Trước đề nghị của bà Giàu đòi bà Hằng bồi thường 1.000 tỷ đồng, luật sư nói đây là điều "không tưởng", mức bồi thường tối đa cho trường hợp này chỉ 14.900.000 đồng.
TAND quận 1, TP. HCM vừa thụ lý vụ tranh chấp bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng giữa nguyên đơn Lê Thị Giàu, Chủ tịch HĐQT Công ty CP Thực phẩm Bình Tây và bị đơn Nguyễn Phương Hằng, Chủ tịch HĐQT Công ty CP Đại Nam.
Theo đó, bà Giàu đã khởi kiện, yêu cầu TAND quận 1 buộc bà Hằng chấm dứt ngay hành vi xúc phạm danh dự, uy tín của của bà, gỡ bài nói, công khai xin lỗi bà và cải chính trên mạng Youtube. Đồng thời, bà Giàu cũng yêu cầu tòa buộc bà Hằng bồi thường tổn thất vật chất và tinh thần cho bà với số tiền 1.000 tỷ đồng.
Nêu quan điểm vụ việc, luật sư Hoàng Trọng Giáp (Giám đốc Công ty luật Hoàng Sa) cho rằng, chiếu theo quy định của Bộ luật dân sự năm 2015, để có thể đòi bồi thường thiệt hại thì bà Giàu cần phải chứng minh hành vi của bà Hằng đã xâm hại đến "danh dự, nhân phẩm, uy tín của mình, chứng minh các chi phí hợp lý để hạn chế, khắc phục thiệt hại đó và thiệt hại khác nếu có".
Luật sư đánh giá, nếu nhìn vào số tiền bà Giàu đòi bồi thường lên đến 1.000 tỷ là một điều không tưởng, không có căn cứ. Bởi, tại Khoản 2 Điều 592 Bộ luật dân sự năm 2015 quy định: "Người chịu trách nhiệm bồi thường trong trường hợp danh dự, nhân phẩm, uy tín của người khác bị xâm phạm phải bồi thường thiệt hại theo quy định tại khoản 1 Điều này và một khoản tiền khác để bù đắp tổn thất mà người đó gánh chịu. Mức bồi thường do các bên thỏa thuận, nếu không thỏa thuận được thì mức tối đa không quá 10 lần mức lương cơ sở do Nhà nước quy định".
Hiện nay, mức lương cơ sở được quy định tại Nghị định 38/2019/NĐ-CP là 1.490.000 đồng nên mức bồi thường tối đa cho trường hợp của bà Hằng với bà Giàu chỉ 14.900.000 đồng.
Luật sư nhận xét, đây chỉ là một vụ kiện dân sự đơn thuần nhưng số tiền yêu cầu bồi thường 1.000 tỷ là một điều hết sức phi lý.
"Một số quan điểm trên mạng xã hội cho rằng 1.000 tỷ là có căn cứ bởi việc bà Hằng xúc phạm đến cả thương hiệu doanh nghiệp của bà Giàu, gây ảnh hưởng đến kinh doanh nên mức này hoàn toàn hợp lý. Tuy nhiên không có cơ sở để chứng minh mối quan hệ nhân quả giữa hành vi xúc phạm danh dự, nhân phẩm với hoạt động kinh doanh bị thiệt hại, sa sút lên đến 1.000 tỷ đồng", luật sư Giáp nói.
Theo ông, Toà án có thẩm quyền cần xem xét đơn khởi kiện và những tài liệu liên quan đến việc khởi kiện do bà Giàu cung cấp, nếu xét thấy vụ việc có dấu hiệu hình sự về một trong các tội Làm nhục người khác (Điều 155 Bộ luật hình sự), tội Vu khống (Điều 156 hoặc Điều 288 Bộ luật hình sự) thì chuyển hồ sơ cho cơ quan điều tra có thẩm quyền để xác minh, truy cứu trách nhiệm hình sự theo quy định.
Với vai trò là người khởi kiện, luật sư cho biết bà Giàu cần chuẩn bị chứng cứ cho rằng bà Hằng đã xúc phạm mình, vu khống mình và những hành vi xúc phạm, vu khống đó làm ảnh hưởng đến công việc kinh doanh. Bên cạnh đó, bà Giàu nên xem xét lại để thay đổi số tiền yêu cầu bồi thường phù hợp hơn, thay vì con số 1.000 tỷ như hiện tại.
Ngược lại, bà Hằng với vai trò là bên bị kiện cần chuẩn bị những căn cứ để chứng minh cho hành vi, lời nói của mình về bà Giàu là đúng sự thật. Nếu bị xử lý về ‘hành vi xúc phạm danh dự, nhân phẩm người khác’, bà Hằng phải chịu mức phạt tối đa 30.000.000 đồng.