"Về cơ bản hiện nay chúng ta đã kiểm soát được tình hình dịch tại các địa bàn trọng điểm như TPHCM, Bình Dương, Long An, Đồng Nai và một số địa phương khác. Tuy nhiên, sau khi nới lỏng giãn cách, lượng người đi lại từ vùng có dịch về các địa phương rất nhiều và đã xuất hiện các ổ dịch mà nguồn lây chủ yếu từ những người trở về từ các vùng dịch”, ông Long nói.
Trao đổi trực tuyến với các điểm cầu UBND tỉnh, thành phố, ông Long nêu rõ, mặc dù các địa phương đã triển khai nhiều giải pháp phòng chống dịch nhưng các tỉnh như Phú Thọ, Thanh Hoá, Nam Định hay một số địa phương ở khu vực Tây Nam bộ đã ghi nhận nhiều ca bệnh liên quan người trở về từ vùng dịch. Vì vậy ông đề nghị các địa phương rà soát lại, kiểm soát người về từ 4 địa bàn TPHCM, Long An, Bình Dương và Đồng Nai.
Ðẩy nhanh tốc độ tiêm vắc xin
Ông Long cho biết, một trong những tiêu chí phân loại cấp độ dịch là độ bao phủ vắc xin. Hướng dẫn của Bộ Y tế đã chỉ rõ cố gắng bao phủ mũi 1 theo đúng đối tượng. Trong tháng 10 đạt bao phủ mũi 2 cho người trên 65 tuổi ở mức tối thiểu 80%; trong tháng 11 đạt mức bao phủ tương tự đối với người trên 50 tuổi. Ông đề nghị các địa phương đã được phân bổ vắc xin phải tăng tốc tiêm chủng. Khi triển khai tiêm vắc xin, phải tuân thủ việc cập nhật dữ liệu thông tin người tiêm lên nền tảng tiêm chủng.
Một tiêu chí quan trọng khác là các địa phương phải chuẩn bị đủ cơ sở vật chất, đặc biệt là hệ thống điều trị, phải đảm bảo giường bệnh cho tình huống có nhiều ca mắc, có máy thở, đầy đủ trang thiết bị cấp cứu, ôxy… để khi dịch xảy ra thì kiểm soát được và giảm thiểu số ca tử vong. Đồng thời phải đào tạo, bồi dưỡng nâng cao năng lực điều trị cho cán bộ y tế. “Đề nghị các địa phương phải chuẩn bị đủ các yêu cầu tiêu chí này. Trong Nghị quyết 128 và quyết định 4800 đều nêu nếu không đảm bảo tiêu chí này sẽ phải nâng cao cấp độ dịch để ứng phó phù hợp”, ông Long nói.
Khoanh vùng phong toả nhỏ nhất
Về đánh giá cấp độ dịch, lãnh đạo Bộ Y tế nhấn mạnh, trong Nghị quyết 128 và Quyết định 4800 đã nêu việc đánh giá cấp độ dịch theo quy mô xã, phường để giảm thiểu ảnh hưởng của dịch đến sự phát triển kinh tế - xã hội. Do đó, các địa phương cần thực hiện theo hướng dẫn. Liên quan đến việc cách li, phong toả phòng chống dịch, ông Long lưu ý các địa phương cần phong tỏa và cách li nhỏ nhất có thể: chỉ vài nhà trong một ngõ hay một vùng nhỏ trong một xã, phường. Trong vùng phong toả, cách li nhỏ, cần làm xét nghiệm nhiều vòng lặp lại. “Xác định khoanh vùng nhỏ nhất để dập dịch và không ảnh hưởng đến đời sống, phát triển kinh tế - xã hội của người dân và không lãng phí nguồn lực chống dịch”, ông nhấn mạnh.
Trong xét nghiệm, phải lưu ý gộp mẫu, kể cả PCR cũng có thể gộp đến 20 mẫu. “Đối với các bệnh viện, chỉ xét nghiệm sàng lọc người có triệu chứng, nếu có bảo hiểm y tế thì bảo hiểm y tế thanh toán, nếu không có thì ngân sách nhà nước chi trả. Không được thu tiền xét nghiệm của người bệnh”, ông Long khẳng định./ .