Ôm hình hài đứa con trai yêu quý gói gọn trong lá cờ Tổ quốc, mẹ Tân nghẹn ngào: "Mẹ đợi được con rồi. Răng không đưa em về với mẹ?". Một người con của mẹ vẫn chưa về...
Nỗi đau của mẹ
Chúng tôi đến thăm mẹ Việt Nam anh hùng Nguyễn Thị Tân (còn gọi là mẹ Lự, xã Tân Sơn, Đô Lương, Nghệ An) vào một ngày đầu năm. Xuân này, mẹ tròn 110 tuổi. Cú ngã 2 năm trước khiến mẹ bị thương nặng ở chân, không thể đi lại được.
Mẹ Việt Nam anh hùng Nguyễn Thị Tân năm nay bước sang tuổi thứ 110. Mẹ có 2 người con hi sinh trong kháng chiến chống Mỹ cứu nước.
Mẹ nằm trên giường, trùm chăn kín mít. Người già thường sống bằng ký ức. Có những phần ký ức đã bị xóa mờ bởi tuổi tác và thời gian, nhưng ký ức về hai đứa con trai yêu quý ra đi vì nghĩa lớn vẫn luôn thường trực trong mẹ.
Năm 1967, mẹ tiễn người con trai cả Nguyễn Tất Tân (SN 1942) vào chiến trường B. Một năm sau, người con trai thứ 3 Nguyễn Tất Văn (SN 1951) tòng quân nhập ngũ ở cái tuổi 17.
Chiến tranh kết thúc, mẹ đợi mãi không thấy các anh về. "Chắc chúng nó lạc đơn vị hay bị thương, đang an dưỡng ở đâu đó thôi!", mẹ tự động viên mình và chờ đợi. Nhưng rồi, niềm hi vọng đó mãi mãi không trở thành sự thật...
Người em trai Nguyễn Tất Chương luôn đau đáu nỗi niềm tìm và đưa các anh về với mẹ.
"Năm 1969, vào dịp gần Tết như thế này, năm đó trời rét lắm, chỉ trong vòng 1 tháng, mẹ tôi nhận được giấy báo tử của anh Tân và anh Văn. Hai anh hi sinh chỉ cách nhau có 2 ngày. Thời gian đó mẹ tôi như hóa điên vì nỗi đau quá lớn.
Có những lần đi làm đồng, mẹ ngất ngay ngoài bờ ruộng. Phải đến 2 năm sau mẹ dần bình tĩnh lại và chấp nhận sự thật các anh không thể trở về được nữa", ông Nguyễn Tất Chương (SN 1954) người con trai út, hiện đang chăm sóc, phụng dưỡng mẹ, nhớ lại.
Năm 2014, Chủ tịch Nước Trương Tấn Sang đã ký quyết định phong tặng danh hiệu Bà Mẹ Việt Nam anh hùng cho mẹ Nguyễn Thị Tân vì những cống hiến, hi sinh cho sự nghiệp giải phóng dân tộc, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.
Kỷ vật còn lại duy nhất của người con trai cả Nguyễn Tất Tân là bức ảnh anh chụp trong thời gian tham gia một bộ phim về đất mỏ. Sau nhiều năm cất công tìm kiếm, hiện gia đình vẫn chưa tìm thấy bộ phim này.
Suốt hơn 50 năm trôi qua, mẹ vẫn đau đáu tâm nguyện tìm và đưa các con trở về. Nhưng tờ giấy báo tử chỉ vỏn vẹn một câu "hi sinh ở mặt trận phía Nam", mẹ biết nơi đâu mà tìm?
Sau nửa thế kỷ, mẹ đón con về
Thực hiện tâm nguyện của mẹ, các con, cháu dốc sức tìm kiếm hài cốt liệt sĩ Nguyễn Tất Tân, Nguyễn Tất Văn nhưng không có kết quả. Giữa năm 2019, tình cờ cháu gái của mẹ thấy một trang facebook có đăng tải thông tin về tấm bia mộ mang tên Nguyễn Nhật Tân, SN 1942, quê xã Tân Sơn, Đô Lương, Nghệ An. Theo thông tin của người đăng tải thì phần mộ liệt sĩ Nguyễn Nhật Tân được an táng tại Nghĩa trang liệt sĩ Châu Thành (Tây Ninh).
Mẹ Tân òa khóc khi được ôm đứa con xa nhà đi chiến đấu đã nửa thế kỷ gói trong lá cờ Tổ quốc (ảnh gia đình cung cấp).
"Chúng tôi lên huyện xin rà soát thì thấy trong danh sách liệt sĩ của xã Tân Sơn không có ai tên là Nguyễn Nhật Tân. Mẹ tôi kể lại, anh Tân có năng khiếu văn nghệ, trước khi nhập ngũ có tham gia đoàn kịch của ngành than ở Quảng Ninh và có lấy nghệ danh Nhật Tân. Có thể khi vào quân ngũ, anh thường lấy tên này nên khi hi sinh, đồng đội đã an táng và lập bia mộ mang tên Nguyễn Nhật Tân", ông Chương kể.
Ông Nguyễn Như Ý - Chủ tịch UBND xã Tân Sơn: "Hiện mẹ Tân đang được gia đình người con trai út chăm sóc. Ngoài ra, có 2 đơn vị trong tỉnh cũng nhận phụng dưỡng mẹ. Với truyền thống Uống nước nhớ nguồn, chính quyền địa phương và các tổ chức chính trị xã hội thường xuyên thăm hỏi; vào những dịp lễ, Tết đều có những phần quà động viên, tri ân Mẹ".
Sau 3 tháng khớp nối thông tin từ nhiều nguồn, nhiều đơn vị, gia đình ông Chương càng có cơ sở để khẳng định hài cốt được an táng dưới tên Nguyễn Nhật Tân chính là liệt sĩ Nguyễn Tất Tân.
Tháng 11/2019, ông Chương cùng các con vào nghĩa trang, xin đặt lại tấm bia về đúng tên thật của liệt sĩ cùng lời hứa sớm đưa anh về với mẹ!
Tháng 9/2020, sau nhiều thủ tục, hài cốt liệt sĩ Nguyễn Tất Tân được người thân cất bốc và đưa về quê nhà. Ngày đưa anh về, mẹ như khỏe hẳn ra. Đón nhận hài cốt người con trai thân yêu được bọc trong lá cờ Tổ quốc, đôi tay mẹ run run. Mẹ ôm anh vào lòng, như thủa anh vừa mới chào đời. Mẹ khóc, tiếng khóc như tắc nghẹn không thể bật ra ngoài, chỉ có nước mắt chảy tràn gò má đã hõm sâu...
Tấm bia mộ mang tên Nguyễn Nhật Tân được gia đình mang về đặt lên bàn thờ. Theo người em trai Nguyễn Tất Chương, sở dĩ bia mộ có tên Nhật Tân là do người anh yêu nghệ thuật của mình chọn khi điền tên đi lính.
"Tân ơi, mẹ đợi được con về rồi. Răng không đưa em Văn về với mẹ con ơi", mẹ khóc, nỗi đau chiến tranh chưa từng liền sẹo lại buốt nhói.
Hàng xóm láng giềng đến thăm, đứng chật cả sân, chia sẻ với mẹ niềm vui đoàn tụ đứa con cách biệt ngót nửa thế kỷ mà nước mắt giàn giụa. Anh đã về đây, với mẹ già, với các em, với hàng xóm thân thuộc sau hơn 50 năm...
Đón người con trai cả trở về nhưng niềm vui của mẹ chưa trọn vẹn. Khi có khách, mẹ khó nhọc mở đôi mắt đã mờ đục ra, hỏi "Thằng Văn về hử?". Ông Chương đỡ lời "Các cháu đến thăm mẹ đây. Anh Văn còn chưa về". Khuôn mặt mẹ chùng xuống: "Đưa thằng Văn về cho mẹ. Hắn đi lâu quá rồi...".
Suốt hơn nửa thế kỷ qua mẹ luôn mong ngóng hai đứa con trai trở về, nay ước nguyện mới hoàn thành được một nửa. Mỗi khi có khách đến chơi, mẹ lại hướng đôi mắt mờ đục, hai mí tựa hồ dính vào nhau rồi hỏi "Thằng Văn về đó rồi à?"
"Mẹ nhớ các anh, mẹ khóc, bảo tìm anh Văn đưa về cho mẹ, tôi cũng đứt từng khúc ruột. Thông qua thông tin do đồng đội cũ của anh cung cấp thì anh Văn chiến đấu, hi sinh ở Quảng Trị. Sau này, qua nhiều năm, khu vực an táng bị sạt lở, các liệt sĩ được di dời đến khu vực an táng mới. Chúng tôi cũng đã tìm nhiều nghĩa trang nhưng chưa thể giúp mẹ thỏa được ước nguyện", người em trai nghẹn ngào.
Mẹ dặn vợ chồng người con út Tết này gói thêm bánh chưng để "anh mày về còn ăn". Mẹ vẫn thường trực niềm tin con mẹ sẽ trở về, dẫu hơn nửa thế kỷ đã trôi qua. Ở cái tuổi xưa nay hiếm, mẹ có thể quên nhiều thứ nhưng làm sao quên được núm ruột của mình. Mẹ còn bao nhiêu năm nữa để chờ đợi...