Những cuộc tấn công mạng vừa xảy ra thời gian gần đây tại Mỹ như vụ xâm nhập hệ thống máy tính của nhà vận hành đường ống dẫn nhiên liệu Colonial Pipeline, tập đoàn cung ứng thịt JBS... rồi tống tiền cho thấy, vấn nạn tấn công mạng thời hiện đại đang ảnh hưởng tới tất cả người dân Mỹ.
Đây là một trong những nhận định được Giám đốc Cục Điều tra Liên bang Mỹ (FBI) Christopher Wray đưa ra trong cuộc phỏng vấn với báo Wall Street Journal, nội dung của cuộc trò chuyện được đăng tải vào ngày 4/6.
Trong đó, ông Wray một lần nữa cáo buộc, vụ tấn công mạng mới nhất trên quy mô lớn nhằm vào tập đoàn JBS là một vụ tấn công mã độc tống tiền có liên quan tới Nga. Vụ việc này đã ảnh hưởng tới rất nhiều nhà máy của JBS không chỉ ở Mỹ mà còn ở Australia, Canada khiến giá thịt tăng cao.
Người đứng đầuFBI tiết lộ, ngoài vụ tấn công JBS, FBI đang điều tra khoảng 100 vụ tấn công bằng mã độc tống tiền khác trong đó có rất nhiều vụ có dấu hiệu liên quan đến những tin tặc ở Nga.
Theo ông Wray, những vụ tấn công mạng kiểu này đặt ra thách thức nghiêm trọng như những vụ tấn công mạng khủng bố ngày 11/9. Vì vậy, từng người dân Mỹ đang phải chịu tác động rõ rệt ngay trong đời sống sinh hoạt thường ngày như đi mua xăng, mua bánh hamburger...
Vì vậy, ngăn chặn tấn công mạng là trách nhiệm chung của không chỉ các cơ quan trong chính phủ mà còn ở lĩnh vực tư nhân, vị quan chức an ninh Mỹ nhấn mạnh.
Đảm bảo an ninh mạng đang trở thành nhiệm vụ cấp thiết hơn bao giờ hết khi thế giới bước vào giai đoạn công nghiệp 4.0, tập trung vào công nghệ kỹ thuật số, sử dụng kết nối "Internet vạn vật", truy cập dữ liệu thời gian thực và sử dụng các hệ thống vật lý trên không gian mạng.
Cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 đang tạo ra những khả năng sản xuất hoàn toàn mới và có tác động sâu sắc đến đời sống kinh tế, chính trị, xã hội của không chỉ những nước đã phát triển như Mỹ, Anh, Pháp... mà còn toàn thế giới.
Mã độc tống tiền là một chương trình độc hại máy tính, chúng có thể xâm nhập và mã hóa toàn bộ hồ sơ tài liệu trong một hoặc nhiều hệ thống mạng máy tính khiến nạn nhân (chủ của máy tính) không thể tiếp cận và sử dụng. Nếu muốn vô hiệu hóa mã độc, nạn nhân phải trả tiền cho tin tặc qua hình thức tiền ảo.