Ảnh hưởng của hoàn lưu cơn bão số 4 (bão Noru), từ chiều tối 28-9, tại nhiều địa phương ở Nghệ An như TP Vinh, thị xã Cửa Lò, huyện Yên Thành, Hoàng Mai, Quỳnh Lưu… có mưa lớn kéo dài suốt nhiều giờ.
Ghi nhận của Tuổi Trẻ Online, 23h30 đêm 28-9, mưa vẫn đang trút xuống TP Vinh. Nhiều đoạn đường bắt đầu ngập nước từ 0,5m như Hồng Bàng, Đinh Công Tráng, Nguyễn Thị Minh Khai, Lê Duẩn… Một số xe máy, ô tô không thể đi qua các đoạn đường này.
Trước đó, Công ty Công viên cây xanh và đơn vị quản lý đô thị TP Vinh đã chủ động cắt tỉa cành cây, khơi thông dòng chảy nhằm hạn chế cây đổ, ngập úng cục bộ khi mưa lớn do ảnh hưởng của hoàn lưu cơn bão số 4.
Trong khi đó, tại các xã ở huyện Yên Thành như Quang Thành, Hậu Thành, Xuân Thành, Bảo Thành… mưa lớn cũng khiến nước từ các sông dâng cao, tràn từ ruộng vào nhà dân. Người dân hối hả di dời lúa, tivi, tủ lạnh… lên khu vực cao hơn.
"Nghe tin dự báo thời tiết Nghệ An có mưa lớn do hoàn lưu bão số 4 nên gia đình tôi cũng chuẩn bị kê đồ đạc lên cao, hạn chế thiệt hại. Nước vẫn đang lên từng giờ, hiện nước đã lên mấp mé giường rồi", anh Lưu Vỹ - ngụ xã Đồng Thành, huyện Yên Thành - nói.
Cùng lúc này, trong đêm tối, hàng trăm người dân và lực lượng bộ đội, dân quân tự vệ, chính quyền địa phương đang đội mưa để gia cố đoạn đập có nguy cơ sạt lở ở khu vực xã Quỳnh Tam, huyện Quỳnh Lưu.
Dù cách xa tâm bão Noru hàng trăm kilômét, nhưng từ 0h45 sáng 28-7, tại TP Vinh, Nghệ An đã bắt đầu xuất hiện nhiều đợt mưa to kéo dài, gió rít mạnh từng cơn.
Để chủ động ứng phó với mưa lũ, hàng loạt thủy điện, hồ thủy lợi ở Nghệ An đã xả nước về hạ du từ ngày 26-9. Trong số hơn 1.060 hồ, đập lớn, nhỏ ở Nghệ An đến nay có khoảng 65% số hồ đã chứa đầy dung tích.
Trong công điện khẩn gửi các đơn vị, địa phương phòng chống cơn bão số 4, Chủ tịch UBND tỉnh Nghệ An Nguyễn Đức Trung đặc biệt lưu ý tới các địa phương miền núi dễ xảy ra tình trạng lũ ống, lũ quét, sạt lở đất. Đây là những vùng bị thiệt hại do đợt mưa lũ vào đầu tháng 9.