Tục lệ xưa ở nhiều vùng nước ta vẫn vậy, hễ nhà ai có cưới là không chỉ họ hàng thân thuộc tới mừng cưới, mà bà con lối xóm cũng được mời chung vui. Những năm gần đây, khi được mời tham dự khoản “quà cưới” đều được quy đổi thành... “phong bì” cho gọn nhẹ, chứ không còn cảnh xoong nồi, chậu thau, chén bát... lỉnh kỉnh gói ghém làm quà cưới như xưa nữa. Chính vì gia đình này có cưới mời gia đình kia và ngược lại nên sự “giao lưu” bằng tiền mừng cưới là không thể khác, nghĩa là một khi được mời thì không thể không đi ăn cỗ tiện thể “trả nợ” tiền mừng cưới luôn.

5334-tranhcaiviecmungcuoi1trieudong-9766-8346-1640517571-r-380x228-1664171481.jpg
Ảnh minh hoạ

Nếu như ở các thành phố, thị xã, thị trấn, chuyện giao lưu theo kiểu tình hàng phố còn đôi chút lạnh nhạt, ít thân mật khăng khít nhà nào biết nhà đó..., thì ở vùng quê lối sống cộng đồng luôn gần gũi, giao lưu rộng rãi nên khi mùa cưới tới nỗi lo tiền mừng đám cưới vì thế càng tăng. Ví dụ như mẹ tôi, hiện sinh sống tại một huyện ngoại ô thành phố, hầu như mùa cưới năm nào cũng phải lo đi trả nợ tới mấy chục đám cưới quanh làng, xã. Năm ít thì cũng cỡ hơn chục đám, còn năm nhiều có khi tới gần 30 đám cưới. Khi điều kiện sống khấm khá hơn thì người dân quê cũng “lên đời” khoản tiền mừng, mỗi phong bì bên trong không thể ít hơn 200 nghìn đồng! Đó là với đám cưới “ xã giao” dân làng, còn với các đám cưới họ hàng gần gặn thì mỗi phong bì cứ phải từ 500 nghìn tới cả tiền triệu, thậm chí là hơn nữa...

Vì “phải” đi ăn cưới nhiều như vậy nên tốn kém là có thật, dẫu biết rằng, chuyện trả nợ cưới chỉ là có đi có lại, nhưng cứ mỗi tuần nhận được dăm ba cái “thiệp mời” là lại lo, thế nên dẫu không có tiền trong túi cũng cố mà chạy, mà vay mượn chỗ này chỗ kia để đi... trả nợ nhà người ta. May thay, cả cha và mẹ tôi còn có nguồn thu nhập từ đồng lương hưu, chứ không thì... “chóng mặt” vì lo tiền mừng cưới!

Ở quê tôi nói riêng cũng như nhiều vùng quê khác nói chung, có phải gia đình nông dân nào cũng có nguồn thu nhập ổn định hay kinh tế khá giả để mà luôn có sẵn tiền trong nhà, mà đại đa số đều trông vào nghề nông bấp bênh, hay chăn nuôi con lợn con gà. Khi không có sẵn tiền mà nhận được một lúc cả dăm ba cái “thiệp mời” thì không lo mới là lạ. Thôi thì đành phải đi bán vài thúng thóc, hay dăm con gà, con vịt... để lấy tiền mừng cưới nhà người ta. Nếu chưa có hoặc không có gì bán thì chỉ còn nước là đi vay nợ rồi làm trả sau... Thực tế ở quê chuyện lo tiền mừng cưới theo kiểu bán thóc bán gà, vay nợ... có thật 100%, và đúng là không ít hộ dân luôn nặng nỗi lo khoản tiền đi... “trả nợ miệng” mỗi khi mùa cưới tới.

Qua những đám cưới được tổ chức rình rang với cỗ bàn linh đình, khách mời tràn lan như bấy lâu nay, tôi thấy hình thức cưới như vậy không chỉ gây tốn kém về vật chất, tiền bạc, mà còn làm khó cho chính gia chủ khi không có điều kiện kinh tế phải lo vay nợ để tổ chức cưới cho con em mình. Đã vậy, còn chất thêm nỗi lo cho bà con dân làng, khi “bắt” mọi người phải lo toan chạy vạy tiền để “trả nợ miệng”.

Vẫn biết rằng, những tấm thiệp mời cùng chiếc phong bì đi kèm là thể hiện tình cảm giao lưu, nhưng tôi nghĩ không chỉ riêng tôi, mà nhiều người khác vẫn ao ước giá như các đám cưới được tổ chức đơn giản, tiết kiệm theo nếp sống mới, ít cỗ bàn thì hay biết mấy, bởi lúc đó, đi ăn cưới người ta sẽ không còn phải lo khoản phong bì, mà vui vẻ uống nước xơi trầu cùng dăm ba chục ngàn gọi là quà kỉ niệm mừng ngày vui của cô dâu chú rể cũng đâu có sao.../.