Nhiều F0 từ vùng dịch trở về

Tại Hà Nội, trong những ngày qua liên tiếp ghi nhận các trường hợp Covid-19 trở về từ các vùng có dịch như TP Hồ Chí Minh, Đồng Nai, Tây Ninh. Hầu hết đều được cách ly kịp thời, nhưng cũng có trường hợp di chuyển nhiều nơi, tiếp xúc nhiều người khiến ngành chức năng phải điều tra, truy vết, thậm chí tạm phong tỏa cả tòa chung cư để xử lý dịch tễ.

qua-ham-hai-van1-1634533398.jpg
Nhiều người từ vùng dịch di cư về quê có thể mang theo virus SARS-CoV-2.

Theo ông Khổng Minh Tuấn – Phó Giám đốc CDC Hà Nội, việc người dân di chuyển từ vùng dịch về nhiễm Covid-19 là điều khó tránh khỏi. Việc TP có giữ được bình yên hay không, phụ thuộc một phần vào ý thức của từng cá nhân. Đối với những trường hợp từ vùng dịch trở về, cần tự theo dõi sức khỏe để sớm phát hiện các dấu hiệu bất thường, hạn chế tiếp xúc để tránh lây nhiễm (nếu có).

Một số địa phương khác hiện tiếp tục phát hiện các ca nhiễm trong cộng đồng. Đơn cử, tỉnh Phú Thọ vừa ghi nhận nhiều ca nhiễm mới, trong đó có chùm học sinh dương tính với SARS-CoV-2 chưa rõ nguồn lây. Địa phương này tạm dừng một số hoạt động không cần thiết, đám cưới, đám hỏi, các hoạt động kinh doanh dịch vụ như karaoke, massage, spa, Internet, dịch vụ ăn uống, phòng tập gym, hoạt động thể thao tập trung đông người...

Nhiều địa phương khác như Hà Nam, Thái Bình, Thanh Hóa, Bắc Ninh… tiếp tục ghi nhận nhiều trường hợp F0, trong đó có những chùm lây nhiễm phức tạp.

Nguy cơ lây lan dịch

Theo các chuyên gia y tế, trong những ngày qua, hàng trăm nghìn người từ TP Hồ Chí Minh, Bình Dương, Long An, Đồng Nai… về quê và di chuyển đến các địa phương khác khi mở cửa cả đường bay, đường bộ. Với lượng người di chuyển lớn như hiện nay, một số địa phương đã ghi nhận nhiều trường hợp F0. Trong quá trình di chuyển, nhiều F0 không có triệu chứng, nếu chủ quan, không thực hiện biện pháp 5K, sẽ là nguồn lây trong cộng đồng. Theo các chuyên gia dịch tễ, chúng ta đã có bài học từ việc người về từ vùng dịch, một số địa phương không làm tốt công tác kiểm soát, cách ly, để dịch lan rộng. Trong khi đó, nhiều địa phương hiện nay tỷ lệ tiêm chủng vaccine vẫn còn thấp.

1-noilong-1634533445.jpg
 Thực hiện bình thường mới nhưng không lơi là phòng chống dịch. 

PGS.TS Trần Đắc Phu, Cố vấn cao cấp Trung tâm Đáp ứng khẩn cấp sự kiện y tế công cộng (Bộ Y tế) cho rằng, nguy cơ dịch có thể lan rộng, bùng phát bất cứ lúc nếu trường hợp từ vùng dịch về không thực hiện các nguyên tắc phòng dịch, không tuân thủ 5K.

Cũng theo ông Phu, đối với các khu cách ly tập trung, cần kích hoạt ở mức cao nhất, nếu không làm tốt công tác chống nhiễm khuẩn, không quản lý nghiêm ngặt, thì nguy cơ lây nhiễm chéo là hiện hữu. Trong đợt dịch thứ 4 này, đã có bài học về tình trạng lây nhiễm chéo ở khu cách ly.

Còn khi triển khai cách ly tại nhà, chính quyền địa phương nên huy động sự tham gia giám sát của tổ Covid-19 cộng đồng. Đặc biệt, để chủ động phát hiện F0 trong cộng đồng, kịp thời xử lý dịch tễ khi phát hiện ca mắc mới, hạn chế thấp nhất lây lan dịch.

“Hiện các ổ dịch vẫn có thể xuất hiện rải rác trên nhiều địa phương tương tự Hà Nam hay các tỉnh miền Tây thời gian qua. Yếu tố quan trọng nhất là chúng ta cần phát hiện những ổ dịch này sớm nhất có thể. Ngoài ra, ý thức phòng dịch của người dân với việc thực hiện nghiêm 5K cũng góp phần rất lớn giúp các địa phương tránh được nguy cơ bùng phát dịch”, PGS.TS Trần Đắc Phu nhấn mạnh.

Ưu tiên tiêm vaccine cho các nhóm yếu thế

Theo số liệu từ Bộ Y tế, hiện trên cả nước đã tiêm chủng hơn 60 triệu liều vaccine phòng Covid-19 cho người trên 18 tuổi và đang tiếp tục mua, nhập khẩu và tiếp nhận các loại vaccine, trong đó có vaccine cho trẻ em.

Nhìn nhận về chiến dịch tiêm vaccine và bài học từ làn sóng dịch thứ 4, TS Trần Tuấn - Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu, Đào tạo và Phát triển Cộng đồng cho rằng, giai đoạn đầu, Việt Nam chưa ưu tiên tiêm vaccine cho người cao tuổi và có bệnh nền. Hậu quả là nhiều trường hợp yếu thế mắc Covid-19 tử vong. Khi quá tải F0, thiếu oxy, máy thở, trang thiết bị và nhân lực, sẽ khó có thể đáp ứng được nhu cầu điều trị.

Vì vậy, hiện vaccine cũng chưa thể phủ hết cho toàn dân, cần thiết phải ưu tiên cho người cao tuổi, người có bệnh nền để hạn chế thấp nhất tử vong nếu xảy ra làn sóng dịch tiếp theo.

Còn quan điểm của TS Trần Nam Trung – chuyên gia dịch tễ, là cần phải tiêm vaccine cho người cao tuổi, người có bệnh trước. Trong khi vavcine chưa đủ đáp ứng nhu cầu cho toàn dân, trẻ em có thể tiêm sau. “Dòng người rời tâm dịch TP Hồ Chí Minh về quê, nhiều người trong số họ nhiễm Covid, có nguy cơ sẽ lan dịch ra cả nước. Khi nguy cơ bùng dịch ở các tỉnh là khá cao và nhóm nguy cơ cao ở những nơi này chưa được tiêm đủ là điều hết sức đáng lo ngại” - TS Trần Nam Trung nhấn mạnh.

Ông cho biết thêm, tác dụng chủ yếu và hiệu quả nhất của tất cả các vaccine Covid-19 hiện nay là giảm ca nặng (giảm nhập viện và tử vong), chứ không phải giảm lây nhiễm. Vì vậy, để đạt hiệu quả cao nhất, nhanh nhất, chiến lược tiêm chủng phải tập trung vào mục tiêu giảm ca nặng tử vong cho đối tượng nguy cơ cao, chứ không phải tiêm đại trà tạo miễn dịch cộng đồng giúp giảm lây.

Với tất cả các chủng Covid-19, cao tuổi và bệnh nền là hai lý do chính dẫn tới bệnh nặng. Số liệu ở Trung Quốc cho thấy người từ 80 tuổi có tỷ lệ tử vong cao hơn 1,8 lần người 70-79 tuổi, hơn 4 lần người 60-69 tuổi, hơn 11 lần người 50-59 tuổi, và 74 lần người 10-19 tuổi.

Số liệu ở California, Mỹ cho thấy người từ 65 tuổi chỉ chiếm 16% dân số, 11% số ca nhiễm, nhưng tới 76% số tử vong. Trong khi đó, người 18-34 chiếm 24% dân số, 35% số ca, nhưng chỉ 1% số tử vong.

Số liệu ở Việt Nam cũng cho thấy tuổi càng cao thì tỷ lệ tử vong càng cao và số ca tử vong cao nhất ở nhóm từ 50 tuổi trở lên. Rất nhiều nghiên cứu cũng đã chứng minh người có bệnh nền tăng tỷ lệ tử vong so với người khỏe, ở bất cứ tuổi nào.

Đây cũng là ý kiến, là đề xuất của nhiều chuyên gia y tế: Tập trung tiêm ngay vaccine phòng Covid-19 cho những đối tượng nguy cơ cao tại những địa phương chưa tiêm chủng./ .