Sau 8 năm sinh sống cùng với ông bà nội, vào tháng 6 vừa qua, vợ chồng anh Nguyễn Đình Đức và chị Trần Thị Hồng (thôn Tượng Sơn, xã Sơn Hàm, huyện Hương Sơn) xây cất được căn nhà cấp 4 dưới chân đồi mà trước đây gia đình dùng để trồng chè.
Tuy nhiên, niềm vui chẳng kéo dài được lâu bởi trận mưa lớn cuối tháng 9 đã khiến hàng trăm khối đất từ quả đồi phía sau nhà bị sạt lở, tràn xuống ngôi nhà.
“Lúc 2 giờ sáng 25/9, mưa như trút nước nên anh Đức thức dậy để xem xét tình hình. Lúc sau, tôi nghe tiếng động mạnh từ trên núi rồi sau đó đất đá ào ào tràn xuống vùi lấp phòng ngủ của 3 mẹ con. Vợ chồng tôi lấy búa đinh cố gắng phá cửa phòng ngủ rồi đưa 2 con ra ngoài.
Do bị đất đá chèn lên người nên con trai 4 tuổi bị gãy xương đùi, phải đưa ra Nghệ An điều trị, còn bé gái 3 tuổi do sợ hãi nên cũng ngất đi”, chị Trần Thị Hồng nhớ lại.
Được sự giúp đỡ của hàng xóm và chính quyền địa phương, hậu quả vụ sạt lở dần được khắc phục. Sau sự cố đó, gia đình chị Hồng không dám sinh hoạt trong căn nhà mới xây mà chuyển về lại ở với ông bà nội.
“Khu vực gia đình chị Hồng dựng nhà nằm ngay dưới chân đồi. Trong quá trình san gạt làm nền đã lấy hết đất phía chân núi nên khi có mưa lớn, phần đất phía trên bị ngấm nước nên đã đổ, tràn xuống dẫn tới vụ sạt lở”, Chủ tịch UBND xã Sơn Hàm Phan Xuân Hải thông tin.
Ngay sau sự việc ở xã Sơn Hàm, UBND huyện Hương Sơn đã yêu cầu các địa phương rà soát, bổ sung vùng có nguy cơ sạt lở đất để có phương án ứng phó.
Ông Phan Xuân Đức - Phó Phòng phụ trách Phòng NN&PTNT huyện Hương Sơn cho hay: “Hiện có 20/25 xã, thị trấn trên địa bàn có nguy cơ xảy ra sạt lở đất với với 437 hộ/1.485 nhân khẩu. Các xã có nguy cơ sạt lở cao là: Sơn Kim 1, Sơn Kim 2, Sơn Tây, Sơn Lĩnh, Sơn Hồng, Sơn Lâm, Sơn Giang, Sơn Lễ, Sơn Tiến, Sơn Hàm...”.
Huyện miền núi Hương Khê cũng là địa bàn thường xuyên đối mặt với nỗi lo sạt lở đất mỗi mùa mưa bão. Ngành chức năng địa phương xác định có 490 hộ với 1.688 nhân khẩu nằm trong vùng nguy cơ cao xảy ra sạt lở đất, tập trung ở các xã: Hương Trạch, Phúc Trạch, Hương Đô, Hương Lâm, Lộc Yên, Phú Phong, Hương Vĩnh, Hương Thủy, Gia Phố, Điền Mỹ, Hà Linh….
“Thời gian qua đã có nhiều trận mưa lớn khiến đất đai ở vùng đồi “ngấm no nước” nên đợt này nếu tiếp tục có mưa kéo dài thì nguy cơ sạt lở lại rất cao. Huyện đã chỉ đạo các xã, thôn bám nắm địa bàn, lấy số điện thoại từng hộ dân ở các vùng nguy hiểm để cảnh báo, sơ tán người dân tới nơi an toàn khi có dấu hiệu nguy hiểm”, Phó Chủ tịch UBND huyện Hương Khê Phan Kỳ thông tin.
Năm 2020, do ảnh hưởng của mưa lũ, Hà Tĩnh có trên 170 vị trí bị sạt lở (khu vực chân núi, tuyến đường giao thông, bờ kè, mái taluy, chân cầu, bờ biển, kè chắn sóng) tại 11 huyện, thị xã với khối lượng ước tính gần 700.000m3 đất đá. Các địa phương mức độ sạt lở tập trung cao là: Cẩm Xuyên, Hương Sơn, Hương Khê, TX Kỳ Anh, Vũ Quang, Nghi Xuân, Kỳ Anh.
“Chúng tôi mong muốn các cấp chính quyền có sự hỗ trợ để chuyển tới nơi ở mới, chứ cứ sống thấp thỏm dưới chân núi bị sạt lở thế này cũng rất bất an. Đợt mưa lớn mới đây, gia đình tôi đã phải sơ tán tới nhà của người thân để đảm bảo an toàn”, chị Nguyễn Thị Hà - hộ dân sống dưới chân núi Nam Giới, thôn Tân Phong, xã Đỉnh Bàn (Thạch Hà) bày tỏ.
Trong mùa mưa lũ năm nay, ngoài vụ việc sạt lở đất ở xã Sơn Hàm thì trên địa bàn Hà Tĩnh cũng đã xảy ra một số vụ sạt lở núi khiến nhiều tuyến đường trọng điểm bị ách tắc giao thông.
Trong số này có quốc lộ 8A đoạn huyện Hương Sơn; tỉnh lộ ĐT551, đoạn giáp ranh giữa xã Kỳ Phong với Kỳ Trung (huyện Kỳ Anh); tuyến quốc lộ ven biển Xuân Hội - Thạch Khê - Vũng Áng và đường quốc phòng ven biển, đoạn giáp ranh giữa xã Kỳ Xuân (huyện Kỳ Anh) với xã Cẩm Lĩnh (huyện Cẩm Xuyên)...
Theo Chánh văn phòng Thường trực Ban chỉ huy PCTT&TKCN tỉnh Ngô Đức Hợi: Qua thống kê, toàn tỉnh hiện có 1.332 hộ với 4.280 người dân nằm trong vùng nguy cơ ảnh hưởng về sạt lở đất cần di dời, sơ tán khi có mưa lớn kéo dài. Các địa phương có nguy cơ cao xảy ra sạt đất là: Hương Sơn, Hương Khê, Vũ Quang, huyện Kỳ Anh, Cẩm Xuyên...
“Với tình hình mưa gió phức tạp thời gian qua và dự báo mưa lớn những ngày tới thì chúng tôi tiếp tục yêu cầu các địa phương khẩn trương rà soát, bổ sung các khu vực đồi núi có nguy cơ sạt lở đất, cần phải sơ tán dân khi có dấu hiệu nguy hiểm”, ông Ngô Đức Hợi thông tin./.