Trước tình trạng nhiều người rao bán bộ kit test nhanh COVID-19 trên mạng xã hội, các sàn thương mại điện tử, đại diện Tổng cục Quản lý Thị trường cho biết, sẽ kiểm tra và xử lý nghiêm các đối tượng bán hàng không rõ nguồn gốc và không đảm bảo chất lượng.

Hàng trôi nổi, không có kiểm định

"Hộp kit bộ xét nghiệm 20 lần COVID-19 y tế chuẩn Hàn Quốc test 15 phút tại nhà cho mọi gia đình"- lời chào mời trên các trang bán hàng online đúng vào thời điểm dịch COVID-19 đang diễn biến phức tạp khiến nhiều người tin tưởng, muốn mua để test cho bản thân và gia đình.

Với hình ảnh và cả video hướng dẫn chuyên nghiệp kèm lời chào hàng với giá 8,2 triệu đồng, một shop bán đồ trên sàn thương mại điện tử đã thu hút nhiều lượt người xem.

Mắc lừa bởi những bộ kit test nhanh COVID-19 không rõ nguồn gốc mua trên mạng
Lực lượng QLTT kiểm tra giám sát các hoạt động kinh doanh trang thiết bị y tế. Ảnh: TTXVN.

Theo quảng cáo, mỗi bộ kit này gồm 2 test dùng cho 2 người hoặc 2 lần sử dụng, có kết quả ngay sau 15 phút. Nếu bảng hiện 1 vạch là âm tính, 2 vạch là dương tính. Do vậy, việc lấy mẫu cũng được người bán quảng cáo là "cực kỳ dễ dàng" bằng cách dùng que lấy dịch ở mũi, sau đó bơm vào dung dịch và chờ kết quả.

Ở một mức giá dễ chấp nhận hơn, bộ kit test nhanh phát hiện bệnh COVID-19 đang được rao bán với số tiền từ 700.000 - 800.000 đồng/bộ và muốn mua hàng, người mua phải đặt hàng và chuyển khoản trước, sau vài ngày sẽ có hàng.

Chị D.T.P (Hai Bà Trưng, Hà Nội), một người đã mua bộ kit với giá mà theo người bán là khá rẻ, chỉ 400.000 đồng trên "chợ mạng" của khu chung cư nơi chị đang ở, cho biết: Tin tưởng người bán nói là "hàng Hàn Quốc", dễ sử dụng, nên chị đặt cho gia đình 3 bộ, vì khu nhà kế bên đã có trường hợp dương tính nên chị lo xa muốn kiếm tra. Đúng là dễ sử dụng, chỉ cần lấy bông tăm thấm dịch mũi, nhỏ vào lọ, chờ rồi đổ dung dịch vào que thử. Hơn 10 phút sau, que thử báo "một vạch", thế là chị yên tâm. Tuy nhiên, khi chị liên hệ để mua thêm cho người nhà, thì tài khoản người bán đã bị xoá. "Lúc đó tôi mới biết, đây là loại hàng hoá trôi nổi, chưa có kiểm định gì của ngành y tế. Nhớ lại khi mua, tôi có hỏi người bán là "kết quả có chính xác không", thì người bán quả quyết là "chính xác" nhưng không đưa ra căn cứ nào, hay cơ quan, đơn vị y tế nào bảo đảm. Xem lại bao bì, thì là chữ Trung Quốc chứ không phải chữ Hàn Quốc", chị D.T.P nói.

Chị D.T.P là một trong số những trường hợp đã mất tiền oan khi mua bộ kit xét nghiệm nhanh, bởi theo các chuyên gia y tế, các sinh phẩm, kit xét nghiệm SARS-CoV-2 muốn nhập khẩu Việt Nam phải được Hội đồng thẩm định, Vụ Trang thiết bị và công trình y tế (Bộ Y tế) thẩm định và cấp phép mới được lưu hành. Việt Nam đã quy định, kể cả các test (xét nghiệm) nhanh cũng phải được sử dụng ở phòng thí nghiệm và phải bảo đảm an toàn sinh học. Theo các chuyên gia, kit xét nghiệm nhanh SARS-CoV-2 rao bán tràn lan có thể là giả, khi thử có thể cho kết quả không đúng. Như vậy, khi xét nghiệm không những không phát hiện ra bệnh mà nếu bản thân có virus thì còn có nguy cơ phát tán và lây lan dịch bệnh ra cộng đồng.

Minh chứng cho điều này là một số cơ sở kinh doanh "test thử nhanh" đã bị cơ quan chức năng phát hiện và xử lý. Đơn cử, ngày 3/6/2021, Đội Quản lý thị trường số 1, Cục Quản lý thị trường thành phố Hà Nội kiểm tra cơ sở kinh doanh trang thiết bị y tế thuộc Công ty Cổ phần Tổng hợp Lâm Khang tại số 151 C3 Khu Đô thị Đại Kim, Hoàng Mai, Hà Nội do bà Đào Hồng Thắm là Giám đốc.

Tại đây, đoàn kiểm tra phát hiện 29 hộp Test thử nhanh COVID-19 nhãn “Testsealabs COVID-19 Antigen Test Cassetle". Mặt sau vỏ hộp còn thể hiện nội dung "HANGZHOU TESTSEA BIOTECHNOLOGY CO.LTD CHINA".

Chủ cơ sở không xuất trình được các hóa đơn chứng từ hợp pháp đồng thời khai nhận đã mua trôi nổi trên mạng Internet không hóa đơn chứng từ. Đoàn kiểm tra đã tạm giữ toàn bộ số hàng hóa trên để tiếp tục xử lý theo quy định của pháp luật.

Sẽ xử lý nghiêm

Trao đổi với phóng viên, ông Nguyễn Đức Lê, Phó Cục trưởng Cục Nghiệp vụ Quản lý thị trường (Tổng cục Quản lý thị trường) cho biết, ngay từ đầu năm 2021, Tổng cục Quản lý thị trường (QLTT) đã có công văn hỏa tốc gửi Cục QLTT các tỉnh đề nghị tăng cường quản lý địa bàn, kiểm tra, giám sát các hoạt động kinh doanh trang thiết bị y tế, đăc biệt là những bộ kit test, tránh trường hợp kinh doanh hàng giả hàng nhái hàng kém chất lượng hoặc hàng hóa do nước ngoài sản xuất không rõ nguồn gốc…

Mắc lừa bởi những bộ kit test nhanh COVID-19 không rõ nguồn gốc mua trên mạng
Tang vật thu giữ tại thời điểm Đội QLTT số 1 kiểm tra. Ảnh: QL.

Đại diện Tổng cục Quản lý Thị trường (QLTT) cho biết, mặt hàng kit test nhanh thuộc nhóm các mặt hàng trang thiết bị vật tư y tế nên cũng được Tổng cục QLTT đặc biệt quan tâm và chỉ đạo xuyên suốt đến các Cục QLTT trực thuộc trung ương tăng cường kiểm tra kiểm soát.

Gần đây nhất, ngày 10/5, Tổng cục QLTT tiếp tục có Công văn số 846/TCQLTT-CNV gửi Cục QLTT các tỉnh, thành phố tiếp tục tăng cường công tác phòng chống dịch COVID-19.

Trong công văn, Tổng cục QLTT yêu cầu Cục QLTT các tỉnh, thành phố chủ động nắm bắt thông tin, theo dõi, giám sát chặt chẽ tình hình, diễn biến dịch bệnh và thị trường để kịp thời ứng phó với các tình huống xảy ra tại địa phương.

Đồng thời, tăng cường kiểm tra kiểm soát hoạt động kinh doanh các mặt hàng trang thiết bị, vật tư y tế phục vụ phòng chống dịch bệnh. Chú trọng phát hiện và xử lý nghiêm các tổ chức, cá nhân có hành vi lợi dụng tình hình khan hiếm hàng hóa do dịch bệnh để sản xuất, kinh doanh, buôn bán, vận chuyển hàng giả, hàng không rõ nguồn gốc xuất xứ dùng để phòng, chống dịch bệnh.

Tổng cục QLTT cũng hướng dẫn các Cục QLTT tiếp cận hoạt động kinh doanh trên nền tảng thương mại điện tử, các ứng dụng để tránh tình trang các cá nhân, tổ chức kinh doanh sản phẩm là trang thiết bị y tế trong đó có bộ kit test để lừa dối người tiêu dùng và kiếm lời bất chính.

“Hiện có dấu hiệu các cá nhân, tổ chức lợi dụng thương mại điện tử bán các bộ kit test không rõ nguồn gốc để kiếm lời bất chính. Tổng cục QLTT đã ra quân quyết liệt rà soát trên các sàn thương mại điện tử và trang mạng xã hội, nếu phát hiện những hiện tượng kinh doanh các bộ kit test không được Bộ Y tế cấp phép hoặc không được kinh doanh thì chúng tôi sẽ kiểm tra và ngăn chặn kịp thời. Đồng thời, chúng tôi sẽ phối hợp các lực lượng chức năng khác để truy vết nguồn nhập hàng”, ông Nguyễn Đức Lê cho biết.

Đồng thời, đại diện Tổng cục QLTT cũng khuyến cáo, những sản phẩm liên quan đến sức khỏe con người cần được các cơ quan chuyên môn của Bộ Y tế kiểm nghiệm và cấp phép. Chính vì vậy, người dân cần tìm hiểu kỹ thông tin về sản phẩm, người bán, đặc biệt không nên mua những mặt hàng không rõ nguồn gốc xuất xứ bán trôi nổi trên mạng.

Trước tình hình dịch COVID-19 diễn biến phức tạp, nhiều cá nhân đang rao bán những bộ kit test nhanh COVID-19. Tuy nhiên, theo Bộ Y tế, người dân không nên mua các bộ kit test nhanh COVID-19 về tự xét nghiệm. Nguy hiểm hơn là nếu các kit xét nghiệm này là giả mạo, chất lượng không bảo đảm không những không phát hiện ra bệnh mà nguy cơ phát tán và lây lan dịch bệnh nếu bị bỏ sót./.