Các phương pháp phòng chống và điều trị Covid-19 phản khoa học, tâm lý e dè không dám tiêm phòng hay tự ý trị bệnh mà không tuân thủ theo chỉ dẫn của nhân viên y tế đang để lại những hậu quả đáng tiếc, xuất phát từ các thông tin sai lệch đang được lan truyền khá phổ biến trên mạng xã hội những ngày gần đây. Nếu không nhanh chóng được kiểm soát, xử lý một cách kịp thời,“ma trận” các tin giả ăn theo Covid-19 có nguy cơ làm chậm lại những bước tiến trong cuộc chiến chống đại dịch trên toàn cầu.
Hệ lụy từ những thông tin giả trên nền tảng trực tuyến là rất khó lường, như vụ việc đáng tiếc gần đây tại Iran. Chỉ vì học theo trên mạng, hơn 210 người tử vong sau khi uống phải rượu độc mà nghĩ rằng có thể giúp phòng chống Covid-19.
Hay chuyện nhiều người dân Indonesia đổ xô đi mua sữa Nhãn hiệu Gấu của Nestle sau khi một tin đồn vô căn cứ lan truyền trên mạng và các nhóm WhatsApp. Dù chính đại diện Nestle khẳng định hãng này chưa bao giờ tuyên bố sản phẩm của họ có thể giúp tạo ra kháng thể chống Covid-19, nhưng hệ quả từ những “fake news” vẫn khiến nhiều người đổ xô tìm mua nhãn hiệu sữa này khiến giá sữa bị đẩy lên tới 455%. Có một thời gian thuốc chống ký sinh trùng Ivermectin rộ lên trong cộng đồng mạng Indonesia như “thuốc thần” điều trị Covid-19, dù rằng thuốc này mới chỉ đang được thử nghiệm lâm sàng tại một số bệnh viện và giới chuyên gia dịch tễ vẫn cảnh báo người dân không nên tự ý sử dụng thuốc vì những tác dụng phụ rất nghiêm trọng có thể xảy ra.
Dẫu vậy, bỏ qua lời cảnh báo của các chuyên gia y tế, nỗi bất an vì dịch bệnh khiến người dân nhiều nước vẫn mù quáng, thậm chí tìm đến cả những liệu pháp “lang băm”, thiếu cơ sở khoa học như dùng nước tiểu bò làm chất khử trùng, uống các dung dịch tẩy trắng, uống các hạt bạc dạng lỏng hay hít cocaine để phòng Covid-19.
Nhiều phương thuốc gia truyền giả mạo “nở rộ” trên mạng xã hội gần đây đã được hãng thông tấn AFP của Pháp “phanh phui”, cảnh báo tới công chúng như việc sử dụng tro núi lửa, chất khử trùng clo hay chống nhiễm trùng bằng đèn UV… Những phương pháp này đều đã được các cơ quan y tế các nước đặc biệt cảnh báo có thể gây hại cho cơ thể nếu sử dụng không đúng cách.
Đài Mewat - một đài phát thanh cộng đồng ở bang Haryana phía Bắc của Ấn Độ đang nỗ lực gỡ bỏ thông tin sai lệch về đại dịch Covid-19, thông qua làn sóng phát thanh tích cực tuyên truyền các thông điệp của WHO nhằm nâng cao nhận thức của người dân về vấn đề phòng chống dịch.
Ông Sorabh Khan, giới chức quản lý đài phát thanh này cho biết: “Nhiều người không hề biết việc phong tỏa sẽ được áp đặt như thế nào hay thậm chí đơn giản như virus SARS-CoV-2 là gì. Vì vậy chúng tôi đã đưa các chuyên gia và bác sĩ đến đài phát thanh của mình, chia sẻ thông tin đến mọi người nhiều lần về cách họ có thể tự bảo vệ mình, Covid-19 là gì và các triệu chứng của dịch bệnh. Khi có vaccine, mọi người đều lo sợ nếu tiêm vaccine có thể gây liệt dương, sau này khó có con hoặc thậm chí còn những tác hại hơn thế nữa. Những tin đồn thất thiệt này, phổ biến trên mạng xã hội, vì vậy, Đài phát thanh Mewat sẽ giúp giải quyết từng câu hỏi liên quan tới những vấn đề này”.
Báo chí đang đóng một vai trò nhất định trong cuộc chiến chống lại tin giả trên Internet. Các trang kiểm chứng thông tin trên toàn cầu, các nền tảng mạng xã hội cũng đang phối hợp với nhau để bóc trần những thông tin sai trái, ảnh hưởng tới nỗ lực sớm kết thúc đại dịch./.