Mùa đông đến sớm, có những đợt lạnh kỷ lục và lạnh hơn so với trung bình nhiều năm. Lưu ý xảy ra rét đậm, rét hại ở vùng miền núi phía Bắc. Khu vực phía bắc khả năng sẽ chịu ảnh hưởng từ một đến hai cơn bão/áp thấp nhiệt đới.
Sáng 13/7 đã diễn ra hội nghị phòng chống thiên tai khu vực miền núi phía Bắc năm 2020.
Phát biểu tại hội nghị, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Nguyễn Hoàng Hiệp cho hay, từ đầu năm 2020 đến nay đã xảy ra 92 trận dông, lốc, mưa đá, mưa lớn.
Trong đó 8 đợt trên diện rộng, đặc biệt mưa đá ngay trong đêm giao thừa và sáng mùng một tết nguyên đán, một hiện tượng dị thường rất hiếm gặp.
Cùng với đó là 2 trận lũ quét, sạt lở đất, 12 trận động đất, trong đó có trận động đất lúc 13h12 ngày 16/6 với độ lớn 4,9 (rủi ro thiên tai cấp độ 4) tại Mường Tè, Lai Châu.
Trong 6 tháng đầu năm, thiên tai đã làm 19 người không qua khỏi, 79 người bị thương, 1.618 nhà sập, 52.015 nhà bị hư hại, tốc mái, 10.009 ha lúa và hoa màu bị thiệt hại. Tổng thiệt hại ước tính là 610 tỷ đồng.
Ông Mai Văn Khiêm – Giám đốc Trung tâm dự báo khí tượng thủy văn quốc gia cho hay, qua giám sát về hiện tượng Enso, trạng thái đang nghiêng trung tính, phần lớn các dự báo sau tháng 9 khả năng chuyển sang pha lạnh, khi đó sẽ gia tăng mưa, вãо vào những tháng cuối năm 2020.
Mùa đông đến sớm hơn, có những đợt lạnh kỷ lục và lạnh hơn so với trung bình nhiều năm. Lưu ý xảy ra rét đậm, rét hại ở vùng miền núi phía Bắc.
Hoạt động bão/áp thấp nhiệt đới, khu vực phía bắc khả năng sẽ chịu ảnh hưởng từ một đến hai cơn bão/áp thấp nhiệt đới và rơi vào tháng 8 và 9.
Ông Trần Quang Hoài – Tổng cục trưởng Tổng cục Phòng chống thiên tai, cho biết theo dự báo của Trung tâm dự báo khí tượng thủy văn quốc gia, từ nay đến cuối năm 2020, mưa, lũ tập trung vào tháng 8 đến giữa tháng 10, lượng mưa tháng 7 ở mức thấp khoảng từ 10-25%, tháng 9 cao hơn từ 15-30% so với trung bình nhiều năm.
Ông Hoài cũng cho biết theo nhận định của Viện Vật lý địa cầu, thời gian tới động đất có thể tiếp tục xảy ra, cường độ lớn nhất tại các tỉnh Đông Bắc có thể đến cấp 7, Tây Bắc cấp 8, thậm chí cấp 9 (Điện Biên, Lai Châu, Sơn La…).
“Đây là tình huống hết sức nguy hiểm với người dân, công trình phòng chống thiên tai, cơ sở hạ tầng trong khu vực và nguy cơ sạt lở đất, đặc biệt là khi có mưa lũ lớn”, ông Hoài nói.