Phiên tòa xử các cựu quan chức tỉnh Khánh Hòa liên quan đến sai phạm tại các dự án trên núi Chín Khúc chùng xuống khi các bị cáo nói lời sau cùng, cúi đầu xin lỗi nhân dân.
“Cho tôi được cúi đầu xin lỗi lãnh đạo Đảng, Nhà nước, chính quyền, nhân dân tỉnh Khánh Hòa vì sự lầm lỗi, không hoàn thành trách nhiệm và sự tin cậy đã dành cho tôi” - bị cáo Nguyễn Chiến Thắng (cựu chủ tịch UBND tỉnh) nói.
Không thể lấy mục đích để biện minh
Trước đó, khi tự bào chữa cho mình, ông Thắng dành nhiều thời gian nói về bối cảnh ra đời của dự án sinh thái tâm linh Cửu Long Sơn Tự. Ông kể lại chuyện núi Chín Khúc thường xuyên bị máy bay Mỹ ném bom Napalm để hủy hoại trong kháng chiến chống Mỹ vì là nơi che chở cho các chiến sĩ cách mạng trên đường vào chiến khu Đồng Bò. Rất nhiều chiến sĩ cách mạng đã hy sinh trên núi. Khi đó ông mới bảy tuổi, học tiểu học tại ngôi trường gần chân núi.
Ông Thắng kể tiếp khi ông làm chủ tịch UBND tỉnh, ông trăn trở khi cây cối trên núi Chín Khúc lên không nổi vì hậu quả của thuốc diệt cỏ mà máy bay Mỹ ném xuống trong chiến tranh. Cả một vùng vẫn là đất trống đồi núi trọc. Muốn trồng được cây thì phải đào bỏ lớp đất mặt. Bị cáo Thắng nói khi Công ty TNHH Sản xuất và Xây dựng Khánh Hòa (viết tắt là Công ty Khánh Hòa) đề xuất đầu tư trồng rừng, bảo vệ, phục hồi rừng trên núi Chín Khúc, cá nhân ông rất mừng.
“Riêng khu tâm linh thì tôi và anh Tám Tự (ông Nguyễn Văn Tự, cựu Bí thư Tỉnh ủy Khánh Hòa - PV) nghĩ ra. Khu vực này cũng là chiến trường, nhiều người chết, làm khu tâm linh là để tưởng nhớ những người đã hy sinh, đã mất. Đó cũng là nơi thu hút khách du lịch để phát triển kinh tế. Chúng tôi rất ủng hộ nhà đầu tư. Đây là tâm huyết chính đáng” - ông Thắng nói.
Trong lời nói sau cùng, bị cáo Thắng nói cá nhân ông cùng tập thể Thường trực UBND tỉnh, Ban Thường vụ Tỉnh ủy thời kỳ đó rất tâm huyết, dành nhiều thời gian, công sức để tìm cách triển khai dự án thành công với mục tiêu tốt đẹp, không xuất phát từ động cơ vụ lợi.
Những người dự tòa có thể tin những lời gan ruột của cựu chủ tịch UBND tỉnh. Song giữa sự mong muốn, tâm niệm thúc đẩy, thực hiện dự án mang lại lợi ích kinh tế, giá trị tinh thần cho địa phương với những quy định pháp luật hiện hành, ông Thắng đã không lựa chọn cách hành xử đúng.
Hai cựu chủ tịch tỉnh bị đề nghị phạt 5-7 năm tù
Đại diện VKS đề nghị HĐXX tuyên bảy bị cáo phạm tội vi phạm các quy định về quản lý đất đai. VKS đề nghị phạt bị cáo Nguyễn Chiến Thắng (cựu chủ tịch UBND tỉnh Khánh Hòa) 6-7 năm tù, Lê Đức Vinh (cựu chủ tịch UBND tỉnh) và Đào Công Thiên (cựu phó chủ tịch UBND tỉnh) mỗi bị cáo 5-6 năm tù.
Các bị cáo Lê Mộng Điệp (cựu giám đốc Sở TN&MT), Võ Tấn Thái (cựu giám đốc Sở TN&MT), Lê Văn Dẽ (cựu giám đốc Sở Xây dựng) bị đề nghị phạt 4-5 năm tù, Trần Văn Hùng (cựu chi cục trưởng Chi cục Quản lý đất đai - Sở TN&MT) 3-4 năm tù.
Bất chấp pháp luật và lời cảnh tỉnh
VKSND tỉnh Khánh Hòa xác định với vai trò là người đứng đầu, ông Thắng đã thực hiện nhiều chỉ đạo xuyên suốt bằng văn bản, trực tiếp ký các văn bản chỉ đạo về chủ trương, ký các quyết định giao đất để thực hiện dự án sinh thái tâm linh Cửu Long Sơn Tự trái quy định pháp luật.
Cụ thể, ông Thắng đã cho chủ trương “biến” trang trại thành dự án biệt thự trên núi Chín Khúc; ký quyết định giao 513 ha đất cho Công ty Khánh Hòa trái quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất; ký quyết định điều chỉnh đất thương mại dịch vụ thành đất ở lâu dài trong khi quy hoạch khu vực này là đất trồng rừng sản xuất, đất đồi núi chưa sử dụng. Chưa hết, ông Thắng còn chỉ đạo san lấp mặt bằng dự án trên núi Chín Khúc khi chưa đánh giá tác động môi trường, chưa có giấy phép xây dựng…
Tương tự, khi cho thực hiện dự án biệt thự sông núi Vĩnh Trung trên núi Chín Khúc, ông Thắng ký quyết định phê duyệt quy hoạch chi tiết 1/500 và chỉ đạo bỏ qua quy hoạch 1/2.000, bất chấp các quy định pháp luật. Từ chỉ đạo của ông Thắng, hàng loạt quyết định, công văn, tờ trình của UBND tỉnh, các sở, ngành đã ban hành trái quy định pháp luật.
Tại phiên tòa, nhiều bị cáo là cựu lãnh đạo UBND tỉnh, cựu giám đốc các sở đã đau xót và cả oán trách nói rằng nếu không có các quyết định, các công văn kết luận, chỉ đạo của ông Thắng thì họ không phải đứng trước tòa nghe luận tội, chờ phán xét như những ngày qua.
Chính vì thế, khi đứng cạnh nhiều cựu đồng sự, cấp dưới nói lời sau cùng, ông Thắng bày tỏ: “Tôi cho rằng vụ án này là bài học xương máu, là lời cảnh tỉnh cho các thế hệ lãnh đạo kế tiếp trong việc nhận thức và áp dụng pháp luật, để không xảy ra các vụ việc tương tự trong tương lai”.
Có thể đó là những lời thốt ra từ gan ruột, gửi gắm chân thành của ông Thắng đối với những người lãnh đạo đương nhiệm. Một lãnh đạo đã “hết thời”, một người đã vướng vòng lao lý nói lên những lời như thế, dẫu có nhằm mục đích xin giảm nhẹ hình phạt thì đó cũng là lời cảnh tỉnh, lời nhắc nhở đối với những ai đang thay mặt người dân quản lý tài nguyên đất nước.
Nhiều người nói rằng lời xin lỗi của cựu chủ tịch tỉnh cũng như các bị cáo khác là cựu lãnh đạo đã muộn màng. Tuy nhiên, những lời gửi gắm của ông Thắng rất đáng để suy ngẫm.
“Mong các lãnh đạo sau này rút ra được bài học”
Ngoài bị cáo Nguyễn Chiến Thắng, cả năm bị cáo là các cựu quan chức còn lại tại phiên tòa đều bày tỏ ân hận về những sai phạm của mình khi nói lời sau cùng.
Bị cáo Lê Đức Vinh (cựu chủ tịch UBND tỉnh Khánh Hòa) nói rằng đây là lỗi lầm của mình, một cái lỗi mà lẽ ra nếu sáng suốt trong quá trình tổ chức triển khai thực hiện sẽ tốt hơn, không để tình trạng như hôm nay: “Tôi nghĩ rằng quá trình công tác, mình đã cố gắng hoàn thành nhiệm vụ nhưng để xảy ra những thiếu sót, vi phạm pháp luật, tôi thấy mình rất có lỗi với Đảng bộ, nhân dân tỉnh Khánh Hòa, có lỗi trước Đảng, Nhà nước, Chính phủ. Tôi rất ân hận và mong muốn những đồng nghiệp sau này sẽ tránh đi những lỗi lầm như thế”.
Còn bị cáo Đào Công Thiên (cựu phó chủ tịch UBND tỉnh) bày tỏ: “Bị cáo tin tưởng các thế hệ lãnh đạo sau này rút ra được những bài học kinh nghiệm và đi với bước chân vững chãi”.