Quỳ Hợp (Nghệ An) là một huyện miền núi với ba dân tộc anh em cùng sinh sống đã lâu đời và đã tạo ra được nhiều nét văn hóa độc đáo, trong đó có văn hóa ẩm thực!
Đến Quỳ Hợp, vào trong các bản làng người Thái, người Thổ, mùa nào thức ấy, chúng ta sẽ được cùng với đồng bào thưởng thức những món ăn độc đáo được chế biến ra từ những rau, cá, thịt… ngay tại quê hương mình. Chưa nói đến dân tộc Kinh, chỉ riêng hai dân tộc Thái và Thổ ở huyện Quỳ Hợp cũng đã có những món ăn rất độc đáo như: Canh bồi (canh nấu có rắc bột gạo tẻ vào); hỏ mọc (gói hỏ mọc trộn thịt lợn băm nhỏ, thịt gà và cá suối của đồng bào dân tộc Thái; gói hỏ mọc trứng kiến đen độc đáo của đồng bào dân tộc Thổ…vv); các món ăn từ cá (như cá nướng; cá hông; cá hấp; cá chua; cá ướp…vv); các món ăn từ thịt (như thịt nướng; thịt chua…vv); các món ăn từ các loại măng rừng như: Măng đắng nấu canh bồi; măng nứa chấm chẻo quả “Nhau’’ rừng (thơm và bùi gần giống như lạc); măng Giang nướng cùng các loài nấm trong một gói lá chuối rừng; măng tre, măng nứa ngâm chua nấu với cá, cua, tôm, ốc bắt được ở trên đồng hoặc dưới khe suối, tạo nên một món ăn rất lạ miệng.
Các món ăn từ nấm như canh nấm “Hết Bi” của đồng bào Thái hoặc nấm mộc nhĩ xào măng của đồng bào Thổ… đều là những món ăn vừa dân dã lại vừa lạ miệng với khách; các món ăn từ rêu suối đặc biệt của đồng bào dân tộc Thái (có hai thứ rêu suối, đó là thứ rêu băm nhỏ trộn với gia vị rồi gói thành từng gói bằng lá chuối và hông chín trong cái hông xôi; thứ hai là rêu lấy ở trên ruộng lúa nước về nấu canh với cá, tép, cua, ốc cũng là những thứ bắt ở trên đồng và dưới khe suối); các món ăn nấu từ “chẻo bon” (một loại thức ăn được làm ra từ lá môn rừng ở dọc các khe suối) rất độc đáo mà người Thái và người Thổ ở huyện Quỳ Hợp từ trước vẫn rất yêu thích..v.v!
Các món ăn từ nấm như canh nấm “Hết Bi” của đồng bào Thái hoặc nấm mộc nhĩ xào măng của đồng bào Thổ… đều là những món ăn vừa dân dã lại vừa lạ miệng với khách; các món ăn từ rêu suối đặc biệt của đồng bào dân tộc Thái (có hai thứ rêu suối, đó là thứ rêu băm nhỏ trộn với gia vị rồi gói thành từng gói bằng lá chuối và hông chín trong cái hông xôi; thứ hai là rêu lấy ở trên ruộng lúa nước về nấu canh với cá, tép, cua, ốc cũng là những thứ bắt ở trên đồng và dưới khe suối); các món ăn nấu từ “chẻo bon” (một loại thức ăn được làm ra từ lá môn rừng ở dọc các khe suối) rất độc đáo mà người Thái và người Thổ ở huyện Quỳ Hợp từ trước vẫn rất yêu thích..v.v!
Trong đời sống thường ngày, từ xưa đến nay, đồng bào các dân tộc huyện Quỳ Hợp, ngoài các món ăn độc đáo như trên, còn thường xuyên ăn cơm nếp nương (có hai loại nếp nương: Nếp nương trắng và nếp nương cẩm. Ngày nay cả hai thứ này đã được đồng bào trồng ở dưới ruộng). Nếp trắng vừa thơm, vừa dẻo để gói các loại bánh chưng vào dịp tết nguyên đán cổ truyền. Đồng bào dân tộc Thổ còn có “bánh đầu chó” rất đặc biệt, bởi chỉ có đồng bào dân tộc Thổ ở Quỳ Hợp mới làm loại bánh này. Ngoài ra, đồng bào còn có cơm lam khá ngon và độc đáo bởi cách “lam” để thành ra một ống cơm lam đặc trưng của Quỳ Hợp…! Ngoài các món ăn và cơm, thức uống của đồng bào các dân tộc ở Quỳ Hợp cũng rất đặc trưng, độc đáo và đa dạng, trong đó phải kể đến rượu cần (cả người Thái và người Thổ đều có rượu cần với hương vị rất khác nhau của từng vùng), nước chè đâm (là thứ chè xanh của các xã vùng cao, vùng sâu của Quỳ Hợp mới xanh và thơm ngon), nước chè om… vv!...
Từ xưa đồng bào các dân tộc anh em ở huyện Quỳ Hợp đã biết tạo ra những nét ẩm thực độc đáo để phục vụ bữa ăn cho chính mình; ngày nay, những nét ẩm thực độc đáo ấy đang từng bước được nâng cao lên qua các hội thi ẩm thực các cấp (từ xóm bản đến cấp huyện).
Đó là nét đẹp trong bữa ăn được tạo ra từ những món ăn truyền thống của dân tộc! Nét đẹp rất mới mẻ đó đã thể hiện tính văn hóa chân thật nhất của một cộng đồng đang từng ngày vươn lên trên nền tảng văn hóa mới được Đảng và Nhà nước ta vạch ra!