272587729-1616570495341918-8309260698134870499-n-1-1643277160.jpg
Hình ảnh minh hoạ

Tết Nguyên đán càng đến gần, tai nạn do pháo nổ càng gia tăng, trong đó có nhiều trường hợp tai nạn thương tâm do mua pháo trên mạng về nghịch.

Khoảng 19h tối ngày 26/1, 4 bé trai (từ 12-14 tuổi, trú tại Xuân Vân - Yên Sơn - Tuyên Quang) được gia đình đưa đến cấp cứu tại Bệnh viện đa khoa tỉnh Tuyên Quang.

Các bác sỹ Trực tại khoa Cấp cứu, Bệnh viện đa khoa tỉnh Tuyên Quang cho biết: Kíp trực cấp cứu đã khẩn trương thăm khám, nỗ lực cấp cứu hồi sức tích cực, xử lý nhanh các tổn thương.

Cụ thể: 1 bé bị chấn thương sọ não và mắt; 1 bé bị vết thương thấu ngực; 1 bé bị vết thương thấu bụng thủng ruột, tràn khí màng phổi và 1 bé bị vết thương bụng và bàn tay.

Trong đó, 2 bé nặng nhất đã được chuyển tuyến về Bệnh viện tuyến Trung ương, 1 bé đang được phẫu thuật cấp cứu tại khoa Phẫu thuật - Gây mê hồi sức của Bệnh viện đa khoa tỉnh Tuyên Quang.

Đây không phải là trường hợp đầu tiên trẻ gặp tai nạn do pháo nổ. Nguy hiểm là vậy, song thực trạng đáng báo động này vẫn thường xuyên tái diễn, nhất là dịp cận Tết và chủ yếu là các đối tượng thanh thiếu niên.

Trước đó, vào ngày 31/12/2021 bệnh nhi T.Đ.A. 15 tuổi trú tại Thanh Sơn – Uông Bí, cũng phải cấp cứu tại BV Việt Nam- Thuỵ Điển Uông Bí với vết thương vùng bàn tay trái và hai mắt.

Theo gia đình cho biết, trước vào viện khoảng 30 phút, trẻ có tự chế pháo tại nhà không may phát nổ. Trẻ bị đau, chảy máu vùng bàn tay trái, đau rát vùng mặt, 2 mắt cộm, chói, chảy nước mắt. Gia đình đã nhanh chóng đưa trẻ đến viện để cấp cứu.

Bệnh nhi nhập viện trong tình trạng hai mắt có nhiều dị vật kết – giác mạc, bỏng kết – giác mạc độ 1, vết thương bàn tay trái, bỏng xây xát da mặt độ 1-2. Các bác sĩ đã tiến hành xử trí cho bệnh nhi.

Theo các bác sĩ Bệnh viện Việt Nam – Thụy Điển Uông Bí cho biết: Pháo nổ chứa nhiều chất độc hóa học không chỉ tỏa nhiệt gây bỏng mà còn sinh ra khí độc, ảnh hưởng trực tiếp đến hệ hô hấp. Hơn nữa, đối với những trường hợp tự chế tạo pháo, người bệnh thường phải tiếp xúc gần với các loại thuốc nổ, nên khi nổ rất dễ bị tổn thương nặng như: đứt ngón tay, mù mắt, điếc, bỏng, thậm chí giập nát và gãy xương…

Trong khi đó, theo Thạc sĩ Nguyễn Thạch Hải – khoa Ngoại lồng ngực-Chỉnh hình-Bỏng, Bệnh viện đa khoa Bắc Giang vết thương do pháo nổ là loại hoả khí, gây tổn thương mô mềm rất nhiều. Việc chăm sóc sau phẫu thuật thường phức tạp do nhiễm trùng lớn và quá trình điều trị lâu dài, hồi phục chức năng khá lâu. 

Qua đây, các bác sĩ cảnh báo đã có rất nhiều trường hợp gặp tai nạn đáng tiếc khi trẻ nghịch pháo do đó,các gia đình cần quan tâm đến trẻ vị thành niên và trẻ nhỏ.  Đặc biệt không nên mua pháo trên mạng không rõ nguồn gốc xuất xứ, không tự chế pháo...tránh tai nạn đáng tiếc xảy ra./.