Đó là tình trạng xảy ra ở thôn Đông Lam, xã Phú Lộc, huyện Can Lộc (Hà Tĩnh) khiến nhiều nông dân bức xúc vì lúa đã chín rộ hàng chục ngày qua.
 
Mặt khác, cộng với thiên tai khiến cho lúa đổ sạp xuống đất, nhiều diện tích ngập trong nước nhưng vẫn chưa thể thu hoạch được. Người dân đã phản ánh đến chính quyền địa phương nhưng vẫn chưa được giải quyết, cực chẳng đã họ phải cầu cứu trên mạng xã hội.
 
 
Lúa chín vàng ươm bị đổ sạp sau cơn mưa, không thể thu hoạch vì không có máy gặt
 
Ghi nhận tại cánh đồng thôn Đông Lam (trước là thôn Trung Đông), xã Phú Lộc vào chiều 16/5, PV chứng kiến cảnh hàng chục hộ dân đứng ngồi không yên trước thực trạng lúa đã chín vàng rộ hàng chục ngày qua, trong đó đa số đều đổ rạp dưới đất sau mưa lớn.
 
Theo người dân địa phương, họ đã liên hệ thuê máy gặt nhưng được trả lời là không dám về làm. Thậm chí, có chủ máy gặt gần đó muốn giúp bà con làm trong đêm nhưng bị 1 người “bao máy gặt” ở vùng này không cho làm?
 
Do lo sợ lúa bị hỏng nên nhiều hộ buộc phải huy động người thân hoặc thuê thêm người tới gặt bằng tay với giá 250.000 đồng/người/ngày. Tuy nhiên, họ gặp rất nhiều khó khăn do lúa bị đổ nhiều nên tốc độ thu hoạch rất chậm.
 
 
Nhiều diện tích lúa chín đổ sạp chìm trong nước
 
Ông Nguyễn Sỹ Oanh (73 tuổi, ở thôn Đông Lam) cho biết, vụ này gia đình ông gieo sạ 3,7 sào. Từ khoảng 15 ngày qua, khi mùa thu hoạch bắt đầu, do gặp mưa giông nên lúa bị ngã rạp. Lo sợ hạt lúa giảm chất lượng, gia đình ông cùng các hộ dân khác tìm người thuê máy gặt lúa nhưng đến ngày 16/5 vẫn chưa có máy, do năm nay có dịch COVID-19 nên ít máy gặt về.
 
“Lúa đã chín vàng, ngã đổ quá nhiều nhưng năm nay cả vùng chỉ có khoảng 2 máy. Do họ đang đi gặt vùng khác nên tôi chờ đỏ mắt mà không biết khi nào mới quay lại. Gia đình tôi chỉ có hai ông bà đã nhiều tuổi cũng không thể cắt lúa bằng tay được. Còn thuê người gặt tay thì phải trả 250.000 đồng/người mỗi ngày”, ông Oanh nói.
 
 
Dù lúa chín đã lâu nhưng vợ chồng ông O. năm nay 73 tuổi không thể ra đồng gặt lúa
 
Còn ông Nguyễn Sỹ Q. năm nay 63 tuổi (ở thôn Đông Lam) có gần 6 sào lúa chín khô cũng bị đổ sạp nhưng chưa có máy gặt đến thu hoạch. Theo ông Q., ruộng lúa ở xóm Đông Lam mà gia đình ông cùng nhiều nông dân đang canh tác nếu có máy gặt thì lúa đã được phơi khô cất lâu rồi.
 
“Nhìn lúa chín bị đổ rạp dưới đất có nguy cơ hư hỏng, ai cũng nôn nóng muốn thu hoạch cho xong, nhưng do cả xã chỉ có vài máy được đưa từ các tỉnh trong miền Nam về nên vùng lúa này gần như vẫn còn nguyên chưa thể thu hoạch. Thấy vậy, chúng tôi đi kêu máy gặt ở nơi khác thì có người không cho máy vùng khác về”, ông Q. bức xúc.
 
 
Vì sợ hư hỏng, cụ ông năm nay 73 tuổi cùng con gái phải ra đồng gặt lúa bằng tay
 
 
Nhiều gia đình không thể kiên nhẫn chờ máy, buộc phải ra đồng gặt tay để mang lúa về
 
Trao đổi với PV, ông Nguyễn Xuân Chương, Chủ tịch UBND xã Phú Lộc thừa nhận, tôi có nắm được những khó khăn của người dân. Để tháo gỡ giúp đỡ người dân, ông Chương cho rằng hiện tại cũng không có giải pháp bởi chủ máy gặt làm tự do.
 
Trước thông tin cho rằng có một số đối tượng không cho máy vùng khác đến làm, ông Chương khẳng định không có chuyện bảo kê. Ông Chương cũng bảo đó là đồn thổi.
 
“Theo chỉ đạo của huyện Can Lộc xã đã thông báo giá máy gặt là 120.000 đồng/sào, nhưng có một số người đáng lẽ ra có 2 sào lại khai có 1 sào nên chủ máy "ghét", nên họ bỏ đi”, ông Chương giải thích.
 
 
Chủ tịch UBND xã Phú Lộc cho rằng, do người dân khai diện tích không trung thực, chủ máy ghét nên họ bỏ đi
 
Liên hệ qua điện thoại, ông Lê Vạn Giáo, Trưởng Công an xã Phú Lộc cho rằng, ở địa phương đang có 5 máy gặt đang hoạt động nhưng không đáp ứng đủ nhu cầu của nhân dân.
 
“Hiện tại tôi đang ở ngoài đồng để nắm tình hình, còn tình trạng bảo kê thì tôi có biết. Lúa đang rất cần gặt, nên tôi có dặn người dân là ai gọi được máy gặt về thì cứ gọi. Nếu trong quá trình gặt có đối tượng nào đến phá phách thì cứ gọi trực tiếp cho tôi”, ông Giáo nói.
 
Về thông tin người dân cho rằng có gọi máy ở một số nơi khác về nhưng chủ máy không dám về, ông Lê Vạn Giáo trả lời: “Họ làm việc với nhau thì tôi không rõ. Việc đe dọa hay không đe dọa thì chúng tôi cũng không có căn cứ. Chỉ khi máy họ về trực tiếp mà có người xuống ngăn cấm thì mới có căn cứ để xử lý”.
 
 
Người dân trực tiếp phản ánh đến Trưởng Công an xã Phú Lộc về tình trạng bảo kê máy gặt
 
Trong vai một người dân rất cần máy gặt để thu hoạch hơn chục mẫu lúa ở thôn Đông Lam, PV liên hệ với ông B. (tạm đặt tên là B – chủ máy bị đuổi). Qua điện thoại, ông B. cho biết, hiện tại mình đang còn 1 cánh đồng đang gặt chưa xong. Còn trước đó, tôi có nói hỗ trợ bà con gặt lúa vào ban đêm nhưng khi đưa máy vào làm thì họ (người bảo kê) đuổi ra nên tôi đi.
 
 
Trưởng Công an xã Phú Lộc gọi trực tiếp cho chủ máy gặt bị đuổi và bật loa ngoài cho mọi người cùng nghe
 
Ngay sau đó, ông Lê Vạn Giáo, Trưởng Công an xã Phú Lộc lập tức gọi cho ông B. để xác minh sự việc. Khi trao đổi với ông B., ông Giáo bật loa ngoài để mọi người cùng nghe. Theo thông tin từ cuộc điện thoại, ông B. cũng khẳng định trước đó có giúp bà con vùng gặt lúa vào ban đêm nhưng có một người đàn ông tên Chung lại nói đưa máy lên, sau đó ông B. đưa máy về.
 
Một số hình ảnh tại cánh đồng thôn Đông Lam:
 
 
 
 
 
 
 
 
Một người dân dùng xe máy kéo lúa về nhà
 
Liên quan đến tình trạng bảo kê máy gặt trên địa bàn tỉnh, trao đổi với báo chí, ông Hoàng Trung Dũng, Bí thư Tỉnh ủy Hà Tĩnh cũng đã yêu cầu các địa phương, lực lượng chức năng, đặc biệt là công an các xã, phường, tăng cường kiểm tra, kiểm soát.
 
Bí thư Tỉnh ủy Hà Tĩnh yêu cầu xử lý nghiêm khắc đối với các đối tượng xem thường pháp luật, xem thường kỷ cương phép nước, ngang nhiên trục lợi mồ hôi công sức của người dân, bằng việc bảo kê máy gặt, qua đó góp phần bảo vệ quyền lợi và tài sản cho nhân dân./.