Ngày 12/10, luận án tiến sĩ "Nghiên cứu ảnh hưởng của đặc điểm nhân trắc ngực nữ sinh Bắc Việt Nam tới áp lực và độ tiện nghi áp lực của áo ngực", thuộc ngành Công nghệ dệt - may đã được bảo vệ thành công trước Hội đồng đánh giá luận án tiến sĩ cấp trường họp tại Trường Đại học Bách khoa Hà Nội. Luận án này trước đó từng gây nhiều ý kiến tranh luận trên các diễn đàn do có tiêu đề về "áo ngực".

Tác giả luận án là nghiên cứu sinh Lưu Thị Hồng Nhung, người hướng dẫn khoa học gồm PGS.TS Nguyễn Nhật Trinh và PGS.TS Nguyễn Thị Lệ. Hội đồng đánh giá luận án tiến sĩ gồm: Chủ tịch hội đồng, Thư ký hội đồng, 3 chuyên gia phản biện và 2 Ủy viên hội đồng.

Theo biên bản họp Hội đồng đánh giá luận án tiến sĩ cấp trường của nghiên cứu sinh Lưu Thị Hồng Nhung, trên cơ sở kết quả bỏ phiếu đánh giá, có 7/7 thành viên Hội đồng bỏ phiếu tán thành, trong đó có 3 phiếu xếp loại xuất sắc.

Hội đồng đề nghị Trường ĐH Bách khoa Hà Nội công nhận học vị và cấp bằng tiến sĩ cho nghiên cứu sinh Lưu Thị Hồng Nhung.

luan-an-tien-sy-ve-ao-nguc-1-1665622825-1665624790.jpg
Nghiên cứu sinh Lưu Thị Hồng Nhung cùng đại diện Viện Dệt may - Da giày và Thời trang, Trường ĐH Bách khoa Hà Nội trong ngày bảo vệ luận án tiến sĩ (Ảnh: Nguyễn Liên).

Về ý nghĩa khoa học của luận án, Hội đồng đánh giá luận án đã thiết lập được phương án đo trực tiếp áp lực của áo ngực nữ trên cơ sở thiết bị đo áp lực đã được thiết kế, đáp ứng yêu cầu thực nghiệm góp phần xây dựng cơ sở khoa học để thiết lập thiết bị đo áp lực trang phục bó sát người.

Thứ hai, thiết lập được phương pháp đo 3D kích thước ngực nữ, xác định được mối quan hệ của 3 thông số cơ thể và 18 kích thước ngực nữ sinh miền Bắc Việt Nam. Trích chọn được kích thước ngực đặc trưng ứng dụng các giải thuật PCA (Principal Component Analysis), RF (Random Forest) và LVQ (Learning Vector Quantization), phân nhóm ngực nữ sinh ứng dụng Ứng dụng K-means clustering.

Thứ ba, xác định được ảnh hưởng của các kích thước ngực đặc trưng tới áp lực, độ tiện nghi áp lực của áo ngực nữ thông qua các mối quan hệ đơn biến và đa biến.

Về ý nghĩa thực tiễn, thứ nhất, luận án đã thiết kế, chế tạo được hệ thống đo tự động áp lực áo ngực đồng thời tại 8 vị trí, đơn giản, dễ sử dụng. Thiết bị đo áp lực áo ngực đã được thiết kế và chế tạo có thể sử dụng cho các nghiên cứu khác về áp lực trang phục trong phạm vi từ 0/7kPa.

Đo được các giá trị áp lực của áo ngực tại các vị trí đo với độ chính xác 0,1kPa, giúp đánh giá được độ tiện nghi áp lực, góp phần xây dựng cơ sở để kiểm soát và nâng cao độ tiện nghi áp lực của áo ngực nữ.

Thứ hai, thiết kế, chế tạo được hệ thống quét 3D ngực dùng ánh sáng cấu trúc mã Gray code and Line Shifting, 2 máy ảnh phạm vi đo 500x500x600mm. Ứng dụng phương pháp đo 3D không tiếp xúc để đo được các kích thước ngực nữ. Đo được 18 kích thước ngực nữ sinh và 3 thông số cơ thể; xác định được mối quan hệ giữa các kích thước này.

Xác định được các kích thước ngực đặc trưng, phân nhóm ngực nữ sinh làm tiền đề cho các nghiên cứu tiếp theo trong việc xác định ảnh hưởng của kích thước ngực đặc trưng tới áp lực và độ tiện nghi áp lực của áo ngực, góp phần xây dựng cơ sở khoa học để thiết lập hệ thống cỡ số áo ngực, thiết kế và lựa chọn áo ngực.

Thứ ba, xác định được mối quan hệ giữa các kích thước ngực đặc trưng với áp lực và độ tiện nghi áp lực áo ngực nữ. Đây sẽ là cơ sở để các nhà sản xuất áo ngực tham khảo khi thiết kế kích thước, cấu trúc, lựa chọn vật liệu cho áo ngực để góp phần đảm bảo áp lực và độ tiện nghi áp lực phù hợp với người mặc.

Thứ tư, phương pháp xác định áp lực và độ tiện nghi áp lực áo ngực trong luận án này có thể sử dụng để nghiên cứu ảnh hưởng của các yếu tố khác đến áp lực và độ tiện nghi áp lực của áo ngực nữ nhằm cải thiện độ tiện nghi cho người mặc.

Hội đồng cũng đánh giá, phương pháp nghiên cứu được ứng dụng trong luận án có tính hợp lý, hiện đại và độ tin cậy.

Về các kết quả mới, Hội đồng kết luận, luận án đã thiết lập được hệ thống đo đồng thời áp lực áo ngực lên cơ thể người mặc bằng cảm biến áp khí tại 8 vị trí đo, và đo áp lực áo ngực ở 3 trạng thái: tĩnh, động, tĩnh kết hợp động.

Bên cạnh đó, xác định được các kích thước ngực nữ sinh Bắc Việt Nam đa dạng bằng phương pháp đo 3D không tiếp xúc trên hệ thống quét 3D đã thiết lập và phần mềm Geomagic Design X.

Phân tích được mối quan hệ giữa các kích thước ngực. Xác định được các kích thước ngực đặc trưng và phân nhóm ngực nữ sinh ứng dụng các giải thuật PCA (Principal Component Analysis), RF (Random Forest) và LVQ (Learning Vector Quantization), góp phần xây dựng cơ sở lựa chọn các kích thước ngực cho các nghiên cứu về nhân trắc ngực và áp lực của áo ngực nữ.

Luận án cũng đã phân nhóm được ngực nữ sinh Bắc Việt Nam thành 3 nhóm: ngực nhỏ, ngực trung bình, ngực lớn, tương ứng với các hình dạng ngực phẳng, ngực hình nón và ngực tròn bằng cách ứng dụng giải thuật K-means clustering.

Đồng thời, xác định được ảnh hưởng của các kích thước đặc trưng của ngực nữ sinh tới áp lực và độ tiện nghi áp lực của áo ngực nữ, mối quan hệ giữa các kích thước ngực đặc trưng với áp lực của áo ngực, với độ tiện nghi áp lực, giữa áp lực và độ tiện nghi áp lực của áo ngực thông qua các mô hình hồi quy tuyến tính đơn biến và đa biến với kỹ thuật BMA (Bayesian Model Averaging) trên phần mềm R.

Được biết, trước đó, nghiên cứu sinh Lưu Thị Hồng Nhung đã công bố 8 bài báo thể hiện kết quả nghiên cứu của luận án, trong đó có 1 bài báo trên tạp chí quốc tế thuộc danh mục Web of science, 3 bài báo quốc tế thuộc danh mục Scopus, 4 bài báo trên các tạp chí trong nước. Đây đều là các tạp chí khoa học chuyên ngành uy tín.

Theo PGS.TS Trần Minh Nam, Trường ĐH Công nghiệp Dệt may Hà Nội, thành viên Hội đồng đánh giá, áo ngực là sản phẩm đặc thù của ngành dệt may và nghiên cứu này không chỉ có ý nghĩa thực tiễn, áp dụng được cho nữ sinh ở miền Bắc Việt Nam, mà có thể áp dụng cho tất cả đối tượng sử dụng sản phẩm này.

PGS Nam nhấn mạnh, kết quả nghiên cứu từ luận án cũng là cơ sở khoa học để phát triển rất nhiều nghiên cứu khác có ý nghĩa ứng dụng./.