Chiều ngày 17/7, Uỷ ban MTTQ tỉnh Nghệ An và Ngân hàng CSXH Chi nhánh Nghệ An đã ký kết chương trình phối hợp.
Mục đích của chương trình phối hợp nhằm, cụ thể hóa các nhiệm vụ, giải pháp giữa Ban Thường trực UBTƯ MTTQ Việt Nam và NHCSXH; Tuyên truyền, phổ biến các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước về tín dụng chính sách xã hội; Huy động các nguồn lực cho Quỹ "Vì người nghèo” và bổ sung nguồn vốn cho Chi nhánh NHCSXH; Tăng cường vai trò, hiệu quả giám sát, phản biện xã hội của Mặt trận và các tổ chức chính trị - xã hội…
Để thực hiện tốt các nhiệm vụ đó, MTTQ tỉnh Nghệ An cần tổ chức, triển khai các chương trình giám sát, phản biện về thực hiện các mục tiêu giảm nghèo bền vững, đảm bảo an sinh xã hội và tín dụng chính sách xã hội trên địa bàn.
Bên cạnh đó, tổ chức hướng dẫn MTTQ các cấp, các tổ chức chính trị - xã hội cấp huyện để hỗ trợ, bảo đảm quyền được tiếp cận chính sách đối với các đối tượng của tổ chức mình, cũng như giám sát người được vay vốn của NHCSXH…
Ngoài ra, đưa nội dung giám sát hoạt động tín dụng chính sách xã hội trên địa bàn vào Chương trình giám sát, phản biện xã hội của Ủy ban MTTQ và các tổ chức chính trị - xã hội các cấp hằng năm
Riêng chi nhánh Ngân hàng Chính sách xã hội tỉnh có nhiệm vụ cung cấp thông tin, phối hợp, chủ động đề xuất liên quan tới hoạt động tín dụng chính sách xã hội cho Ban Thường trực Ủy ban MTTQ tỉnh để triển khai các hoạt động giám sát, phản biện xã hội và tuyên truyền đến các tầng lớp nhân dân.
Tại buổi ký kết, nhiều ý kiến đánh giá cao về việc ký kết phối hợp, tuy nhiên cần đảm bảo công tác phối hợp cần hiệu quả như kiến nghị của cử tri về việc vay vốn, số liệu người nghèo vay vốn, có thành viên ban đại diện thuộc hai đơn vị… Ngoài ra, phải xây dựng phần mềm số hoá, giao lưu, kết nối các nội dung tuyên tuyền giữa hai đơn vị trên các nền tảng xã hội như Facebook, Zalo…
Phát biểu tại buổi ký kết, bà Võ Thị Minh Sinh, Chủ tịch Uỷ ban MTTQ tỉnh Nghệ An nhấn mạnh, ngoài các nội dung hai bên đã thống nhất bằng văn bản, thông qua buổi ký kết này cả hai đơn vị đưa ra bàn bạc các vấn đề khác như quan tâm, thống nhất, gợi mở thêm những vấn đề phối hợp trong chuyên môn, kể cả việc mở tài khoản tại ngân hàng chính sách…nhằm đưa ra những quyết sách phù hợp, có lợi cho người nghèo trong việc tiếp cận nguồn vốn từ ngân hàng.
“Ngoài ra, thông qua việc phối hợp này chúng ta cũng cần nắm rõ, thống nhất dữ liệu về người nghèo trong việc vay vốn. Bởi, ngân hàng có hệ thống lưu trữ về hộ nghèo khi vay vốn, họ đã thoát nghèo như thế nào, bởi đến nay những hộ có nhu cầu, mong muốn thoát nghèo chưa có dữ liệu thống nhất cụ thể. Do đó, cần có dữ liệu để có chiến lực lâu dài, bền bỉ, trên cơ sở đó giúp Mặt trận có thêm số liệu để trao “tư duy” thoát nghèo cho người nghèo”, bà Sinh nhấn mạnh.
Theo Điền Bắc - daidoanket.vn