Giữa tháng 3 này, về thăm đền Bạch Mã ở xóm 2 làng Liên Trì, xã Liên Thành, huyện Yên Thành mới thấy cảnh sắc nơi đây thật đẹp. Ngay từ đường chính vào đền, một cây gạo vươn cành cao lớn với những bông hoa đỏ chót như thắp lửa…
 
Từ cây gạo, đi qua một đoạn đường ngắn với những nếp nhà bình yên sẽ đến  đền Bạch Mã. Mùa này, khung cảnh đền thật nên thơ, ngay trước sân đền, một hồ hoa súng màu phớt hồng vươn lên cùng khoe sắc.
 
Ngay cổng đền được ghi 2 câu đối: “Phong nguyệt thị vô biên, nguyện giang sơn khả hội/ Phúc tải hà cao cực, hữu vũ trụ dị lai”. Dịch nghĩa: “Nơi trăng gió sáng soi, gốc núi sông đẹp đẽ/ Thật đáng là nơi gặp gỡ của các vị thần linh”.
 

 
Đường vào đền Bạch Mã với cây gạo đỏ rực hoa vào dịp tháng 3 hàng năm.
 
Sân đền là một khoảng đất rộng hình chữ nhật, nền lát gạch nung đỏ. Từ ngoài đi vào, cách cổng đền 2m là một Tắc môn hình cuốn thư có tác dụng ngăn chặn tà khí và tạo ra hai lối đi vào và đi ra đền. Mặt trước Tắc môn đắp nổi phù điêu hổ trong tư thế hạ sơn. Chính giữa hai cột trụ tả và hữu của Tắc môn chữ Hán: “Lẫm lẫm uy linh” (nơi này rất linh thiêng) để nhắc nhở nhân dân mỗi khi vào đền hành lễ. Phía trên tắc môn trang trí “lưỡng long chầu nguyệt”.
 
Nhà Bái đường của đền được phục dựng theo kiến trúc thời Nguyễn gồm 3 gian, 2 hồi văn, khung nhà làm bằng gỗ lim, nền lát gạch đỏ, phía trước gian giữa là hệ thống cửa thượng song hạ bản, 2 gian còn lại thưng ván, 2 hồi phía Đông và phía Tây xây tường bao, phía sau gian giữa để thông với nhà Hậu cung… Hệ thống vì kèo được các nghệ nhân chạm trổ với nhiều đề tài khác nhau như: rồng, phượng, vân mây, hoa lá cách điệu. Trên các điểm nối giữa các cấu kiện gỗ như cổ nghé, bẩy… chạm trổ hoa văn chìm với hình tượng vân mây, sóng nước cách điệu làm cho các cấu kiện được thanh thoát, hài hoà.
 

 
Hồ hoa súng trước đền Bạch Mã.
 
Căn cứ vào long ngai, bài vị, hệ thống bài trí tượng pháp và câu đối, đại tự ở đền Bạch Mã đã cho thấy các nhân vật được thờ chính ở đây gồm: Lý Thái Tổ, Trinh Minh Hoàng Thái Hậu, Uy Minh Vương Lý Nhật Quang. Ngoài ra, năm 2011 nhân dân địa phương phối thờ thêm tại nhà bái đường bao gồm: cung giữa thờ Phật, cung phía Tây thờ các Anh hùng liệt sỹ con em xã Liên Thành, cung phía Đông thờ Tam tòa Thánh Mẫu.
 
Ngược dòng lịch sử, từ năm 1041-1044 Hành doanh của Tri Châu Nghệ An được xây dựng tại trại Bà Hòa, công cuộc xây dựng kinh tế kết hợp với quốc phòng trong thời gian này đang ưu tiên cho địa bàn vùng Nam Thanh Bắc Nghệ. Từ sau năm 1045, công cuộc mở mang khai thác vùng đất Đông Thành được đẩy mạnh. Trong quá trình khai thác đồng ruộng, xây dựng các làng bản tại các địa danh: Kẻ Vẹo, Kẻ Rộc, Kẻ Duội và hai bờ sông Chèn, Tri châu Uy Minh Vương Lý Nhật Quang đã cho xây dựng đền Bạch Mã để thờ thân phụ, thân mẫu của người, tiện cho việc hương khói tri ân, khi đường đi ra kinh đô Thăng Long hay về thôn Cổ Pháp đường xa cách trở. 
 
Đền Bạch Mã nằm ở vị trí đắc địa, phía sau đền trước năm 1965 vẫn là rừng rậm, phía Tây và phía Bắc là dòng sông Chèn uốn lượn, cạnh đền có đình và ngôi chùa làng. Từ làng Liên Trì nói riêng, tổng Vân Tụ nói chung có nhiều con đường đến các địa bàn trong tỉnh như: Đô Lương, Tân Kỳ, Nam Đàn, Thành Chương… Với vị thế thuận lợi, vì thế đền Bạch Mã cũng như các di tích khác trong vùng gắn kết nhiều sự kiện lịch sử. 
 
Trong phong trào Cần Vương kháng Pháp diễn ra năm 1885, Lãnh Ngợi quê làng Đạo Lý, nay thuộc xã Lý Thành nằm sát phía tây xã Liên Thành, ông là một tướng lĩnh xuất sắc của Nguyễn Xuân Ôn đã sử dụng đình Liên Trì và đền Bạch Mã làm nơi luyện tập, ăn nghỉ và cất dấu vũ khí của nghĩa quân…
 

 
Chính điện đền Bạch Mã.
 
Tháng 4/1930, đồng chí Võ Mai cùng đồng chí Võ Nguyên Hiến và đồng chí Nguyễn Ứng đã giả dạng thầy cúng lấy đền Bạch Mã làm địa điểm tuyên truyền, giác ngộ tinh thần yêu nước cho các đồng chí Nguyễn Xuân Hiên, Nguyễn Tâm Tiêu, Nguyễn Tâm Đệ, Nguyễn Bá Đàm, tạo nên những hạt nhân đầu tiên trong phong trào Xô Viết Nghệ Tĩnh tại địa phương. Đầu năm 1931, Nguyễn Bá Đàm (người làng Liên Trì) được bầu làm Bí thư Liên Chi bộ, đền Bạch Mã trở thành nơi hội họp bí mật của các đảng viên ở địa phương thời kỳ 1930-1931.
 
Tháng 11 năm 1934, đồng chí Nguyễn Xuân Hiên ra khỏi nhà lao, được Ngô Tuân và Võ Nguyên Hiến giao nhiệm vụ khôi phục cơ sở đảng ở huyện Yên Thành. Đền Bạch Mã tiếp tục trở thành nơi hoạt động bí mật của Nguyễn Xuân Hiên với Phan Vinh và các đồng chí trung kiên vốn là hội viên Nông hội đỏ thời kỳ xây dựng Xô Viết ở Liên Trì. Chỉ sau một thời gian ngắn, Chi bộ Tổng Vân Tụ gồm các đồng chí Nguyễn Xuân Hiên, Phan Vinh, Lê Điều, Lăng Lai, Lê Du… được thành lập.
 

 
Bàn thờ Lý Thái Tổ và Hoàng hậu Lê Thị.
 
Tháng 1 đến tháng 8 năm 1941, khi cơ quan Xứ uỷ Trung Kỳ, Tỉnh uỷ chuyển về làng Liên Trì, đền Bạch Mã thường được bố trí cho cán bộ Xứ uỷ như Trần Mạnh Quỳ, Trần Đình Trân, Ngô Xuân Hàm… và các đồng chí trong Chi bộ Liên Trì nhận trách nhiệm bảo vệ cơ quan và chuyển tài liệu đi các nơi. Khi các tài liệu chưa có điều kiện chuyển đi, hầu hết đều được cất dấu trong bụng hai con ngựa bạch, trong đồ tế khí ở đình Liên Trì… một phần khác được cất dấu ở đền Bạch Mã.
 
Bà Nguyễn Thị Thảo- 81 tuổi, một trong những người phụ vụ lâu năm ở đền cho biết: “Hàng năm, tại đền Bạch Mã có nhiều kỳ sinh hoạt văn hóa tâm linh, song lễ hội chính ở đền được nhân dân Liên Thành tổ chức vào ngày mồng 3 tháng 3 Âm lịch hàng năm, ngày kỵ giỗ của đức vua Lý Thái Tổ”.
 

 
 Bà Nguyễn Thị Thảo - người phục vụ lâu năm tại đền bên bàn thờ Lý Thái Tổ và Hoàng hậu Lê Thị.
 
Để tưởng nhớ công lao của Uy Minh Vương Lý Nhật Quang và thân phụ, thân mẫu, hàng năm vào ngày 3 tháng 3 Âm lịch, nhân dân địa phương lại tổ chức lễ hội long trọng. Lễ hội đền Bạch Mã diễn ra các bước theo phong tục cổ truyền dân tộc, với các nội dung phong phú bao gồm cả phần lễ và phần hội.
 
Hiện nay, trong khuôn viên đền còn có nhà truyền thống là nơi lưu giữ nhiều hiện vật gắn với quê hương, đồng ruộng như: cày, bừa, máy thổi lúa, nơm, đó, lưỡi hái… các bộ sưu tập hiện vật thể hiện cuộc sống lao động, sản xuất của nhân dân làng Liên Trì xưa. Đặc biệt, tại đây còn lưu giữ một thân cây gỗ cổ dùng để an táng người xưa, được phát hiện gần khu vực đền Bạch Mã năm 2010 với nhiều đồ tuỳ táng quý hiếm như: chảo đồng, mâm đồng, chứng minh khu vực đền Bạch Mã ngày nay trước đây đã từng là một vùng đất cổ của người Việt cổ.