Chiều 11/6, UBND thành phố Pleiku cho biết, đang chỉ đạo đơn vị thi công khắc phục hậu quả việc sạt lở tại công trình suối Hội Phú, khu vực trung tâm thành phố.
Trước đó, khoảng 8h sáng cùng ngày, mưa lớn xuất hiện trên địa bàn thành phố Pleiku khiến nước đổ dồn về suối Hội Phú với lưu lượng lớn. Lúc 8h30, một đoạn mái kè suối Hội Phú thuộc công trình Kè chống sạt lở suối Hội Phú đoạn đang thi công (từ Km0+00m đến Km0+789m, đoạn đường Nguyễn Tri Phương - đường Nguyễn Trung Trực) bị sụt lún.
Đoạn hư hỏng thuộc khu vực Liên danh Công ty TNHH xây dựng Thuận Nguyên - Công ty cổ phần đầu tư xây dựng Phúc Thịnh Hoàng và Công ty TNHH Trung Kiên đang có công nhân thi công.
Ông Hoàng Minh Nghĩa, Giám đốc Ban QLDA đầu tư xây dựng thành phố Pleiku cho biết, đoạn sạt lở nằm ở từ Km0+180m đến Km0+243m thuộc tuyến 1 gói thầu số 4 đoạn từ Km0+00m đến Km0+789m (từ đường Nguyễn Trung Trực đến đường Nguyễn Tri Phương) đang được thi công. Mưa nhiều ngày qua cộng với lượng mưa lớn vào sáng nay đã khiến đoạn chân mái kè gia cố dài 63m bị đẩy ra suối, đoạn lớn nhất 2,5m, gây trượt mái trồng cỏ và nền đường đỉnh kè.
"Nguyên nhân xảy ra vụ sạt lở là do mưa lớn nhiều ngày dẫn đến lượng nước thoát lớn, và mực nước ngầm khu vực đường Nguyễn Viết Xuân đến được đỉnh kè không thoát xuống suối được do đang đắp đất làm đường đỉnh kè", ông Nghĩa nói.
Trao đổi với Báo Giao thông, một lãnh đạo thành phố Pleiku cho biết, "Đáng ra khi công trình hoàn thiện, phía bên trái và bên phải tuyến đều có mương thoát nước, dẫn về các ống cống chảy ra suối. Nhưng công trình chưa thi công xong 2 đường cống đó nên toàn bộ nước phía trên cao, cùng hướng với chùa Minh Thành đổ xuống trực tiếp mái ta luy rồi chảy xuống mái gây ra sạt lở. Mưa lớn trong nhiều ngày qua cũng làm cho kết cấu của nền đất bị ảnh hưởng".
"Để kịp thời kiểm tra, xử lý sự cố nêu trên, UBND Thành phố đã mời Sở Xây dựng, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn kiểm tra thực tế hiện trường vào chiều cùng ngày để bàn hướng khắc phục", lãnh đạo này nói thêm.
Trước đó, khi xảy ra vụ sạt lở, Ban quản lý dự án và nhà thầu thi công đã dùng cọc bê tông ly tâm dài 12m đóng tại vị trí bị sạt để gia cố bảo vệ nền đường và mặt đường đỉnh kè.
Phương án khắc phục đề xuất là đào mương làm tầng lọc phía trên để thu lượng nước ngầm chảy về cống ngang đường, dự kiến đào mương sâu 1,5m -2m làm tầng lọc bằng đá hộc chèn cát. Phía mái kè nạo vét hết lượng đất bùn đến chân khay rọ đá, đắp lại lu lèn đúng thiết kế đồng thời bố trí ống nhựa dài 6m, đục lỗ, để dẫn nước ngầm ra suối sau đó đắp đất hoàn chỉnh, bạt mái và gia cố mái kè theo như hồ sơ thiết kế đã phê duyệt.