Cà Moong, Xốp Cháo là 2 điểm trường xa nhất của Trường Mầm non Lượng Minh (thuộc huyện Tương Dương, tỉnh Nghệ An). Nơi đây cách trung tâm khoảng 50 cây số cả đường thủy và bộ nhưng lại được ví như một ốc đảo lẻ loi ở lòng hồ Bản Vẽ.
Điểm trường giữa ốc đảo
Đến Cà Moong, Xốp Cháo, không có đường bộ, bốn bề chỉ mênh mông nước của lòng hồ sâu thẳm. Điểm trường nằm tách biệt với bên ngoài. Nơi được xem là bản xa xôi, khó khăn bậc nhất của huyện miền núi xứ Nghệ.
Muốn đến được nơi này, giáo viên phải vô cùng vất vả di chuyển bằng nhiều phương tiện. Đoạn đầu, đi xe máy, tới một địa điểm sẽ gửi xe máy và xuống thuyền lênh đênh trên lòng hồ mênh mông. Khi thuyền cập bến, giáo viên tiếp tục di chuyển bằng xe máy được gửi ở nhà dân trước đó, rồi tiếp tục đi bộ để đến điểm trường giảng dạy.
Cô Vũ Thị Thúy Hằng, Hiệu trưởng Trường Mầm non Lượng Minh chia sẻ, để có xe máy đi lại hai phía, giáo viên phải liên kết với nhau thành nhóm. Nhóm để xe bên này lòng hồ, nhóm để xe bên kia lòng hồ để mỗi lần di chuyển không phải đi bộ cả quảng đường quá xa.
Vài năm trước đây, nơi đây được mệnh danh là những điểm trường 4 không: không đường giao thông, không điện sáng, không sóng điện thoại và không chợ búa. Thức ăn mỗi ngày của giáo viên là những đồ ăn khô được mang từ nhà lên để cả tuần, cả tháng. Hiện nay, đã có điện lưới và sóng điện thoại nhưng sóng cũng chập chờn.
Nhiều khi không thể liên lạc với bên ngoài bằng điện thoại. Giáo viên chỉ còn cách viết giấy gửi thuyền mang ra. Mỗi tuần, giáo viên đi về bằng thuyền mất khoảng 30 ngàn đồng/lượt. Khi có việc gấp như gia đình có chuyện hay con cái ốm đau, giáo viên cũng phải chấp nhận bao thuyền 300 ngàn đồng để họ chở vào bờ.
“Khó khăn của giáo viên vùng núi chúng em là giáo viên nữ phải cắm bản, bám trường, bám lớp, cuối tuần mới được về thăm gia đình. Hiện tại giáo viên trường em toàn giáo viên trẻ mới lập gia đình. “Cô bà” (giáo viên lớn tuổi) chỉ có 2 cô thôi”.
Cô Vũ Thị Thúy Hằng chia sẻ thêm, nhiều giáo viên trẻ cũng là một lợi thế vì giáo viên trẻ mới đủ sức cắm những bản xa xôi, khó khăn như vậy.
Gửi con quê nhà để bám lớp
"Các cô phải gửi con cái cho chồng, cho ông bà trông nom ở nhà. Đi dạy đầu tuần, cuối tuần mới về. Có giáo viên đi cả tháng. Nhiều hôm, con ốm giữa đêm không về được với con chỉ biết khóc thôi chị ạ!", cô Hằng tâm sự.
Nói rồi, cô hiệu trưởng kể tiếp: “Trường em có một cô mới được tuyển dụng năm 2022 tên là Kha Thị Nhâm. Con nhỏ 2 tuổi phải gửi ông bà để chiều Chủ nhật đi lên trường, chiều thứ Sáu mới về nhà.
Trên trường thì thiếu thốn về cơ sở vật chất, vì trường nằm giữa ốc đảo của lòng hồ thủy điện, sóng điện thoại chập chờn, chủ yếu hứng sóng rơi, để điện thoại ngày cửa sổ để dò sóng.
Giao thông đi lại khó khăn, đi từ nhà lên bến thuyền là 25 km, đi thuyền cũng mất thời gian 40 phút, sau đó đi bộ khoảng 30 phút mới đến lớp. Một mình dạy 1 lớp ghép 24 em gồm 3 độ tuổi.
Học sinh tại 2 điểm trường này 100% là con em đồng bào Khơ Mú có đời sống còn nhiều khó khăn. Mô hình trường học nơi đây là bán trú dân nuôi. Mỗi buổi sáng, các em sẽ đến trường với phần cơm hoặc xôi do cha mẹ chuẩn bị trước. Buổi trưa, một số phụ huynh sẽ đến trường phụ với giáo viên nấu canh cho các con ăn trưa.
Cô Nhâm rất tận tâm với học sinh, là giáo viên giỏi cấp huyện nên một mình cô dạy một lớp, nhà trường cũng thấy yên tâm.
Có những giáo viên phải đi đến 100 km từ nhà đến huyện rồi từ huyện đi 30 km nữa mới đến điểm trường. Do vất vả, lại khó khăn cho việc đi lại cùng với việc chế độ không hơn gì những điểm trường thuận lợi hơn nên hai điểm trường này rất khó thu hút giáo viên.
Nhà trường phải thực hiện việc phân công giảng dạy luân chuyển như một nghĩa vụ. Giáo viên đi dạy ở những điểm trường này, cứ 2 năm nhà trường lại xoay vòng một lần.
Mong ước của nhiều giáo viên nơi đây, 2 điểm trường Cà Moong, Xốp Cháo nhận được sự quan tâm nhiều hơn nữa của các cấp chính quyền để cuộc sống của các thầy cô bớt đi phần nào sự vất vả, để thầy cô yên tâm bám lớp, giảng dạy học sinh được tốt hơn".
Theo Phan Tuyết - giaoduc.net.vn