Vốn hóa toàn thị trường tiền số hôm 13/6 lần đầu tiên ghi nhận mức giảm xuống dưới 1.000 tỷ USD tính từ tháng 1/2021. Đến 1h00 sáng 16/6 theo giờ Việt Nam, vốn hóa thị trường tiền số chính thức xuống dưới mức 900 tỷ USD. 

f-1655379760.PNG
Vốn hóa toàn thị trường tiền số xuống dưới 900 tỷ USD

Vốn hóa thị trường tiền số từng ghi nhận mức đỉnh 2.900 tỷ USD vào tháng 11/ 2021, từ đó đến này liên tiếp giảm sâu. Chỉ tính riêng 2 tháng qua, vốn hóa tiền số tiếp tục mất thêm 1000 tỷ USD, nguyên nhân được cho là các nhà đầu tư ổ ạt từ bỏ các tài sản rủi ro khi thị trường phải đối mặt với lạm phát cao và lo ngại rằng, việc tăng lãi suất của các ngân hàng trung ương sẽ cản trở tăng trưởng.

Đồng Bitcoin được cho là dẫn dầu xu thế tiền số cũng giảm mạnh, xuống mức thấp nhất trong 18 tháng là 21.250 USD trong ngày 15/6, mức giảm khoảng 55% kể từ đầu năm cho đến nay. Bên cạnh đó, đồng giá trị thứ 2 trên thị trường, Ether cũng giảm hơn 15% xuống còn 1.210 USD.

Nguyên nhân dẫn đến sự sụt giảm là do công ty cho vay tiền số nổi tiếng Celsius đã tạm dừng việc rút tiền và hoán đổi sản phẩm, với lý do "điều kiện thị trường khắc nghiệt" trong bối cảnh thị trường tiền số đến thời điểm suy thoái

Susannah Streeter, nhà phân tích thị trường và đầu tư cao cấp tại Hargreaves Lansdown cho biết: “Lạm phát đã phức tạp hơn dự đoán, Bitcoin và Ether đang tiếp tục bị tổn thương nghiêm trọng”.

"Các nhà đầu tư tiền số là nạn nhân hàng đầu của cuộc chạy trốn khỏi các tài sản rủi ro khi họ lo lắng về việc giá tiêu dùng trên toàn thế giới đang tăng lên", Susannah Streeter nhấn mạnh thêm.

Kể từ thời điểm đạt đỉnh vào tháng 11/2021, thị trường đã chứng kiến nhiều phiên giảm mạnh. Trong đó, cú trượt giá ghi nhận vào đầu tháng 12/2021, khi vốn hóa toàn thị trường từ mức 2.600 tỷ USD đã trượt dài mất gần 500 tỷ USD chỉ trong vòng 10 ngày, nhưng sau đó đã nhanh chóng hồi lại về mức 2.400 tỷ USD. 

Sau khi đạt mức 2.400 tỷ USD, thị trường đã mất 800 tỷ USD chỉ trong vòng chưa đầy một tháng từ ngày 27/12/2021 đến 22/1/2022. Đợt sụt giảm này, thị trường đã chính thức tuột khỏi mốc 2.000 tỷ USD vốn hóa.

Trong tháng 5, thị trường tiếp tục ghi nhận một đợt giảm mạnh trong các phiên từ ngày 5/5, nhưng chỉ sau một tuần, vốn hóa đã lao dốc từ 1770 tỷ USD xuống mức 1.245 tỷ USD. Như vậy, tính từ mức đỉnh lịch sử cho đến nay, thị trường tiền số đã mất hơn 2.000 tỷ USD vốn hóa.

Đối với tiền số, câu chuyện không chỉ dừng lại việc vốn hóa bốc hơi hàng nghìn tỷ USD, tồi tệ hơn, diễn biến thị trường đang diễn ra còn phản ánh một sự mất mát niềm tin vào tiền số và các nền tảng hậu thuẫn tiền số, đỉnh điểm kể từ sau cú sụp đổ của đồng Luna vào đầu tháng 5. 

ff-1655379799.PNG
Nhà đầu tư ngày càng mất niềm tin vào tiền số

Một số nhà phân tích cho rằng, tiền số không đem lại giá trị bền vững. Tần suất cũng như biên độ thị trường quá cao, khiến các nhà đầu tư không kịp mua vào cũng như bán ra để chốt lời

Về lịch sử, tiền số vốn chỉ được các nhà đầu tư quan tâm được hơn chục năm nay. Khác với lần giảm khác, sự sụt giảm của tiền số lần này trong bối cảnh thị trường tài chính toàn cầu đang trong tình trạng hỗn loạn, mọi kênh đầu tư truyền thống đều trở lên rất rủi ro. Do vậy, tiền số được cho là kênh đầu tư đối mặt nhiều rủi ro nhất.

Trên các kênh đầu tư truyền thống, như vàng hay chứng khoán…cũng đang gặp phải nhiều áp lực bởi lạm phát và suy thoái kinh tế. 

Thị trường chứng khoán Mỹ gần đây liên tục sụt giảm và rơi vào vùng thị trường giá xuống khi những lo ngại về suy thoái lên cao hơn bao giờ hết. Chỉ số S&P 500 đã rớt hơn 21% kể từ tháng 1 cho tới nay.

Trong khi đó, vàng được cho là giá trị phản ánh khá chính xác với các chính sách tiền tệ từ phía Fed. Nếu những điều chỉnh lạm phát của Mỹ không hiệu quả sẽ khiến thị trường vàng bất ngờ đi ngược lại. Do đó, vàng được cho là bất ổn trong bối cảnh thị trường tài chính toàn cầu hỗn loạn. 

Vừa qua, kết quả trở lên tồi tệ hơn, khi dữ liệu chỉ số giá tiêu dùng của Mỹ kém đi trong tháng 5. Lạm phát tăng vọt lên hơn 8,3% so với cùng kỳ năm trước, làm suy yếu tâm lý nhà đầu tư.