Phá Tam Giang - Cầu Hai được biết đến là vùng đầm phá nước lợ lớn nhất ở khu vực Đông Nam Á. Không chỉ dừng lại ở đó, nơi này còn được biết đến là một trong những điểm du lịch đẹp và hấp dẫn nhất ở tỉnh Thừa Thiên Huế.
 
Để tới phá Tam Giang, du khách có thể trải nghiệm bằng nhiều bằng tiện. Du khách thường tới nơi đây bằng thuyền, theo dòng Hương Giang vào sông Đông Ba, đi qua phố Bao Vinh tới bến đò Vĩnh Tu, là ra đầu nguồn. Du khách cũng có thể đi xe máy theo quốc lộ 49B về thị trấn Thuận An, có cầu và đường nhựa xuyên suốt 50km trên dải cát giữa biển và đầm phá. Trên con đường đến Tam Giang, du khách có cơ hội chiêm ngưỡng vẻ đẹp cổ kính của những khu làng, những cánh đồng lúa thẳng cánh cò bay và những rặng phi lao cao vút tạo nên bức tranh phong cảnh thơ mộng, bình yên.
 
Phá Tam Giang - Cầu Hai là hệ đầm phá dài khoảng 70km chạy dọc duyên hải Thừa Thiên Huế, có diện tích gần 250km2. Ngoài ra, phá Tam Giang - Cầu Hai còn là một kho tàng tài nguyên với 36 loài chim đặc hữu và 24 loài chim tránh rét về hội tụ bởi lượng thức ăn dồi dào là tôm cá, rong rêu sinh sống trên đầm phá; hơn 230 loài cá sống ở trung tầng hoặc mặt nước, 63 loài cá đáy, 37 loài sứa, nuốc và giáp xác, khoảng 700 loài cây thủy sinh...
 
Người dân ở phá Tam Giang làm nhiều nghề để sinh sống, nổi bật là ngư nghiệp, nuôi trồng thủy, hải sản. Trên đầm phá luôn có khoảng 2.500 chiếc thuyền, hàng năm đánh bắt khoảng 3.000 tấn tôm cá, bằng các hình thức nò sáo, rớ giàn, chuôm, đậy, đặt đáy, trong đó nò sáo ở Phú Vang là nhiều nhất.


 
Món ghẹ hấp chấm muối tiêu chanh
 
Ngoài nông, ngư nghiệp, ven phá Tam Giang còn nhiều làng nghề như làng Địa Linh chạm cẩn, làng Thủy Tú làm gạch ngói, làng An Thuận làm cốm, làng Bao La đan thúng mủng, làng Trài làm nước mắm, làng Hà Thanh nấu rượu… Vùng đất cuối cùng của đầm phá là xã Vinh Hiền (huyện Phú Lộc) có chùa Túy Vân uy nghi, trầm mặc. Đến với đầm phá Tam Giang, du khách luôn cảm nhận được sự hùng vĩ, mênh mông bát ngát, không khí thoáng đãng ở nơi đây.
 
Đến Rú Chá với rừng cây ngập mặn bao phủ tựa như bức tường cây. Đi thuyền vào khu vực này du khách cảm thấy dường như đang tách biệt với thế giới bên ngoài. Không chỉ hấp dẫn du khách bởi những rặng cây mà nơi này còn có nguồn tôm, cá dồi dào. Bên cạnh đó, rừng ngập mặn Rú Chá cũng là nơi cư trú của nhiều loài chim. Khi ánh chiều tà buông xuống, từng đàn chim bay về tổ là cảnh tượng khó quên nhất khi du lịch Rú Chá.
 
Đến đây lúc hoàng hôn, du khách sẽ bị mê hoặc bởi vẻ đẹp khó cưỡng nhất của phá Tam Giang với ánh sáng vàng hồng nhuốm màu lên toàn bộ đầm phá, tạo nên bức tranh phong cảnh đẹp hữu tình. Lúc này, tiết trời chuyển dần sang gam tím, những con thuyền cập bến sau một ngày làm việc vất vả trên sông nước. Phá vào màn đêm buông xuống quá đỗi hiền hòa, thơ mộng, trữ tình. Và dĩ nhiên, du khách không thể quên check-in những bức hình lung linh đủ màu sắc lưu lại làm kỷ niệm.
 
Sau thời gian khám phá vẻ đẹp phá Tam Giang là đến lúc du khách dừng chân thưởng thức ẩm thực địa phương với những món hải sản xào, nướng, hấp.../.