi bất kỳ sự tấn công quân sự hay chính trị nào từ bên ngoài. Moscow đã giúp củng cố biên giới của khu vực thông qua việc đào tạo, bán và triển khai vũ khí dưới sự bảo trợ của CSTO. Sau khi Kabul rơi vào tay Taliban, Moscow đã đồng ý với yêu cầu của chính phủ Tajikistan triệu tập một cuộc họp bất thường của hội đồng an ninh CSTO và cho phép bán vũ khí bổ sung.
Ngoại trưởng Sergey Lavrov cho biết, Nga đang chuẩn bị khởi động lại các cuộc đàm phán theo Định dạng Moscow, với sự tham gia của các nước láng giềng của Afghanistan, nhằm tìm kiếm một giải pháp để chấm dứt xung đột tại quốc gia Nam Á này. Trong quá trình này, Nga đặt mục tiêu trở thành một nhà trung gian hòa giải quyền lực trong khu vực, đồng thời thể hiện sự quan tâm về hội nhập kinh tế, trong đó có việc xây dựng những liên kết mới giữa Trung Á, Afghanistan và Pakistan.
Trong khi Nga theo đuổi trách nhiệm lớn hơn trong khu vực, Tổng thống Mỹ Joe Biden đã biện minh cho việc rút các lực lượng của Mỹ khỏi Afghanistan bằng cách tuyên bố Washington phải tập trung các nguồn lực cho “cuộc cạnh tranh ngày càng gay gắt với Trung Quốc và Nga”. Việc rút quân của Mỹ sẽ dẫn đến sự hiện diện lớn hơn của Nga ở bên trong và xung quanh Afghanistan. Nhưng vẫn chưa rõ liệu sự hiện diện này có cản trở chiến lược cạnh tranh của Mỹ hay không.
Có một thực tế là, nếu Nga càng dành nhiều nguồn lực cho một khu vực mà Moscow xác định là sân sau chiến lược thì nước này lại càng phải giảm bớt mối quan tâm tại những khu vực quan trọng khác như Trung và Đông Âu. Và trong trường hợp Moscow quyết định can thiệp quân sự vào Afghanistan (kịch bản khó có khả năng xảy ra), nước này có thể sẽ gặp phải sự thất vọng tương tự như Mỹ./.