Mưa lũ đang xảy ra hết sức khắc nghiệt tại miền Trung. Chỉ sau 1 ngày mưa lớn là lũ đã lên cao, ngập khắp nơi. Tính đến ngày 10/10 đã là ngày mưa lũ thứ tư của đợt, những con số về lượng mưa, mực nước lũ và thiệt hại đều rất lớn.
Mênh mông biển nước, nhà không còn thấy nóc, đâu đâu cũng là nước đục ngầu. Tổng lượng mưa từ đêm 6/10 đến nay ở vùng tâm mưa Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên - Huế đã vượt 1.000mm, đặc biệt ở Huế lên tới 1.777mm. Tới đêm 9/10, lũ trên sông Bồ ở Huế đạt mốc lịch sử mới 5.24m, phá vỡ kỷ lục năm 1999. 3 ngày liền lũ trên sông Thạch Hãn, sông Kiến Giang lên mức báo động khẩn cấp, vượt báo động 3 - mức cảnh báo lũ cao nhất.
3 ngày mưa lũ đỉnh điểm đã vắt kiệt sức người dân khi phải chống chọi với trận lũ lớn hiếm gặp. Ngập lụt sâu trên diện rộng cả 5 tỉnh từ Quảng Bình vào đến Quảng Nam. Nghiêm trọng nhất tại Quảng Trị, nước lũ ngập toàn tỉnh. Chưa thể thống kê hết được thiệt hại, trước mắt đã có 5 người thiệt mạng, 8 người mất tích. Hàng chục nghìn căn nhà chìm trong biển nước, hơn 55.000 gia súc, gia cầm bị cuốn trôi. Đường sắt Bắc - Nam qua Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên - Huế tê liệt hoàn toàn.
Theo Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn quốc gia, dự báo hôm nay, 11/10, ở Trung và Nam Trung bộ, phía Bắc khu vực Tây Nguyên có mưa vừa, mưa to và dông, cục bộ có nơi mưa rất to, riêng khu vực từ Thừa Thiên Huế đến Bình Định có mưa to đến rất to và giông.
Cụ thể, khu vực từ Thừa Thiên Huế đến Bình Định có mưa 100-200mm, có nơi trên 250mm, khu vực Nam Trung bộ và phía bắc của Tây Nguyên có mưa 50-100mm, có nơi trên 120mm.
Đáng nói, từ chiều 10/10, do mưa lớn nên mực nước trên các sông ở Quảng Nam và Quảng Ngãi lên nhanh. Trên các sông ở Quảng Trị, Thừa Thiên Huế, Bình Định và Kon Tum đang lên.
Dự báo ngày 11/10, lũ trên các sông ở Quảng Nam, Quảng Ngãi tiếp tục lên và ở mức báo động 2- báo động 3, có sông trên báo động 3 và sau đó xuống dần.
Nhiều huyện tại các tỉnh, thành phố từ Quảng Bình đến Bình Định và Kon Tum có nguy cơ xảy ra ngập lụt, lũ quét và sạt lở đất.
Để ứng phó với mưa lớn gây nguy cơ lũ, sạt lở tại khu vực miền Trung, Thủ tướng Chính phủ đã có Công điện gửi các Bộ, ban, ngành, địa phương về việc chủ động ứng phó mưa lũ nhấn mạnh, mưa lớn, đặc biệt là tại các tỉnh Thừa Thiên Huế, Quảng Nam, Quảng Ngãi nhiều nơi đã có mưa rất lớn với tổng lượng mưa trong 24 giờ trên 300 mm, có nơi trên 550 mm, gây ngập cục bộ tại các khu vực thấp, trũng, chia cắt giao thông, ảnh hưởng đến sản xuất, sinh hoạt của nhân dân.
Thủ tướng yêu cầu các tỉnh, thành phố tổ chức theo dõi chặt chẽ diễn biến mưa lũ, rà soát chủ động sơ tán nhân dân ra khỏi các khu vực nguy hiểm, nhất là khu vực có nguy cơ xảy ra ngập sâu, lũ quét, sạt lở đất.
Chủ động bảo đảm nguồn cung lương thực, thực phẩm, nhu yếu phẩm cho người dân tại các khu vực có nguy cơ bị chia cắt do ngập sâu, sạt lở, sẵn sàng tổ chức cứu trợ cho các hộ dân có nguy cơ thiếu đói.
Thủ tướng cũng yêu cầu Bộ NN&PTNT, Bộ Công Thương theo chức năng quản lý nhà nước được giao phối hợp địa phương chỉ đạo, hướng dẫn, triển khai công tác bảo đảm an toàn đối với sản xuất nông nghiệp, công nghiệp; chủ động điều tiết các hồ thủy lợi, thủy điện bảo đảm an toàn công trình, đồng thời góp phần giảm lũ cho hạ du.
Bộ Giáo dục và Đào tạo chỉ đạo công tác bảo đảm an toàn tính mạng cho học sinh và cơ sở vật chất, trang thiết bị, đồ dùng học tập, hạn chế thiệt hại.
Bộ Quốc phòng, Bộ Công an chỉ đạo các lực lượng vũ trang chủ động bố trí lực lượng, phương tiện hỗ trợ sơ tán, di dời dân cư ra khỏi khu vực nguy hiểm, tổ chức cứu hộ, cứu nạn khi có yêu cầu của địa phương.
Theo Ban chỉ đạo quốc gia về phòng chống thiên tai, đến chiều tối 10/10, mưa lũ tại các tỉnh Trung bộ làm 2 người bị mất tích do nước lũ cuốn trôi; 858 nhà bị ngập, 392ha cây ăn quả, 50 điểm đường bị ngập. Thành phố Đà Nẵng và tỉnh Quảng Nam có chỉ đạo căn cứ tình hình ngập lụt để quyết định việc cho học sinh nghỉ học./.