Ấn Độ vừa tiếp nhận máy bay trực thăng và máy bay tuần tra do Mỹ sản xuất trong một động thái nhằm tăng cường năng lực hải quân và thúc đẩy quan hệ Mỹ-Ấn, khi cả hai nước đều tìm cách chống lại ảnh hưởng ngày càng gia tăng của Trung Quốc ở khu vực Ấn Độ Dương.
Tăng cường năng lực hải quân
Trước đó hôm 13/7, Boeing thông báo chuyển giao thêm một máy bay tuần tra hàng hải P-8I Poseidon cho Ấn Độ. Đây là chiếc thứ 10 kể từ khi Ấn Độ trở thành quốc gia đầu tiên ngoài Mỹ đặt mua máy bay này cách đây hơn 1 thập kỷ. Tiếp đến ngày 16/7, Mỹ đã bàn giao 2 máy bay trực thăng đa chức năng MH-60R (MRH) đầu tiên do tập đoàn Lockheed Martin sản xuất cho Hải quân Ấn Độ.
Đại sứ Ấn Độ tại Mỹ gọi đây là một “cột mốc quan trọng” trong quan hệ quốc phòng Mỹ-Ấn. Người phát ngôn Bộ Quốc phòng Mỹ John Kirby đã chúc mừng Ấn Độ, đồng thời khẳng định các khí tài quân sự nói trên sẽ “tăng cường đáng kể an ninh hàng hải và khả năng tương tác giữa hải quân hai nước”.
Cả MH-60R và P-8 đều có nhiệm vụ chính là tác chiến chống ngầm (ASW). MH-60R được trang bị 2 động cơ turboshaft General Electric T700-GE-401C công suất 1.890 mã lực/động cơ; tốc độ tối đa 270km/h, tầm hoạt động 834km, trần bay 3,5km. Máy bay này được trang bị cảm biến tìm dò và chỉ thị mục tiêu hồng ngoại (FLIR), có khả năng phát hiện nhanh nhạy các mục tiêu trên mặt nước.
P-8 Poseidon được phát triển từ dòng máy bay vận tải Boeing 737NG với thiết kế cánh mới, tích hợp các cảm biến quân sự và thiết bị liên lạc, tải trọng đạn dược lên tới 15 tấn. P-8 có tốc độ hành trình hơn 900 km/h, trần hoạt động 12,5 km, bán kính chiến đấu 3.700 km. Do có 6 thùng nhiên liệu bổ sung nên máy bay này có thể tìm kiếm tại các vùng biển rộng và tuần tra trong thời gian dài tại những khu vực có nguy cơ cao.
Lockheed Martin cho biết, MH-60R là máy bay trực thăng “có khả năng nhất và thích hợp nhất” đối với ASW, còn Boeing khẳng định các khả năng ASW của P-8 là “không có đối thủ”. Việc tiếp nhận những máy bay này phản ánh mối lo ngại của Ấn Độ về hoạt động hàng hải Trung Quốc, đặc biệt là việc Bắc Kinh triển khai tàu ngầm tại Ấn Độ Dương.
Cựu sĩ quan hải quân Abhijit Singh, hiện là giám đốc của Sáng kiến an ninh hàng hải tại Observer Research Foundation (ORF, một tổ chức nghiên cứu tại New Delhi) cho rằng, sự hiện diện của Trung Quốc cùng với tuổi đời ngày càng cao của các máy bay trực thăng trong phi đội là nguyên nhân khiến “các chỉ huy hải quân Ấn Độ ngày càng lo ngại”, vì thế họ đã thúc đẩy việc mua sắm máy bay mới.
“Việc chuyển giao các máy bay nói trên đã mang lại động lực cho hải quân Ấn Độ. Đây là một trong những chương trình mua sắm vũ khí được mong đợi nhất những năm gần đây”, ông Abhijit Singh nói.
Theo ông Abhijit Singh, MH-60R sẽ giúp Hải quân Ấn Độ tăng cường khả năng tìm kiếm cứu nạn, tác chiến chống tàu ngầm và tác chiến chống tàu mặt nước vốn đóng vai trò quan trọng.
Đối phó sự mở rộng ảnh hưởng của Trung Quốc ở “sân nhà”
P-8I và MH-60R chỉ là hai trong số các khí tài mới mà Hải quân Ấn Độ tìm cách bổ sung cho các đơn vị của mình trong bối cảnh căng thẳng leo thang với Trung Quốc – quốc gia có lực lượng hải quân lớn nhất thế giới.
New Dehli dự kiến sẽ bổ sung một tàu sân bay thứ 2 trong vòng vài năm tới và đang có kế hoạch biên chế thêm các tàu mặt nước, tàu ngầm tấn công và tên lửa đạn đạo mới. Trong tuần này, Ấn Độ đã mở thầu đóng mới các tàu ngầm cho Hải quân thuộc Dự án 75I. Dự án có tổng trị giá hơn 7 tỷ USD, được thực hiện theo hình thức hợp tác với các nhà thầu nước ngoài để triển khai sản xuất, lắp ráp tại Ấn Độ. Ngoài ra, Ấn Độ đang nghiên cứu hoặc phát triển một loạt tên lửa đạn đạo phóng từ tàu ngầm hoặc tàu mặt nước và tên lửa chống hạm mới.
New Dehli cũng tăng cường sự hiện diện xung quanh Ấn Độ Dương, xây dựng các căn cứ mới và nhiều cơ sở khác để nâng cao nhận thức về hàng hải và phát huy lợi thế nhờ vị trí chiến lược của mình trong khu vực.
Là quốc gia đóng vai trò quan trọng trong khu vực và trên toàn cầu, Ấn Độ đã và đang dần từ bỏ truyền thống theo đuổi quan điểm trung lập từ thời Chiến tranh Lạnh và hợp tác nhiều hơn với Mỹ. Giới phân tích cho rằng, sở dĩ New Dehli và Washington ngày càng xích lại nhau hơn về mặt an ninh là bởi hai nước đều phải đối phó với những thách thức từ Trung Quốc.
Mỹ và Trung Quốc đã leo thang căng thẳng trong nhiều năm qua trên các lĩnh vực, từ kinh tế, thương mại, ngoại giao, đến không gian mạng. Trong khi đó, Ấn Độ cũng chứng kiến những cuộc xung đột leo thang ở khu vực biên giới tranh chấp với Trung Quốc trên dãy Himalaya trong năm 2020.
Chuẩn Đô đốc Atul Anand, Phó Tham mưu trưởng Hải quân Ấn Độ đã coi việc bàn giao các máy bay P-8I và MH-60R là biểu tượng của “quan hệ đối tác chiến lược toàn cầu ngày càng phát triển”.
Chuyên gia Abhijit Singh nhận định, Mỹ đang “quan tâm một cách rõ ràng” đến việc tăng cường năng lực quân sự của Ấn Độ để giúp nước này thúc đẩy lập trường cứng rắn với Trung Quốc.
“Với việc thương mại quốc phòng song phương đã gia tăng tới hơn 20 tỷ USD trong vài năm qua, nhiều người tin rằng chính quyền Tổng thống Biden đang tiếp nối đà hợp tác Mỹ-Ấn từ thời chính quyền Trump”, ông Abhijit Singh đánh giá./.