Đợt bùng phát dịch lần thứ 4 diễn ra từ đầu năm 2021 làm nhiều tỉnh, thành phía Nam nằm trong diện kiểm soát chặt chẽ về phòng, chống dịch. Điều này đã khiến các DN gặp khó khăn vì đứt gãy chuỗi cung ứng, tốn nhiều chi phí để vừa sản xuất, vừa chống dịch.
Bức tranh DN nhiều gam màu ảm đạm
Bà Vũ Thị Thuận, nguyên Chủ tịch HĐQT, Tổng Giám đốc Traphaco cho hay, khó khăn tựu chung nhất của DN chính là sức mua của người dân giảm nhiều do nhiều địa phương thực hiện giãn cách, việc đi lại khó khăn và người dân chỉ sử dụng những dịch vụ, sản phẩm thiết yếu. “Bên cạnh khó khăn về doanh thu, chi phí sản xuất, phân phối của DN trong dịp này là rất lớn khi phải thực hiện sản xuất “3 tại chỗ”, phí xét nghiệm cho lái xe, cho người lao động... Chi phí tăng trong khi doanh thu giảm là điều khiến nhiều DN như Traphaco đang phải đối mặt”, bà Thuận cho biết.
Đề cập về lĩnh vực tài chính, ông Nguyễn Trí Hiếu - Chuyên gia tài chính thừa nhận, do ảnh hưởng của Covid-19 nên chỉ trong 7 tháng năm 2021, gần 80.000 DN đã phải rời bỏ thị trường. Từ nay đến hết năm, nếu Việt Nam có thể kiểm soát được dịch bệnh và phục hồi kinh tế, số lượng phá sản cũng phải lên tới con số trên 100.000 DN.
“Hiện mỗi tháng có khoảng 10.000 DN phá sản. Trường hợp nếu không kiểm soát được dịch bệnh, sẽ có khoảng 150.000 DN phá sản trong năm nay, nguyên nhân chính là do DN bị mất tính thanh khoản, mất khả năng chi trả. Tiền bạc với DN giống như máu trong bộ máy tuần hoàn cơ thể con người. Thiếu tiền bạc, mất thanh khoản giống như cơ thể mất máu dần và dẫn đến cái “chết” của DN. Một DN mất thanh khoản cũng sẽ kéo theo các đối tác của họ không thu xếp được dòng tiền và mất thanh khoản theo sau đó”, ông Hiếu phân tích.
Ngoài ra với hàng tồn kho, ông Hiếu cho hay, giao thông bị ngăn trở, sức cầu của nền kinh tế thấp trong khi nguồn cung có sẵn và đang dư thừa như nông sản ở ĐBSCL khiến DN dù có nguồn hàng hóa cũng không thể có dòng tiền để lưu thông.
DN không thể ngồi yên chịu trận
Các chuyên gia cho rằng, để vượt qua khủng hoảng, vượt khó qua dịch bệnh Covid-19 hiện nay, ngoài các giải pháp hỗ trợ của Chính phủ, các DN buộc phải đối mặt và xây dựng lại nội lực bằng ứng dụng công nghệ, cắt giảm chi phí và thay đổi chiến lược để phục hồi.
Bà Vũ Thị Thuận cho hay, DN luôn trên tinh thần tích cực phòng, chống dịch để duy trì sản xuất. Trong lúc này, ứng dụng công nghệ số, chuyển đổi hình thức làm việc và phương pháp quản trị là điều DN phải áp dụng nhanh, biến khó khăn thành thách thức để vượt qua.
“Bản thân DN phải xem lại toàn bộ quy trình làm việc cũng như các bộ phận của mình. Dịch gây khó khăn nhưng cũng là cơ hội để doanh nghiệp cải tiến, có những sáng kiến để hoạt động hiệu quả hơn, tiết kiệm hơn, tăng năng suất lao động; cắt giảm chi phí không cần thiết để ứng dụng cho công nghệ”, bà Thuận nói.
Để ứng phó sau khi dịch bệnh phục hồi, ông Nguyễn Trí Hiếu cho rằng, với DN nên có một kế hoạch về chiến lược phát triển, kế hoạch tài chính dưới những giả định về dịch bệnh khác nhau và phải được thực hiện ngay từ bây giờ. “DN không thể ngồi yên chịu trận trước tác động của dịch bệnh nên cần có kế hoạch về bán hàng ra sao, cách tiếp cận thế nào? Như bất động sản có thể tạo một kênh giới thiệu, bán hàng ảo và dẫn khách hàng đi xem qua công nghệ…”, ông Hiếu đơn cử.
Thực tế hơn về các giải pháp thiết thực cho DN trong bối cảnh hiện nay, khi hoạt động giao thương hàng hóa nhiều nơi bị ách tắc, ông Mạc Quốc Anh, Phó Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp vừa và nhỏ TP Hà Nội (Hanoisme) kiến nghị cần có biện pháp mạnh giúp DN lưu thông hàng hóa. Bởi hiện nay, nhiều đối tác nước ngoài đã dừng giao thương với Việt Nam vì những lý do dịch bệnh và hàng hóa ứ đọng, sản xuất đình trệ.
“Với DN khó khăn nhất là không bán được hàng. DN sản xuất ra hàng hóa mà không lưu thông được thì DN không có dòng tiền, tài chính không thông suốt. Do đó khu vực nào đã khoanh vùng hoặc tạo được vùng xanh, nhà nước có thể cân nhắc cho giao thương bình thường để hàng hóa được lưu thông”, ông Mạc Quốc Anh đề xuất.
Về lâu dài, ông Mạc Quốc Anh đề xuất cần tiếp tục có cơ chế miễn giảm tiền thuê đất, thuế thu nhập DN và tạo điều kiện cho DN tiếp cận nguồn tài chính để phục vụ kinh doanh cũng như cho phép DN giãn nợ năm 2021-2022. Đặc biệt, chính phủ có thể hỗ trợ DN các chi phí chống dịch như xét nghiệm, phun khử khuẩn; sớm triển khai tiêm vaccine cho người lao động, nhất là các DN triển khai vận chuyển, sản xuất bán hàng trực tiếp cho người lao động.
“Các chính sách phải dài hơi hơn, các chính sách về giãn hoãn, tạo thị trường cần sớm thực hiện mới tạo sự liên kết mạnh mẽ trong chính sách hỗ trợ để DN vực dậy”, ông Mạc Quốc Anh nói./.