Tránh tình huống “ăn miếng trả miếng”
Cuộc gặp thượng đỉnh giữa Tổng thống Mỹ Joe Biden và Tổng thống Nga Putin dự kiến diễn ra tại Geneva (Thụy Sỹ) vào hôm nay (16/6), được tổ chức trong bối cảnh quan hệ giữa hai nước đang rơi xuống mức thấp nhất kể từ thời Chiến tranh Lạnh. Vì vậy, có lẽ không ngạc nhiên khi một cuộc họp báo chung sau hội nghị thượng đỉnh nhiều khả năng không có trong chương trình.
Hội nghị Thượng đỉnh Nga-Mỹ diễn ra khoảng 6 tháng sau khi Tổng thống Biden lên nắm quyền, giúp ông có cơ hội thiết lập quan hệ cá nhân với nhà lãnh đạo Nga Putin sau những cáo buộc và căng thẳng giữa hai nước. Một cuộc gặp kín sẽ giúp Tổng thống Biden có thể đối thoại trực tiếp với nhà lãnh đạo Nga mà không bị phân tâm bởi ống kính máy quay.
Thay vì tham dự cuộc họp báo chung để nói về về quan hệ song phương, ông Biden và ông Putin sẽ tổ chức các cuộc họp báo riêng sau hội nghị thượng đỉnh.
Các quan chức Nhà Trắng cho biết, trong các cuộc đàm phán chuẩn bị cho hội nghị này, Nga đã đề xuất tổ chức họp báo chung nhưng phía Mỹ từ chối vì họ không muốn Tổng thống Putin có được lợi thế tương tự như những gì đã diễn ra tại cuộc gặp thượng đỉnh giữa ông với cựu Tổng thống Donald Trump tại Helsinki vào năm 2018. Lúc đó, cựu Tổng thống Trump đã hoan nghênh các tuyên bố không can thiệp bầu cử Mỹ năm 2016 do ông Putin đưa ra, gạt bỏ các dữ liệu do tình báo quốc gia Mỹ cung cấp. Điều này đã gây ra những chỉ trích tại nước Mỹ.
Các quan chức Mỹ lưu ý, họ muốn tránh khả năng các cuộc đối thoại trở thành tình huống “ăn miếng trả miếng” trước công chúng. Quyết định này được đưa ra theo khuyến nghị của một nhóm chuyên gia – những người đã gặp Tổng thống Biden vào đầu tháng 6, CNN dẫn một số nguồn thạo tin cho biết.
Giải thích về kế hoạch không tổ chức họp báo chung với Tổng thống Putin, Tổng thống Biden nêu rõ: “Đây không phải là một cuộc thi xem ai thể hiện tốt hơn ai trước báo chí hoặc cố gắng hạ bệ nhau”.
Theo một quan chức Mỹ, cuộc gặp giữa Tổng thống Biden và Tổng thống Putin dự kiến sẽ diễn ra tại một biệt thự bên hồ ở Geneva và kéo dài 5 tiếng. Bất chấp các vấn đề phức tạp trong chương trình nghị sự, hai nhà lãnh đạo không có kế hoạch nghỉ ngơi và dùng bữa chung.
Sẽ là một cuộc trao đổi thẳng thắn?
Trong những tháng đầu tiên lên nắm quyền, Tổng thống Biden từng tuyên bố sẽ buộc Nga phải trả giá vì đã thực hiện các hành động chống lại Mỹ. Đến tháng 4/2021, chính quyền Biden áp đặt một loạt biện pháp trừng phạt Nga, trục xuất các nhà ngoại giao Nga với cáo buộc can thiệp bầu cử Mỹ năm 2020, tấn công mạng và làm leo thang cuộc khủng khoảng tại Ukraine. Dù ban hành các biện pháp trừng phạt mới, Tổng thống Biden vẫn nhấn mạnh, Mỹ mong muốn gây dựng “một mối quan hệ ổn định, có thể đoán trước được” với Nga.
Giờ đây, nhà lãnh đạo Mỹ đang đối mặt với câu hỏi về việc liệu những hành động cứng rắn của ông trước đó có phù hợp với những gì sẽ diễn ra tại Hội nghị Thượng đỉnh Nga-Mỹ lần này hay không.
Thời gian gần đây, Tổng thống Biden đã bảo vệ quyết định của chính quyền ông miễn trừ các biện pháp trừng phạt đối với Dự án Dòng chảy Phương Bắc 2 (Nord Stream 2) của Nga. Trước đó, Nhà Trắng cũng từ chối đề xuất của Ukraine về một cuộc gặp trực tiếp giữa các nhà lãnh đạo của hai nước trước thềm thượng đỉnh Nga-Mỹ.
Tuy vậy, Tổng thống Biden đã gửi thông điệp cứng rắn với Nga tại Hội nghị Thượng đỉnh NATO ở Brussels khi nhấn mạnh rằng, NATO cần phải “đề phòng những thế lực gây thù hận và chia rẽ nhằm đạt được mục đích chính trị”.
Trước thềm cuộc gặp nhà lãnh đạo Nga, Tổng thống Biden nói với các cố vấn rằng, ông tin tưởng Tổng thống Putin sẽ có những trao đổi thẳng thắn trong các cuộc hội đàm, đồng thời cho biết, ông sẽ thảo luận về các lĩnh vực mà cả hai bên cùng quan tâm. CNN dẫn lời một quan chức Mỹ cho biết, ông Biden có thể thiết lập ranh giới giữa chính quyền mới của Mỹ với Nga - đối thủ lớn của nước này.
Ông Biden sẽ là Tổng thống Mỹ thứ 5 có cuộc gặp với nhà lãnh đạo Nga Putin. Trong các cuộc gặp thượng đỉnh trước đó, không phải tất cả các nhà lãnh đạo Mỹ đều tổ chức họp báo chung với ông Putin và nếu diễn ra sự kiện này thì bầu không khí đôi khi không hề dễ chịu. Chẳng hạn trong cuộc họp báo chung giữa Tổng thống Putin và Tổng thống Mỹ Bill Clinton năm 2000, hai nhà lãnh đạo không nhìn nhau hay cười với nhau.
Cựu Tổng thống George W. Bush cũng từng có cuộc gặp ông Putin tại Slovenia vào tháng 6/2001. Ông Bush nói rằng ông đã nhìn thẳng vào mắt của ông Putin và “cảm nhận được tâm hồn của ông ấy”. Nhưng ông Biden, khi đó còn là thượng nghị sỹ nói rằng: “Tôi không tin tưởng ông Putin”./.