Sự phản đối của Nga và Trung Quốc có thể làm tiêu tan kế hoạch đồn trú quân đội của Mỹ tại Trung Á sau khi rút hết quân khỏi Afghanistan

Chính quyền Tổng thống Mỹ Joe Biden thời gian gần đây đã âm thầm tiếp xúc với chính phủ các nước Trung Á, với hy vọng chuyển quân đến khu vực này sau khi hoàn tất việc rút binh sỹ khỏi Afghanistan.

Muốn lập căn cứ tại Trung Á, Mỹ phải bước qua ải Nga - Trung
Binh sĩ Mỹ tại một căn cứ quân sự ở tỉnh Helmand của Afghanistan. Ảnh: Getty.

Mỹ muốn lập căn cứ tại Trung Á

Mỹ có hai kế hoạch chính: thứ nhất, tìm kiếm một vị trí phù hợp để theo dõi các hoạt động khủng bố tại Afghanistan và thứ hai, tạm trú cho hàng nghìn người Afghanistan từng hỗ trợ nước này trong thời gian tham chiến. Tuy nhiên, nhiều quan chức Mỹ và chuyên gia cho rằng, Nga có thể sử dụng ảnh hưởng về kinh tế và quân sự trong khu vực để ngăn chặn các kế hoạch của Mỹ.

Vấn đề làm thế nào để tiếp tục chống lại những kẻ khủng bố và bảo vệ an toàn cho những người Afghanistan từng hợp tác với các lực lượng Mỹ sau khi Washington rút quân, trở nên cấp thiết hơn bao giờ hết khi những binh sỹ Mỹ cuối cùng rời khỏi căn cứ không quân Bagram - căn cứ quân sự lớn nhất của các lực lượng Mỹ và NATO ở Afghanistan ngày 2/7 vừa qua. Bộ Tư lệnh Trung tâm của quân đội Mỹ (CENTCOM) ngày 6/7 thông báo việc rút binh sĩ Mỹ khỏi Afghanistan đến nay đã "hoàn thành trên 90%".

Đề xuất thiết lập căn cứ quân sự tại Trung Á đã được đưa vào chương trình nghị trong cuộc gặp giữa Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken với những người đồng cấp Tajikistan và Uzbekistan tại Bộ Ngoại giao Mỹ tuần trước. Wall Street Journal dẫn nguồn tin từ một số quan chức cho biết, Tajikistan và Uzbekistan là 2 trong số 6 nước Trung Á, nhiều khả năng sẽ cho phép quân đội Mỹ đồn trú. Cả 2 quốc gia này đều có chung đường biên giới với Afghanistan, vì thế thiết lập sự hiện diện quân sự ở đây sẽ cho phép Mỹ tiếp cận Afghanistan nhanh hơn so với các căn cứ hiện có của Washington ở Trung Đông.

Đây không phải lần đầu tiên Mỹ tìm cách đóng quân tại Trung Á để hỗ trợ các lực lượng tham chiến tại Afghanistan. Sau cuộc tấn công khủng bố ngày 11/9/2001, quân đội Mỹ đã sử dụng một căn cứ ở Uzbekistan và một căn cứ ở Kyrgyzstan để điều hành các hoạt động tại Afghanistan. Hai căn cứ này sau đó bị đóng cửa do tình hình bất ổn và sức ép từ Điện Kremlin - vốn luôn lo lắng về sự hiện diện của Mỹ trong khu vực.

Cần phải vượt ải Nga-Trung Quốc

Theo giới phân tích, triển vọng về một thỏa thuận đồn trú quân đội giữa Mỹ và các quốc gia Trung Á hiện nay khó có thể xảy ra, trong bối cảnh quan hệ giữa Washington và Moscow đang rơi xuống mức thấp nhất kể từ Chiến tranh Lạnh. Nguyên nhân chủ yếu là bởi nhiều quốc gia trong số này được cho là phụ thuộc vào Nga và Trung Quốc về kinh tế và quân sự. Vì thế, họ cần sự chấp thuận ngầm của Moscow và Bắc Kinh để cho phép Mỹ đóng quân trên lãnh thổ. Về phần mình, Nga chắc chắn sẽ không thoải mái khi nói đến kế hoạch đồn trú quân đội Mỹ tại Trung Á.

Tajikistan là một trong 5 quốc gia có chung đường biên giới với Afghanistan. Mặc dù Tajikistan từng cho phép các máy bay quân sự của Mỹ được tiếp nhiên liệu tại các sân bay của nước này sau vụ tấn công ngày 11/9 nhưng quan hệ giữa hai bên hiện nay đang trở nên băng giá. Tổng thống Tajikistan Emomali Rahmon – người lên nắm quyền từ đầu những năm 1990, đã không đến thăm Mỹ kể từ năm 2002.

Trong khi đó, nền kinh tế Tajikistan phụ thuộc nhiều vào Nga và Trung Quốc. Kiều hối của công dân Tajikistan làm việc tại Nga đóng góp hơn 20% GDP vào năm 2020. Các khoản vay của Trung Quốc hiện chiếm hơn 20% GDP và hơn một nửa tổng số khoản vay nước ngoài của nước này. Còn về mặt quân sự, Tajikistan là thành viên của Tổ chức hiệp ước an ninh tập thể (CSTO), một liên minh quân sự Âu-Á do Nga dẫn đầu.

Ông Temur Umarov - một chuyên gia về Trung Quốc và Trung Á tại Trung tâm Carnegie Moscow cho rằng, Nga và Trung Quốc có nhiều lý do để ngăn chặn kế hoạch bố trí lực lượng của Mỹ ở Tajikistan hoặc bất cứ quốc gia nào khác thuộc Trung Á. 20 năm trước, sau vụ tấn công khủng bố ngày 11/9, cả Moscow và Bắc Kinh đã chia sẻ mối quan ngại chung với Washington về chủ nghĩa khủng bố xuất phát từ Afghanistan. Hiện giờ, mối đe dọa này đã giảm bớt, còn sự cạnh tranh giữa 3 cường quốc ngày càng trở nên gay gắt. Chắc chắn, Nga sẽ coi những nỗ lực của Mỹ tại Afghanistan như một cách thức nhằm gây xói mòn ảnh hưởng của Moscow.

“Có một sự đồng thuận giữa Nga và Trung Quốc về vấn đề này. Và Trung Á sẽ không mạo hiểm đánh mất quan hệ lâu đời với hai quốc gia nói trên để giúp đỡ Mỹ”, ông Umarov nhận xét.

Dù cả Bắc Kinh và Moscow đều lường trước nguy cơ rủi ro trong khu vực sau khi Mỹ rút quân, nhưng họ cũng nhận thấy cơ hội lấp đầy khoảng trống quyền lực và mở rộng tầm ảnh hưởng của mình, Cyrus Newlin, thành viên của Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế đánh giá.

Ngoài Tajikistan, các nước láng giềng còn lại của Afghanistan như Trung Quốc, Iran, Pakistan, Uzbekistan và Turkmenistan đều không phải là lựa chọn phù hợp cho kế hoạch của Mỹ. Trung Quốc và Iran vốn là đối thủ lâu đời. Pakistan tuần trước đã từ chối khi nói đến khả năng cho phép Mỹ đóng quân. Còn Turkmenistan - quốc gia theo chủ nghĩa biệt lập, mà ông Umarov mô tả là “Triều Tiên của Trung Á,” tỏ ra không quan tâm đến việc hợp tác với Washington trong cuộc xung đột Afghanistan..

Bài toán khó của Tổng thống Biden

Theo các chuyên gia, trong số các quốc gia có chung đường biên giới với Afghanistan, Uzbekistan là quốc gia hứa hẹn nhất đối với kế hoạch đồn trú quân đội của Mỹ. Uzbekistan ít phụ thuộc hơn vào Nga và Trung Quốc về mặt kinh tế so với các nước khác trong khu vực. Thêm vào đó, quốc gia này không thuộc CSTO và không có bất kỳ căn cứ quân sự nước ngoài nào trên lãnh thổ.

Tổng thống Shavkat Mirziyoyev đã nối lại quan hệ với Mỹ và thậm chí đã đến thăm Washington trong thời gần đây. Tuy vậy, kế hoạch thiết lập căn cứ của Mỹ tại Uzbekistan có thể vấp phải sự phản đối mạnh mẽ từ cả Moscow và Bắc Kinh, thậm chí từ chính người dân Uzbekistan – vốn có cái nhìn tiêu cực với bất cứ sự can thiệp nào từ bên ngoài vào cuộc xung đột Afghanistan.

Mối quan hệ lâu đời giữa các quốc gia Trung Á với Nga sẽ khiến Mỹ gặp khó khăn khi kêu gọi họ cho phép lưu trú hàng nghìn phiên dịch viên người Afghanistan và những người khác đã giúp đỡ các lực lượng Mỹ trong thời gian tham chiến. Hơn nữa, tình hình kinh tế xấu đi và làn sóng dịch Covid-19 mới, khiến những nước trên khó có thể đồng ý tiếp nhận thêm người di cư.

Dẫu vậy, việc họ đồng ý tiến hành các cuộc thảo luận về vấn đề nói trên là “một dấu hiệu đáng khích lệ”, hạ nghị sỹ Mỹ Michael Waltz lưu ý.

Nhìn chung, cách duy nhất để chính quyền Biden đạt được thỏa thuận đặt căn cứ của quân đội Mỹ tại một trong các quốc gia Trung Á là chứng minh cho họ thấy rằng “lợi ích kinh tế và chính trị của sự hợp tác này sẽ lớn hơn những thiệt hại mà họ phải gánh chịu do sự phản đối từ Nga và Trung Quốc ”, ông Umarov nói./.