Chứng kiến con gái mới đẻ 10 ngày phải xách xô nước lau nhà, tôi chạy lại đỡ, không ngờ bà thông gia nói một câu như xát muối vào lòng.
Tôi năm nay 56 tuổi, mới nghỉ hưu được 2 năm. Trước đây tôi làm giáo viên tiểu học. Công việc không quá áp lực nhưng do sức khỏe yếu, tôi xin nghỉ sớm.
Từ ngày ở nhà, tôi quanh quẩn với bữa cơm, trồng cây, chăm hoa. Cuộc sống êm đềm. Hai vợ chồng sinh được 1 trai, 1 gái. Các cháu đều lên Hà Nội lập nghiệp, xây dựng gia đình.
Ảnh: B.N
Con gái tôi học hành giỏi giang, ra trường được cơ quan nhà nước tuyển dụng ngay. Cháu quen biết và yêu con trai một chủ doanh nghiệp lớn.
Gia đình tôi không giàu có nhưng cũng không đến mức nghèo, thiếu thốn. Tuy vậy, khi con giới thiệu bạn trai và gia cảnh bên đó, tôi cũng nhiều đắn đo.
Mặc dù gia đình họ giàu có, nhà đẹp, xe sang, tiền bạc dư thừa nhưng tôi lo lắng sợ con gái không thích ứng được với cuộc sống đó. Người làm kinh doanh bao giờ cũng sắc sảo, liệu họ có yêu thương, cảm thông con gái tôi không?
Lòng mẹ bao giờ cũng thương con. Tôi nghĩ cảnh con lấy chồng, phải khổ sở, nhịn nhục ở nhà chồng là đã ứa nước mắt.
Thế nhưng, hai đứa quyết tâm lấy nhau, tôi đành phải đồng ý. Tháng đầu, tôi gọi cho con gái liên tục, hỏi han xem cuộc sống ra sao. Lúc nào con cũng bảo vui vẻ, hạnh phúc, được bố mẹ chồng quan tâm.
Tôi cũng tạm yên lòng. Cho đến ngày tôi lên chăm cháu ngoại, tôi mới biết, lâu nay, con giấu mẹ, chịu cay đắng mà không dám kể.
Bà thông gia sống hà khắc với người giúp việc và con dâu. Bất kể việc gì không hài lòng bà cũng rủa xả nặng nề.
Con tôi thuê một bác về hỗ trợ bế em bé, giặt giũ tã lót hàng ngày… tức là chỉ chăm em bé, không phải nấu cơm và làm các việc khác.
Đây là điều khoản ghi rõ trong hợp đồng lao động ký với bên trung tâm cung ứng nhân sự.
Tuy nhiên, bác vẫn tự nguyện nấu nướng, dọn dẹp nhà cửa cho cả nhà. Bà thông gia nhà tôi vẫn không hài lòng, mắng nhiếc bác lười nhác, ôm thằng bé cả ngày để trốn việc.
Nhà có máy hút bụi, robot lau nhà nhưng bà thông gia bắt phải lau bằng khăn ướt trước, rồi mới dùng đến thiết bị. Theo bà, vệ sinh như vậy mới đảm bảo sạch sẽ.
Bác giúp việc không chịu hành xử của bà chủ nên xin nghỉ.
Con tôi mới đẻ em bé được 10 ngày, phải tự giặt giũ cho em bé, pha sữa, lau dọn nhà cửa.
Tôi lên đến cửa, chứng kiến con xách xô nước, hì hục lau nhà, vội chạy đến đỡ tay, giục con đi nằm, “Cố nằm nhiều con ạ, kẻo sau này đau lưng. Gia đình có điều kiện, thuê người về làm, việc gì phải khổ thế”
Tôi nói chưa dứt câu, bà thông gia từ cầu thang bước xuống: “Bà bảo ai khổ? Con bà về đây sướng hơn người, tiền bạc không phải lo nghĩ gì. Thi thoảng, lau dọn cái nhà nhẹ nhàng chẳng ảnh hưởng gì đến sức khỏe. Bà sợ con khổ, ở lại đây mà làm osin”.
Những lời nói xúc phạm của bà ấy như xát muối vào lòng tôi. Từ ngày bàn bạc, lo chuyện cưới xin, tôi cũng biết thông gia ghê gớm. Thái độ tỏ ra nền nã nhưng lời nói đanh, như thể xiên vào tai người khác. Nhưng tôi đâu nghĩ, bà thông gia sống cay nghiệt đến thế.
Tôi ức nghẹn, định phản ứng lại, con gái vội kéo vào phòng. Con khóc, xin tôi đừng để bụng. Mẹ chồng hay chì chiết, bù lại con rể tôi thương vợ. Con rể tôi hứa, đợi thằng bé 1 tuổi, sẽ dọn ra ở riêng.
Tôi cố gắng nhẫn nhịn, ở lại cơm nước cho con 1 tuần. Suốt thời gian ở đó, bà thông gia tỏ thái độ khó chịu, không mở miệng nói 1 câu nào. Thức ăn tôi nấu, bà ngúng nguẩy, gắp vài miếng rồi đổ.
Dẫu biết, đây là sự lựa chọn của con gái tôi, sướng khổ cháu tự chịu nhưng nhìn con bị đối xử như vậy, tôi không đành.
Thời kỳ trong cữ, phụ nữ yếu đuối, càng phải chăm bẵm, quan tâm. Tôi lo tiếp tục sống trong tình cảnh đó, con gái mình mắc bệnh trầm cảm.
Tôi dự định, cháu ngoại đầy tháng, sẽ xin phép đón hai mẹ con về dưới quê chăm hết 6 tháng. Sau đó, bán mảnh đất, mua cho con gái căn hộ nhỏ. Để vợ chồng cháu ra ở riêng, còn mình lên bế cháu ngoại.
Theo mọi người, tôi làm vậy có ổn thỏa không? Tôi nên ứng xử, nói sao cho khéo để ông bà thông gia đồng ý. Xin hãy cho tôi lời khuyên!
Độc giả Cẩm Mai (Nam Định)
Độc giả Cẩm Mai (Nam Định)