Do ảnh hưởng Covid-19, nhiều tháng nay, hơn 500 tàu du lịch hạng sang trên vịnh Hạ Long bị "mắc cạn" và đã làm đơn kêu cứu tới Thủ tướng.
"Mắc cạn" trên vịnh Hạ Long, tàu du lịch triệu đô nguy cơ thành sắt vụn
Những con tàu du lịch hàng triệu đô "mắc cạn" trên vịnh Hạ Long

Ngàn tỷ đồng nguy cơ thành sắt vụn

Suốt hơn 1 năm nay, từ khi dịch Covid-19 bùng phát, chị Phạm Thị Huyền Phương, chủ tàu Huyền Phương (TP Hạ Long, Quảng Ninh) chẳng có mấy đêm nào ngon giấc. Bởi gia đình chị đã dồn góp, vay vài chục tỷ đồng để đầu tư con tàu du lịch hạng sang hoạt động trên vịnh Hạ Long. Nhưng cứ mỗi đợt dịch Covid-19 bùng phát, con tàu của chị Phương cũng như mọi tàu du lịch trên vịnh đều phải ngừng hoạt động.

"Ngày ngày đứng trên bờ nhìn tàu neo bất động, nghĩ đến khoản tiền tháng tới phải trả, lòng tôi như lửa đốt. Nếu không được vay từ nguồn ưu đãi để duy trì thì chẳng mấy chốc, tàu xuống cấp chỉ còn đống sắt vụn thôi", chị Phương xót xa.

Chị Hương, đại diện một doanh nghiệp khác buồn bã cho hay: "Công ty chúng tôi có 3 chiếc tàu nghỉ đêm trên vịnh Hạ Long trị giá tới trên 60 tỷ đồng/chiếc. Dịch Covid-19, tàu dừng đón khách nhưng vẫn phải cho hoạt động máy móc kẻo để lâu hư hỏng, rồi tiền lãi suất ngân hàng, tiền hỗ trợ lương mấy chục công nhân hàng tháng vẫn phải chi khiến chúng tôi kiệt quệ".

"Mắc cạn" trên vịnh Hạ Long, tàu du lịch triệu đô nguy cơ thành sắt vụn
Dù tàu "neo chết" trong cảng nhưng chủ phương tiện vẫn phải bỏ ra khoản không nhỏ để thuê nhân công trông coi, bão dưỡng

Câu chuyện của chị Phương, chị Hương cũng là hoàn cảnh hiện tại của tất cả các chủ tàu khách trên vịnh Hạ Long. Theo Ban quản lý vịnh, tổng số tàu hoạt động dịch vụ đưa khách tham quan vịnh Hạ Long là 504 tàu. Trong đó, hơn 300 tàu phục vụ khách theo giờ, số còn lại là tàu du lịch nghỉ đêm trên vịnh Hạ Long. Số tàu này không chỉ tạo việc làm cho hàng vạn lao động mà còn đóng vai trò quyết định khai thác bền vững vẻ đẹp huyền bí của vịnh.

Dịch Covid-19 khiến hơn 500 tàu khách, trong đó có nhiều tàu khách hạng sang đầu tư hàng chục tỷ đồng phải "án binh bất động", trong khi chủ tàu vẫn phải duy trì lượng thuyền viên cần thiết để trông coi tàu, các chi phí tiền lương, BHXH cùng nhiều chi phí khác.

Đặc biệt, các món vay ngân hàng đã thực sự trở thành gánh nặng khủng khiếp cho mỗi chủ tàu hiện nay. Bởi lẽ, để đóng một con tàu, các chủ tàu thường vay từ 60-70% giá trị tài sản, hãn hữu lắm mới có chủ phương tiện đủ tiền để đầu tư từ đầu.

Nếu không có nguồn tín dụng vay ưu đãi để duy trì, những con tàu hàng triệu đô thế này chẳng mấy trở thành đống sắt vụn

Bà B.Th.Q, đại diện một doanh nghiệp có đội tàu vận chuyển du lịch thuộc diện có tầm cỡ vận tải khách trên vịnh Hạ Long thở dài: "Nếu dịch còn ảnh hưởng lâu hơn nữa, khi lãi dồn cộng lại phải trả trong thời gian ngắn thì doanh nghiệp chỉ có nước phá sản…"

Ông Trịnh Đăng Thanh, Phó Giám đốc Sở Du lịch Quảng Ninh nhìn nhận: "Cứu đội tàu du lịch, chính là cứu ngành du lịch Quảng Ninh"

Gửi đơn kêu cứu đến Thủ tướng Chính phủ

Trước những khó khăn chồng chất như vậy, chủ các tàu du lịch trên vịnh Hạ Long đã nhiều lần kiến nghị cơ quan chức năng của tỉnh Quảng Ninh có cơ chế hỗ trợ và gần đây nhất, ngày 18/5/2021, Chi hội Tàu Du lịch Hạ Long đã phải làm đơn gửi Thủ tướng Chính phủ để kêu cứu.

Theo đơn kêu cứu, Chi hội tàu Du lịch Hạ Long khẳng định, thời điểm trước năm 2020, Chi hội đã đạt được những kết quả vượt bậc, góp phần vào thành quả của ngành du lịch Quảng Ninh cũng như cả nước. Đồng thời, giải quyết công ăn việc làm và tạo thu nhập ổn định cho trên 5.000 người lao động.

Tuy nhiên, từ hơn 1 năm nay, dịch Covid-19 bùng phát, các tàu không có khách, phải hoạt động cầm chừng, nhiều tháng buộc phải dừng hoạt động hoàn toàn theo các thông báo của UBND tỉnh để phòng chống dịch bệnh. Nguồn thu không có trong khi vẫn phải duy trì máy móc, thiết bị trên tàu, nhân công và đặc biệt, các món vay ngân hàng đã thực sự trở thành gánh nặng quá sức với nhiều chủ tàu hiện nay.

Ông Trần Văn Hồng, Thường trực Chi hội tàu du lịch Hạ Long cho biết: Chi hội đã kiến nghị Thủ tướng Chính phủ và Chính phủ ban hành chính sách giãn thời gian và tiến độ trả nợ gốc, lãi vay đối với các dự án đóng tàu du lịch từ 15-20 năm kể từ ngày Chính phủ công bố hết dịch vì thực tế hiện nay, chính sách hỗ trợ giãn nợ chỉ thực hiện từ 3-12 tháng thì doanh nghiệp không đủ thời gian để khôi phục hoạt động.

Đồng thời, đề xuất có chính sách hỗ trợ cho vay vốn lưu động cho các doanh nghiệp; chính sách ân hạn thuế, nợ bảo hiểm xã hội từ 1-5 năm…