Vấn đề và giải pháp
Hiện máy bay tiêm kích của Không quân Mỹ bao gồm 4 dòng và 7 biến thể. Những chiếc cũ nhất được chế tạo vào đầu những năm 70 và 80, những chiếc mới nhất - được chuyển giao trong năm nay. Nhiệm vụ giành ưu thế trên không được giao cho các máy bay chiến đấu F-15C/D/E, được chế tạo trước những năm 2000, và F-22A mới hơn. Theo The Military Balance, Không quân Mỹ có khoảng 100 chiếc F-15C/D và 220 chiếc F-15E mới hơn; số lượng F-22A trực chiến khoảng 165 chiếc; Vệ binh Quốc gia có khoảng 140 chiếc F-15C/D và 20 chiếc F-22A.
Tình trạng của đội máy bay chiến đấu kém - F-15C/D đã lỗi thời, còn F-22A đã bị ngừng sản xuất cách đây 10 năm. Các máy bay chiến đấu khác của Lực lượng Không quân và Vệ binh Quốc gia, chẳng hạn như F-16C/D cũ hoặc F-35A mới hơn, là máy bay ném bom tiền tuyến có hiệu quả cao, nhưng có khả năng hạn chế về chiến đấu và giành ưu thế trên không. Ngoài ra, F-16C/D cũ và việc sản xuất F-35A hiện đại bị chậm so với kế hoạch.
Tình trạng của các tiêm kích cơ được coi là không thể chấp nhận được và cần phải hành động khẩn cấp. Năm 2018, Boeing đã đề xuất một dự án hiện đại hóa sâu F-15X, tập trung nâng cao khả năng đối không. Trong tình hình hiện tại, Không quân Mỹ đã chấp thuận đề xuất này; phiên bản mới của máy bay cũ được đặt tên là F-15EX và cách đây không lâu, được đặt tên là Eagle II với một số sửa đổi cơ bản.
Kế hoạch
Tháng 7/2020, Lầu Năm Góc và Boeing đã ký một hợp đồng khung về việc sản xuất hàng loạt F-15EX với tổng kinh phí lên tới 22,9 tỷ USD, sẽ được thực hiện cho đến năm 2030. Trước đó có thông tin Không quân có kế hoạch mua 144 máy bay mới (sau đó - 200 chiếc, con số vẫn chưa được chốt chính thức). Đồng thời với hợp đồng khung, một thỏa thuận đã được ký kết để sản xuất lô đầu tiên gồm 8 máy bay, với chi phí khoảng 1,2 tỷ USD; 2 chiếc đầu tiên sẽ giao cho khách hàng không muộn hơn quý 1 năm 2021, số còn lại - dự kiến vào năm 2023.
Những chiếc F-15EX đang được chế tạo tại nhà máy Boeing ở St. Louis. Chiếc đầu tiên đã thực hiện chuyến bay ngày 2/2/2021, và vào ngày 10/3, được bàn giao cho khách hàng để gia nhập Phi đội thử nghiệm số 40, phải qua tất cả các kiểm tra cần thiết trước khi được đưa vào hoạt động. Có thông tin rằng việc tái trang bị cho các đơn vị chiến đấu của Lực lượng Không quân và Vệ binh Quốc gia sẽ bắt đầu vào năm 2024-25; F-15EX Eagle II sẽ thay thế 240 chiếc F-15 C và D đã lỗi thời.
Việc chỉ mua mới từ 144-200 chiếc Eagle II trong tương lai sẽ không cho phép tái trang bị bằng số lượng tương đương, nhưng số lượng sẽ được bù đắp thông qua chất lượng. Các đơn đặt hàng nước ngoài có thể xuất hiện trong thời gian tới. Cuối tháng 2/2021, Boeing đã được phép tham gia một cuộc đấu thầu của Ấn Độ nhằm mua máy bay chiến đấu hiện đại. Nếu thành công ở Mỹ và Ấn Độ, F-15EX Eagle II mới có thể gây được sự chú ý của các quốc gia khác.
Ưu thế và hạn chế
Trên thực tế, tiêm kích F-15EX chỉ là một giải pháp tình thế, tạm thời, nhằm giải quyết một trong những vấn đề cấp bách của Không quân - là một sự thỏa hiệp, với những ưu điểm và cả những hạn chế của nó - chấp nhận những "hy sinh" nhất định để giải quyết các vấn đề hiện hữu. Tiêm kích F-15EX cho Không quân Mỹ được phát triển trên cơ sở dự án F-15QA, trước đây được chế tạo cho Qatar.
Eagle II khác với những sửa đổi trước đó bởi khung máy bay được thiết kế với tuổi thọ 20 nghìn giờ bay; các thùng nhiên liệu phù hợp đã được sử dụng, giúp tăng tầm bắn và bán kính chiến đấu. Một thành phần cập nhật của thiết bị vô tuyến điện tử của kiến trúc mở được sử dụng; để nâng cao chất lượng chiến đấu cơ bản, một radar hiện đại thuộc loại AN/APG-85 đang được tích hợp.
Nhà phát triển tuyên bố máy bay nâng cấp tương thích với nhiều loại vũ khí máy bay hiện có và tiềm năng. Tùy thuộc vào các nhiệm vụ được giao, F-15EX sẽ có thể mang tới 22 tên lửa không đối không treo bên ngoài, có khả năng tấn công các mục tiêu mặt đất. Trong trường hợp này, nó sẽ có thể sử dụng vũ khí dài tới 6,7 m và nặng 3,8 tấn, bao gồm vũ khí siêu thanh. Tuy nhiên, là sự phát triển của dòng máy bay cũ, nhưng F-15EX Eagle II sẽ không thể hoạt động hiệu quả trong các khu vực được bảo vệ bởi hệ thống phòng không của đối phương.
Việc sử dụng nó trên lãnh thổ đối phương sẽ chỉ có thể được thực hiện sau khi các máy bay khác, chẳng hạn như F-35A, đã vô hiệu hóa các hệ thống phòng không. Không chỉ F-15EX mới mà cả F-15C/D/E cũ hơn đều phải đối mặt với vấn đề tầm nhìn và khả năng tác chiến hạn chế, nhưng Eagle II hiện đại có một số lợi thế về kỹ thuật và tính năng chiến đấu so với các phiên bản tiền nhiệm.
Quá khứ và tương lai
Trong quá khứ, Không quân Mỹ đã lên kế hoạch mua hàng trăm máy bay chiến đấu F-22A thế hệ thứ 5 để thay thế những chiếc F-15C/D/E cũ kỹ, tạo ra một phi đội máy bay chiến đấu chiếm ưu thế trên không với khả năng tấn công các mục tiêu mặt đất. Tuy nhiên, vì nhiều lý do, việc mua F-22A đã giảm mạnh, và chưa đến 200 chiếc trong số này được đưa vào trang bị, không đủ thể thay thế những chiếc F-15 cũ. Các quy trình chế tạo máy bay và nâng cấp cũng gặp phải các vấn đề nghiêm trọng, đã tích tụ cho đến nay.
F-15EX Eagle II là giải pháp không phải được tạo ra từ các dự án mới, mà là hiện đại hóa các thiết bị hàng không cũ. Có tính đến dự án F-15EX, bức tranh phát triển máy bay chiến đấu của Mỹ khá thú vị - tất cả các biến thể F-35 tiếp tục được sản xuất cho các quân chủng khác nhau, bao gồm cả Không quân, đồng thời, Không quân và Vệ binh Quốc gia sẽ được trang bị F-15EX mới trên nền tảng cũ. Và cho đến cuối thập kỷ này, Không quân sẽ chỉ nhận được các máy bay mới loại này, cho đến khi xuất hiện các chiến cơ giành ưu thế trên không thế hệ tiếp theo (NGAD).
Lầu Năm Góc có được lối thoát khả dĩ cho tình thế khó khăn đang hình thành trong nhiều thập kỷ gần đây. Các kế hoạch quá tham vọng để Không quân nắm bắt "công nghệ của tương lai" đã không được thực hiện đầy đủ và thành công, buộc lực lượng này phải tìm kiếm giải pháp từ thế hệ máy bay chiến đấu cũ. Tuy nhiên, với tất cả những hạn chế và tổn thất về uy tín có thể có, giải pháp này cho phép loại bỏ một số rủi ro kỹ thuật và giảm thiểu sự bức bách của áp lực tái trang bị cho lực lượng Không quân./.