Không như kỳ vọng, trong hàng chục năm qua, công nhân công ty lẫn người dân phải sống khổ sở bên cạnh đất rừng cao su khi tranh chấp, kiện tụng kéo dài, gây mất ANTT địa bàn. Trong khi đó, đất giao để trồng cao su, công ty cho tư nhân để trồng keo, trồng tràm hoặc làm trang trại chăn nuôi gà, lợn.

nguoinghe.vn
Chiếm diện tích lớn song hiệu quả kinh tế từ cây cao su ở Hà Tĩnh mang lại hiện đang rất thấp.

Năm 2009, hai vợ chồng ông Lê Hữu Chí và Phan Thị Thu, trú tại xóm 3, xã Hương Giang, huyện Hương Khê (Hà Tĩnh) tiến hành trồng keo trên phần đất tại lô 17, khoảnh 6, tiểu khu 200 xã Hương Giang, với diện tích 82ha do UBND xã Hương Giang cấp cho gia đình từ năm 1992 thì bị Công ty TNHH MTV Cao su Hương Khê (Công ty Cao su Hương Khê) ngăn cản, sau đó làm đơn khởi kiện ra tòa án. Vụ việc kéo dài đến năm 2011, tòa án hai cấp tại tỉnh Hà Tĩnh đã mở các phiên xét xử, buộc ông Lê Hữu Chí phải di dời toàn bộ số cây keo đang trồng trên diện tích 7ha để trả lại đất cho công ty.

Vụ việc sau đó được Viện KSND tối cao ban hành quyết định kháng nghị tái thẩm, hủy 2 bản án nêu trên. Ngày 30/10/2019, TAND huyện Hương Khê mở phiên tòa sơ thẩm, bác toàn bộ nội dung đơn khởi kiện của Công ty Cao su Hương Khê. Công ty làm đơn kháng cáo nhưng tại Tòa án cấp phúc thẩm, doanh nghiệp này đã bất ngờ rút đơn khởi kiện.

Theo hồ sơ, đất của ông Lê Hữu Chí đã được UBND xã Hương Giang cấp từ năm 1992, trong khi đó tháng 1/2003, UBND tỉnh Hà Tĩnh mới cấp bìa đất cho Công ty Cao su, chồng lấn lên diện tích đất của hộ gia đình ông Chí. Mặc dù đã có phán quyết của tòa án nhưng từ nhiều năm nay, ông Chí làm hồ sơ xin cấp đất nhưng không được giải quyết vì phần đất này nằm trong diện tích đất đã được cấp bìa cho công ty.

Bức xúc, tháng 9/2021, vợ chồng ông Chí đã dùng cọc gỗ và dây thép gai rào 8 thửa đất và 3 lô cây cao su của công ty nên bị Chủ tịch UBND huyện Hương Khê ban hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính, Đến nay, quyết định nói trên vẫn chưa được thực thi. Theo báo cáo của UBND xã Hương Giang, đây là vụ việc phức tạp, tiềm ẩn yếu tố gây ảnh hưởng đến tình hình an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội trên địa bàn nên chưa thể tổ chức việc cưỡng chế.

Liên quan đến tranh chấp đất lâm nghiệp với doanh nghiệp trồng cây cao su, mới đây nhất, vào ngày 1/2/2024, UBND huyện Kỳ Anh vừa ban hành văn bản chỉ đạo cơ quan chức năng trên địa bàn quyết liệt vào cuộc để xử lý việc tranh chấp, lấn chiếm đất của Công ty TNHH MTV Cao su Hà Tĩnh (Công ty Cao su Hà Tĩnh) xảy ra tại địa bàn xã Kỳ Lạc. Xuất phát từ việc đầu tháng 1/2024, ông Phan Tiến Chương, trú tại thôn Lạc Thắng tự ý lấn 1,1ha đất, sau đó hàng trăm hộ dân khác đã lấn chiếm khoảng 27,6ha để trồng keo.

Chính quyền sở tại cho biết, tình trạng này diễn ra từ tháng 3/2018, tính đến nay đã có 9 đợt chiếm đất quy mô lớn. Ly do ông Chương cho rằng, từ năm 2000, ông đã có đơn yêu cầu cơ quan có thẩm quyền giải quyết việc Công ty Cao su Hà Tĩnh sử dụng đất của ông nhưng không đền bù song không được quan tâm, xử lý.

Theo báo cáo của huyện Kỳ Anh, thời gian qua, công tác quản lý đất cao su trên địa bàn diễn biến phức tạp, nhất là từ cuối năm 2017 đến nay. Công ty không bố trí đủ lực lượng cho công tác quản lý, bảo vệ đất rừng, dẫn đến để người dân lấn chiếm trái phép. Tại xã Kỳ Sơn, tháng 9/2013 có hơn 50 hộ dân đã chiếm đất với diện tích 14,9ha. Đây là phần đất cấp cho Công ty Cao su, nhưng doanh nghiệp này lại trồng keo và khi vừa khai thác keo để tiến hành trồng lại thì người dân lấn chiếm. Điều này một phần xuất phát từ việc, năm 2011 Công ty Cao su được tỉnh Hà Tĩnh cho thuê 337ha, nhưng đến năm 2017 đo đạc lại thì diện tích này đội lên hơn 348ha. Trong số này, thay vì trồng cây cao su theo như quy hoạch đã phê duyệt thì công ty lại trồng keo, với diện tích lên đến gần 224ha.

Theo người dân, việc họ xâm chiếm đất xuất phát từ việc, trong nhiều năm qua, một số cán bộ, công nhân trong và ngoài địa phương sử dụng đất của công ty hàng chục năm nay, với diện tích hàng chục ha, nhưng không trả lại cho công ty mà vẫn tiếp tục trồng cây keo tràm, thậm chí còn mua bán, chuyển nhượng cho một số người dân gây dư luận, bức xúc cho bà con nhân dân. Trong khi người dân đất sản xuất ít, ngày càng bị thu hẹp nên gặp rất nhiều khó khăn về đất canh tác. Huyện Kỳ Anh cũng cho rằng, từ năm 2017, thực hiện phương án sử dụng đất đã được UBND tỉnh phê duyệt, toàn bộ diện tích đất tại huyện Kỳ Anh công ty không có nhu cầu tiếp tục sử dụng nên không có kế hoạch sử dụng đất, không bố trí lực lượng quản lý diện tích được thuê, đất để hoang không sử dụng dẫn đến người dân xâm chiếm.

Tại huyện Đức Thọ, từ năm 2006 Công ty Cao su Hương Khê đã được giao 1.879,3ha trên địa bàn 9 xã để quản lý, trồng và sản xuất kinh doanh nghề rừng. Quá trình sử dụng đất, xảy ra tình trạng một số diện tích của công ty bị chồng lấn vào phần đất của các hộ gia đình. Việc quản lý ranh giới đất được nhà nước giao, cho thuê chưa hiệu quả, có tình trạng người dân phát rừng để trồng keo trên đất công ty và một số diện tích được giao trồng cao su công ty đã chuyển sang trồng keo.

Trên địa bàn huyện Can Lộc, diện tích đất của Công ty Cao su Hà Tĩnh được giao là hơn 730ha phân bổ tại 4 xã. Trong số này, theo báo cáo thì hiện nay công ty có liên doanh, liên kết với 71 hộ gia đình cá nhân trồng keo nguyên liệu với diện tích 616,37ha. Tuy nhiên, việc xác định diện tích các hộ gia đình cá nhân đang sử dụng đất nằm trong ranh giới sử dụng đất của công ty cũng như việc làm rõ diện tích các hộ gia đình cá nhân đang sử dụng có hồ sơ giao khoán hay không là rất khó khăn. Nguyên nhân là do quá trình quản lý, sử dụng, hợp đồng giao khoán công ty không thông qua địa phương, hợp đồng giao khoán không chỉ người dân trên địa bàn mà còn có người của các địa phương khác. Cũng trên địa bàn huyện này, có tình trạng một số hộ nhận khoán chưa thực hiện sản xuất lâm nghiệp, chuyển nhượng hợp đồng trái quy định, nhưng chưa được kiểm tra, chấn chỉnh, xử lý kịp thời.

Tại huyện Hương Khê, diện tích đất mà 2 công ty cao su được giao là 14.833,26ha, chiếm hơn 10% diện tích tự nhiên của toàn huyện. Hiện nay, trong tổng số 7.578,3ha được giao cho Công ty Cao su Hương Khê, 1.487,04ha đã được công ty và cán bộ công nhân trồng cây keo; 892,42ha được giao khoán cho 378 hộ nhận khoán trồng cây keo và 228,55ha khác 72 hộ dân khác xâm chiếm để trồng keo. Trong khi đó, Công ty Cao su Hà Tĩnh được giao 7.254,96ha, có đến 2.627,54ha công ty đã trồng keo và giao khoán cho các hộ trồng keo. Ngoài ra, còn có diện tích 2ha công ty sử dụng không đúng mục đích khi xây dựng các chuồng, trại chăn nuôi.

Theo báo cáo của huyện Hương Khê, quá trình sử dụng đất 2 công ty cao su còn tồn tại nhiều bất cập như hiệu quả sử dụng đất một số vùng chưa cao, một số lô cây cao su đã kém hiệu quả, có nhiều diện tích cây cao su đã già cỗi; một số diện tích cây cao su của Công ty Cao su Hương Khê được trồng trên đất có độ dốc lớn, chất lượng đất không phù hợp nên cây cao su sinh trưởng và phát triển kém.

Việc quản lý diện tích đất rừng sản xuất còn nhiều bất cập, tình trạng tranh chấp, lấn chiếm diễn ra, tiềm ẩn phức tạp. Công tác giao khoán rừng và đất lâm nghiệp còn nhiều bất cập; diện tích, đối tượng, thời hạn giao khoán chưa phù hợp với quy định của pháp luật. Công ty chưa thực hiện tốt chức năng quản lý, sử dụng đối với hộ nhận khoán dẫn đến tình trạng các hộ nhận khoán tự ý chuyển nhượng, tự sản xuất, có hộ sử dụng đất không đúng mục đích, xảy ra tranh chấp, mất ổn định tình hình. Tương tự, tại huyện Vũ Quang trong số 2.252.64ha đất được cấp để trồng cây cao su, hiện nay 93.55ha công ty liên kết với các hộ gia đình để trồng cây keo nhưng không thông qua địa phương.