Vào dịp tháng 8 ÂL hàng năm, có dịp đến với lễ hội Bươn Xao của đồng bào người Thái xã Tiên Kỳ, huyện Tân Kỳ, Nghệ An, chúng ta sẽ được hòa mình vào những trò chơi dân gian mang đậm nét văn hóa của đồng bào nơi đây.
 

 
Đầu tiên phải kể đến Tặp xạc (nhảy sạp): Tiếng Thái Tặp xạc là “vỗ chày”. Một trò chơi có từ lâu đời. Ngày xưa phụ nữ Thái đã dùng chày giã gạo vỗ vào nhau, tạo nên tiết tấu, nhịp điệu để nhảy. Đầu tiên ngả 2 cái chày xuống đất, song song cách nhau khoảng 1,5m. Sau đó, đặt những cái chày ngang trên 2 cái chày đó, từng đôi một nhảy theo nhịp gõ, xúng xính trong trang phục truyền thống kết hợp với tay cầm quạt để múa trong khi nhảy. Hiện nay, các chày gỗ được thay thế bởi các thanh tre, trang trí hoa văn tạo tính thẩm mỹ và tăng tính chất nghệ thuật cho trò chơi dân gian này.
 
Đấu vật (pằm cắn): Thi vật là một hoạt động văn hóa thể thao không thể thiếu, vừa mang tính thi tài về mặt sức khỏe, vừa thể hiện trí tuệ của con người. Hình thức đấu vật cũng như các cuộc thi  khác, song phần thưởng của người thắng cuộc được thưởng không phải là tiền, đồ lưu niệm mà là rượu, thịt, bạc trắng, khăn vải,.... thể hiện bản sắc văn hóa của đồng bào  dân tộc Thái.
 
Đánh quay (Khiếc xảng): Đánh quay, người xuôi gọi là đánh cù, đánh gụ là một trò chơi được nhiều trẻ em rất thích. Trò đánh quay của đồng bào Thái Nghệ An thường được tổ chức trong các dịp bản mường vui  hội. Vị trí của trò chơi là các bãi trống trong bản. Con quay được đẽo bằng gỗ dẻo, cứng, dây quấn vào con quay là loại dây được làm từ vỏ cây rừng. Đánh quay phải chơi từ 2 người trở lên. Đầu tiên, một người xuống con quay, một người khác dùng con quay của mình đánh bật các con quay khác dưới đất trong khi con quay mình vẫn còn quay thì sẽ thắng cuộc
 
Đi cà kheo (nhảng cống quến): Ở khu vực miền núi phía Tây xứ Nghệ, người Thái thường đi cà kheo trong mùa mưa, mỗi khi các trục đường trong các bản làng bị ngập bùn. Xuất phát từ đó, đồng bào Thái Nghệ An đã nâng cấp lên thành hội thi để xem ai đi nhanh hơn, đi cà kheo cao hơn. Cà kheo được làm từ loại cây tre tốt gọi là loại tre mạy cày (mai cần), ngọn nhỏ nhưng chắc chắn. Ngọn tre thẳng có chiều cao khoảng từ 1,5m đến 2m, trên thân tre có đục lỗ làm chỗ đứng chân. Thi cà kheo cũng như thi chạy, nhưng khác ở chỗ các vận động viên phải đi trên 2 thanh tre, có vạch xuất phát và có đích. Trong quá trình đi, ai đi nhan hơn về đích mà không bị ngã là người thắng cuộc.
 
Bắn nỏ (nhinh nà): Bắn nỏ là một cuộc thi không thể thiếu trong các dịp lễ đầu xuân năm mới. Hàng năm cứ bắt đầu vào mùa xuân, mọi người lại kéo nhau ra bãi, tìm chỗ an toàn để bắn nỏ thi. Ở cuộc thi bắn nỏ, mỗi bản, mường cử ra các xạ thủ để đua tài. Từ chỗ đứng bắn đến đích bắn cách khoảng 20m, vật để ngắm bắn rất nhỏ, chỉ bằng lá tre, thậm chí có khi các xạ thủ chỉ bắn vào lưỡi dao, sao cho mũi tên chẻ đôi. Mỗi xạ thủ chỉ được bắn 3 lần, ai chẻ được 3 mũi tên tre của mình thành 6 mảnh thì người đó dành thắng cuộc và được thưởng một mảnh vải vuông do các cô gái tự dệt, một hộp đựng thuốc bằng bạc và một túi da đựng trầu cau. Thi bắn nỏ là dịp để các trai làng rèn luyện kỹ năng sử dụng vũ khí cổ truyền cũng là để giữ gìn bảo lưu một môn thể thao truyền thống của dân tộc mình.
 
Chơi mạc lẹ: Mạc lẹ là một thứ quả ở trong rừng, có hình dáng tròn, dẹt và rất cứng. Trò này thu hút được tất cả các tần lớp và giới tính tham gia. Hình thức chơi như sau: Người ta dùng hạt mạc lẹ bỏ trên đầu gối, ngồi xổm, lấy hai ngón tay của hai tay cài vào nhau, bật cho hòn mạc lẹ bắn đi, sao cho trúng hòn mạc lẹ đang dựng ở dưới đất, bật đi, ai xa nhất, người đó dành thắng cuộc. Trò chơi này nhẹ nhàng, nên thu hút chủ yếu là phụ nữ và trẻ em.
 
Kéo co (Lạc Xào): Đồng bào Thái thường nói: “ Tặp xạc lạc xào” nghĩa là “ kéo co, nhảy sạp”, trong các nghi lễ truyền thống và lễ tết  của đồng bào Thái ở Nghệ An, người ta hay tổ chức thi kéo co. Kéo co là một hoạt động vui chơi, làm cho bản mường có thêm nhiều tiếng cười, nên khi tổ chức thường chia làm 2 phe nam nữ khác giới để thi, cốt mang tính giải trí. Phương tiện để kéo là một đoạn dây mây, dây song hoặc vỏ cây rừng tết lại bỏ trên bếp lâu ngày rồi mang xuống ngâm nước cho dẻp mềm để dễ kéo. Trò kéo co thường thu hút đông đảo mọi người tham gia.
 

 
Đánh khăng (tành tù): Chơi đánh khăng, cần có con khăng (lục tù) dài khoảng 20 cm và một đoạn gậy dài 60cm, để đánh con khăng đi xa. Một lần chơi khăng cần có 2 người. Một người đặt con khăng xuống một cái rãnh nhỏ, sao cho một đầu nhô lên để dùng cái gậy đánh cho con khăng bật lên và đánh tiếp cho nó bay đi xa. Người thứ 2 đứng ở đầu kia bắt lấy con khăng, nếu bắt được tức là người thắng cuộc và trở về thay chỗ cho người thứ nhất. Nếu không bắt được phải nhặt con khăng để ném cho trúng cái gậy lúc này đã để ngang trên cái rãnh dưới đất..... Đây là một trò chơi dân gian thu hút rất đông các cháu nhỏ tham gia.
 
Chọi gậy (Chìm nều): Trò chơi chọi gậy cũng là một trò chơi khá quen thuộc, trước khi chơi, mỗi người chuẩn bị một đoạn gậy có một đầu vót nhọn và chọn mộ chỗ đất mềm, đứng về một bên, rồi người cầm gậy của mình ném xuống đất sao cho cắm thật sâu. Người thứ 2, dùng gậy khác ném vào đúng chỗ gậy của người trước đã cắm làm gậy đã cắm của người kia bật ra ngoài mà gậy của mình vẫn không đổ là sẽ thắng. Chọi gậy, về nguyên tắc gần giống với môn đánh quay, nhưng khó hơn và đòi hỏi phải có kỹ năng và sức khỏe.
 
Khắc luống tiếng Thái gọi là “quành long, tung lòng” có nghĩa là gõ máng dã gạo. Trong lễ tết hoặc lễ hội, Khắc luống hầu như diễn ra ở mọi lúc mọi nơi, kể cả tại sân đền khi có lễ tế, và ngoài sân hội, người ta cũng đều khắc luống. Khắc luống là một nghệ thuật diễn xướng được đồng bào trình diễn bằng cách dùng chày và cối dã gạo tạo nên các tổ hợp âm thanh theo những cốt truyện dân gian của người Thái. Có nhiều cách khắc luống, song người ta chủ yếu sử dụng cách khắc lồng hội là 2 dãy người đứng 2 bên máng, mỗi bên khoảng 5 người, đâm chày chéo nhau sang thành máng; khắc phặt phun, gõ chày vào thành máng theo kiểu dệt vải; khắc tỏ cảy, gõ chày vào thành máng theo kiểu chọi gà; tung lòng muổn, tạo nên tiết điệu vui, rộn ràng: “ tùng tùng, tùng cắc, tùng cắc, tùng cắc, tùng cắc, cắc tùng....” tạo ra sự rộn ràng vui nhộn cho lễ hội.

 
Đánh cồng (tý cồng): Người Thái thường nói: “ tý cóong, ki lầu” nghĩa là “ đánh cồng, uống rượu”. Ngày hội, ngày tết có uống rượu cần là có đánh cồng. Bộ cồng người Thái gồm có 4 cái, tương ứng với 4 âm khác nhau, được treo trên giàn cố định. Tính từ trái sang phải được thể hiện như sau: Tỉnh cồng số 1, gọi là “cóong tủng, cóong mế” nghĩa là cồng mẹ; tỉnh còong số 2 gọi là “cóong ời”, gọi là cồng chị cả; tỉnh cóong số 3 gọi là “còong cán” gọi là cồng chị hai; tỉnh còong số 4 gọi là “cóong la” gọi là em út. Loại cồng người Thái thường dùng là cồng có núm mang hình tượng bộ ngực của người phụ nữ, nên được gọi theo thứ bậc ở trong nhà.

 
Trò chơi dân gian trong lễ tết, lễ hội luôn thu hút được nhiều người tham gia, trổ tài. Tuy nhiên bên cạnh đó có một hình thức khác rất sôi nổi đó là hình thức diễn xướng dân gian mang đậm sắc thái dân tộc như: Lăm, Khắp, Suối, Nhuôn. Đặc biệt là hát xuối, lăm, nhuôn, chúc Tạo mường sống lâu, chúc cho chín bản mười mường được bình yên, hạnh phúc. Các hình thức diễn xướng này còn được tổ chức ở nhiều địa điểm vào buổi đêm, thậm chí là đồng bào còn hát cho đến sáng ngày hôm sau. Trai gái của mường có thể tham gia ở một hay nhiều đám vui tùy thích. Vì vậy, trong các buổi diễn xướng này các cô gái bản và chàng trai mường thường tìm cho mình các ý trung nhân.
 
Ngoài hình thức hát xướng trong lễ tế thần tức hát thơ theo cốt truyện trường ca. Đặc biệt có điệu “Hắp bảo xảo”, hát trai gái giao duyên, hình thức này có nhiều làn điệu với những lời ca giản dị, những câu ca trữ tình xa xưa vẫn còn lưu truyền cho đến tận ngày nay./.