Nhiều trẻ em mắc tay chân miệng, các bác sĩ cảnh báo nguy cơ bùng phát thành dịch bệnh.
Thời gian gần đây, bệnh viện E liên tiếp ghi nhận các bệnh nhi được chẩn đoán mắc tay chân miệng. Trong số này, nhiều trẻ đã ở mức độ 2 của bệnh, phải nhập viện điều trị.
Bệnh nhi nam, 9 tháng tuổi, ở Bắc Từ Liêm, Hà Nội nhập viện điều trị tại khoa Nội Nhi tổng hợp, Bệnh viện E với biểu hiện sốt cao 39 độ C, Bệnh nhi được chẩn đoán mắc tay chân miệng, tuy nhiên không xác định được nguồn lây.
Trả lời PV, ThS.BS Trương Văn Quý – Trưởng khoa Nội Nhi tổng hợp, Bệnh viện E cho biết, trong 3 tuần gần đây, mỗi ngày, đơn vị này tiếp nhận từ 10 -15 trường hợp tới khám và điều trị do tay chân miệng.
Trẻ đến viện với biểu hiện sốt cao, các nốt phỏng nước xuất hiện nhiều trên da, vết loét vùng họng, miệng khiến trẻ đau đớn, bỏ ăn.
ThS Quý cảnh báo, dịch bệnh tay chân miệng đang gia tăng nhanh, có nguy cơ bùng phát mạnh do tốc độ lây lan "chóng mặt" của virus gây bệnh này.
Như đưa tin, tay chân miệng là một dịch bệnh vô cùng nguy hiểm đang hoành hành khắp nơi trên cả nước. Phụ nữ mang thai là một trong những đối tượng có khả năng lây nhiễm cao do thường xuyên tiếp xúc với mầm bệnh.
Bệnh tay chân miệng (TCM) là một hội chứng bệnh ở người do virus đường ruột thuộc nhóm Enterovirus (hai loại thường gặp nhất là Coxsackie A16 và Enterovirus typ 71) gây nên. Đây là một bệnh thường gặp ở nhũ nhi (trẻ từ 1 - 12 tháng tuổi) và trẻ em dưới 10 tuổi.
Ảnh minh hoạ (Nguồn Internet)
Bệnh lây nhiễm từ người sang người thông qua tiếp xúc trực tiếp với người bệnh hoặc gián tiếp qua vật dụng, đồ dùng nhiễm khuẩn từ dịch tiết từ mũi, họng.
Biểu hiện bệnh lý bao gồm sốt, đau họng, loét miệng, lợi, lưỡi và phát ban ở lòng bàn tay, bàn chân.
Bởi trẻ em không thể tự tạo ra miễn dịch đối với bệnh tay chân miệng do cơ thể có thể mắc nhiều chủng virus tay chân miệng khác nhau qua mỗi năm, vì vậy, trẻ mắc bệnh này có thể tái mắc sau đó.
Hiện nay, tay chân miệng chưa có vắc xin phòng bệnh và chưa có thuốc điều trị đặc hiệu.
Hiện các bác sĩ phân loại bệnh tay chân miệng ở trẻ em theo 4 mức độ.
Mức độ 1: Bệnh nhân có các dấu hiệu ngoài da, niêm mạc bao gồm phỏng nước lòng bàn tay, bàn chân hay ở các nếp gấp như khuỷu tay, đầu gối, mông, kèm theo nốt ở miệng. Với mức độ này, bệnh nhân có thể điều trị tại nhà.
Mức độ 2, bệnh nhân bắt đầu có biến chứng trên thần kinh và biến chứng tim mạch nhẹ.
Mức độ 3, biến chứng thần kinh, tim mạch, hô hấp nặng hơn.
Mức độ 4, bệnh nhân tay chân miệng xuất hiện triệu chứng sốc, phù phổi cấp, tím tái hoặc ngưng thở, thở nấc. Khi trẻ mắc bệnh từ mức độ 2 trở lên, bệnh nhân phải nhập viện để trị kịp thời.
Một số biện pháp nhằm phòng tránh lây nhiễm virus dẫn đến tay chân miệng:
- Hạn chế tiếp xúc với các nguồn bệnh.
- Rửa tay thường xuyên bằng xà phòng trước khi ăn hoặc sau khi đi vệ sinh (nên rửa trực tiếp dưới vòi nước).
- Thực hiện ăn chín uống sôi, rửa sạch thực phẩm trước khi chế biến.
- Che miệng, mũi khi ho, hắt hơi
- Vệ sinh sạch sẽ, khử trùng môi trường có khả năng xuất hiện virus gây tay chân miệng.
- Đối với những bậc phụ huynh có con bị tay chân miệng cần chú ý giữ vệ sinh khi chăm sóc trẻ, tốt nhất là nên sử dụng găng tay.
- Bổ sung Vitamin và khoáng chất cho người bệnh. Vitamin C giúp bảo vệ mạch máu, mau lành vết thương; vitamin nhóm B bảo vệ đường tiêu hóa, da, hệ thần kinh; vitamin A giữ cho da, niêm mạc không bị nhiễm trùng, bảo vệ mắt; vitamin D có lợi cho phát triển cơ xương vững chắc; axit folic giúp cơ thể phát triển bình thường.
- Tránh các loại thực phẩm nóng, cứng, nên chọn các loại thức ăn mềm, nguội, nhiều chất xơ để dễ tiêu hóa.
- Tăng cường hoa quả, sữa chua, nước ép trái cây trong khẩu phần ăn hàng ngày. Chia nhỏ bữa, không nên ép người bệnh ăn quá nhiều. Có thể bù đắp dinh dưỡng sau khi đã khỏi bệnh.
Không chỉ trẻ em, phụ nữ trong thời kỳ thai sản cần giữ gìn sức khỏe để có thể sinh con trong điều kiện tốt nhất.