Bộ Công thương vừa có cuộc làm việc trực tuyến với nhiều hiệp hội, doanh nghiệp ngành hàng về việc gỡ khó khăn cho giải pháp "3 tại chỗ".

Theo Bộ Công thương, nhiều doanh nghiệp chia sẻ muốn dừng sản xuất theo mô hình '3 tại chỗ'. Khó khăn lớn nhất trong việc triển khai “3 tại chỗ” đó là cơ sở hạ tầng của doanh nghiệp không đủ điều kiện đáp ứng công tác phòng chống dịch, chi phí thực hiện lớn.

Bên cạnh đó, quy định, hướng dẫn của các cơ quan liên quan chưa cụ thể, thiếu nhất quán khiến doanh nghiệp lúng túng trong quá trình thực hiện.

Loạt đề xuất mới cứu doanh nghiệp "3 tại chỗ"
Khó khăn lớn nhất trong việc triển khai “3 tại chỗ” đó là cơ sở hạ tầng của doanh nghiệp không đủ điều kiện thực hiện. Ảnh: VOV.

Đặc biệt, theo phản ánh của các doanh nghiệp, khi thấy có một số bất cập xảy ra, thay vì tìm giải pháp tháo gỡ, hỗ trợ doanh nghiệp, các tỉnh lại ra quy định dừng thực hiện “3 tại chỗ” làm ảnh hưởng đến những doanh nghiệp có đủ điều kiện triển khai.

Bộ này cũng cho biết, các doanh nghiệp kiến nghị các cơ quan quản lý bổ sung các quy định về hình thức tổ chức sản xuất trong điều kiện vừa thực hiện cách ly, vừa sản xuất kinh doanh tại doanh nghiệp, cơ sở sản xuất kinh doanh.

Ngoài ra, họ cũng mong muốn bổ sung các hình thức khác cho doanh nghiệp được lựa chọn, đặc biệt cần có các quy định cụ thể đối với trường hợp người lao động được về nhà, có cam kết của doanh nghiệp với địa phương, người lao động với doanh nghiệp, và di chuyển bằng phương tiện cá nhân giữa nơi ở của gia đình và cơ sở sản xuất, kinh doanh.

Họ cũng cần các Bộ có hướng dẫn tới các địa phương xây dựng các kịch bản, lộ trình phục hồi sản xuất tương ứng với các kịch bản diễn biến của dịch bệnh để các doanh nghiệp có kế hoạch bố trí sản xuất phù hợp.

Đồng thời, có quy định về tổ chức thực hiện xét nghiệm cộng gộp định kỳ, lấy mẫu trực tiếp tại doanh nghiệp nhằm cắt giảm chi phí, thời gian cho doanh nghiệp và các cơ sở y tế cũng như tránh tập trung đông người gây mất an toàn phòng dịch.

Cần có quy định cụ thể các điều kiện cần thiết để cho phép doanh nghiệp được hoạt động trở lại tương ứng với các kịch bản khác nhau như hoạt động 30%, 50%, 70% cho tới 100% công suất như trước thời điểm diễn ra dịch bệnh.

Đáng lưu ý, các doanh nghiệp đề nghị các quy định cũng cần rõ ràng về việc thẩm quyền của địa phương khi quyết định tạm dừng hoạt động sản xuất trên quy mô lớn trong phạm vi toàn bộ khu, cụm công nghiệp trên địa bàn bởi các quyết định này ảnh hưởng rất lớn đến doanh nghiệp.

Do đó, họ cho rằng, nên có yêu cầu phải báo cáo Tổ công tác đặc biệt của Chính phủ thực hiện công tác phòng, chống dịch COVID-19 và Trưởng Ban Chỉ đạo quốc gia phòng, chống dịch COVID-19 xem xét, quyết định.

Bên cạnh đó, các doanh nghiệp cũng đề xuất cho phép hiệp hội, doanh nghiệp tự tìm kiếm các nguồn cung vaccine và tạo điều kiện lưu thông hàng hoá cũng như việc các thay đổi chính sách nên có lộ trình và thời gian báo trước để doanh nghiệp kịp lên kế hoạch và ứng phó với tình hình, không nên quá đột ngột khiến doanh nghiệp không kịp trở tay.