Sự kết hợp của nhiều yếu tố khiến Indonesia nhanh chóng "thất thủ" trong đợt bùng dịch Covid-19 mới với sự xuất hiện của biến chủng Delta.

Bệnh viện "thất thủ"

Từ nhà mình ở Pamekasan, Đông Java, bác sĩ Ratna Hermawati có thể nghe thấy tên những bệnh nhân Covid-19 vừa qua đời. Mỗi khi có bệnh nhân Covid-19 qua đời, tên của họ sẽ được thông báo trên loa của địa phương ít nhất 5 lần mỗi ngày.

Lỗ hổng chết người khiến Indonesia "vỡ trận" Covid-19
Số ca nhiễm Covid-19 tăng nhanh khiến nhiều bệnh viện ở Indonesia không đủ giường bệnh, buộc phải lập các bệnh viện dã chiến ở bãi đậu xe (Ảnh: Reuters).

Lẽ ra giờ này Ratna đang bận tối mắt, tối mũi ở bệnh viện, nơi các khoa phòng đều quá tải kể từ khi dịch bùng phát mạnh. Tuy nhiên, sau khi dương tính với SARS-CoV-2, cô buộc phải cách ly tại nhà, 9 đồng nghiệp của cô tại bệnh viện cũng mắc Covid-19 giữa lúc bệnh viện đang quá tải chưa từng có.

Bệnh viện nơi Ratna làm việc là một trong số nhiều bệnh viện của Indonesia "thất thủ" vì đợt dịch mới. Liên tiếp những ngày gần đây, Indonesia ghi nhận số ca mắc mới trong ngày kỷ lục. Hôm 8/7, nước này có thêm hơn 38.000 ca mới và 852 ca tử vong. Giới chuyên gia dịch tễ cho rằng, con số thực tế có thể cao hơn nhiều so với thống kê.

"Chúng tôi biết chúng tôi đã ở giai đoạn hơn 100.000 ca mắc mới mỗi ngày", ông Dicky Budiman, chuyên gia tại Đại học Griffith nói. Tính toán của ông đưa ra dựa vào dữ liệu tử vong ở từng địa phương của Indonesia.

Hình ảnh từ các bệnh viện ở những thành phố lớn của Java cho thấy mức độ nghiêm trọng của đợt dịch lần này. Các lều cấp cứu dã chiến mọc lên trong các bãi đậu xe, nơi bệnh nhân nằm la liệt chờ giường bệnh. Bên ngoài các đại lý bán bình dưỡng khí, người mua xếp hàng dài, trong khi nhiều gia đình không thể tìm được giường bệnh để nhập viện cho người nhà của mình. Phu mộ ở nghĩa trang Rorotan (Jakarta) phải làm việc tới tận đêm khuya. Số vụ chôn cất ở Jakarta đã tăng 10 lần kể từ tháng 5.

Lỗ hổng chết người

"Đây là sự tổng hợp của hàng loạt điểm yếu trong hệ thống của chúng ta. Không thể đổ lỗi hoàn toàn cho virus, thực tế, đây là vấn đề về hành vi của con người", Pandu Riono, chuyên gia dịch tễ tại Đại học Indonesia, nhận định.

Ứng phó đại dịch của Indonesia đã có vấn đề ngay từ đầu. Đến tận ngày 2/3 năm ngoái, nước này mới xác nhận 2 ca Covid-19 đầu tiên mặc dù các dấu hiệu cho thấy virus có thể đã lây lan ở đây từ tháng 1/2020. Thời điểm đó, Bộ trưởng Y tế Indonesia Terawan Agus Putranto đã phản bác một báo cáo của Đại học Havard rằng Indonesia có thể thống kê chưa đầy đủ số ca nhiễm. Quan chức này thậm chí nói rằng, cầu nguyện có thể xua đuổi dịch bệnh.

"Indonesia phải trải qua một đợt bùng phát dịch âm thầm", ông Dicky nói, đồng thời cho rằng Indonesia lẽ ra có thể tận dụng các lợi thế như dân số trẻ và có nhiều đảo để có thể hạn chế đà lây lan của dịch. Tuy nhiên, những lợi thế đó đã bị nhấn chìm bởi sự xuất hiện của Delta - biến chủng dễ lây lan hơn nhiều so với các chủng trước đó của virus SARS-CoV-2. Điều này cùng với việc người dân di chuyển nhiều vào dịp kết thúc tháng lễ Ramadan đã kéo theo những thất bại trong các biện pháp chống dịch ở Indonesia.

"Chính phủ hành động quá chậm trễ trong việc hạn chế đà lây lan của dịch, phân tích dữ liệu và phớt lờ cảnh báo của chuyên gia", Yurdhina Meilissa, chiến lược gia trưởng tại Trung tâm Sáng kiến phát triển và chiến lược Indonesia, bình luận.

Indonesia không muốn áp dụng các biện pháp phong tỏa mạnh trong suốt giai đoạn dịch bùng phát vì lo ngại tác động tiêu cực đến nền kinh tế. Chỉ đến gần đây, giới chức nước này vẫn khuyến khích du lịch nội địa để khôi phục ngành du lịch, khách sạn. Chương trình đó mới chỉ tạm ngừng vào tuần trước khi chính phủ buộc áp đặt các biện pháp cứng rắn hơn do số ca nhiễm ở Java, Bali tăng vọt.

Các chuyên gia y tế cho rằng, chính phủ Indonesia đã đưa ra những thông điệp không rõ ràng và không tăng cường hệ thống y tế, hệ thống giám sát khi dịch bệnh vẫn trong tầm kiểm soát. Hiện tỷ lệ xét nghiệm Covid-19 ở Indonesia vẫn trong nhóm thấp nhất thế giới, trong khi tỷ lệ xét nghiệm cho kết quả dương tính có xu hướng tăng lên.

Các bệnh viện hầu như không thể đối phó với làn sóng Covid-19 hiện tại ở Indonesia. "Những gì đang xảy ra trong các bệnh viện là một sự sụp đổ chức năng", Adib Khumaidi, lãnh đạo thuộc Hiệp hội Y khoa Indonesia, nhận định. Ở bệnh viện của Ratna, hơn một nửa bệnh nhân đang điều trị Covid-19, tỷ lệ này năm ngoái chỉ khoảng 1/3. Hầu hết các ca bệnh khi nhập viện đều đã ở tình trạng bệnh rất nặng - điều chưa từng thấy trước đây.

Tình trạng lây nhiễm trong đội ngũ y tế càng gia tăng sức ép lên hệ thống y tế của Indonesia. Chỉ trong vòng 9 ngày qua, 22 y tá và 35 bác sĩ của Indonesia đã tử vong vì Covid-19./.